Vệ tinh quan sát Carbon 2 (OCO-2) có thiết kế tương tự như người anh em COC-1 đã bị phá hủy trước đó trong vụ phóng hồi tháng 2/2009. Theo kế hoạch, OCO-2 sẽ được phóng từ căn cứ không quân Vandenberg ở Carlifornia với nhiệm vụ hoạt động trong quỹ đạo cách bề mặt trái đất 105km. Sau khi được phóng lên không gian, OCO-2 sẽ thu thập hình ảnh về bức tranh phát thải CO2 trên phạm vi toàn cầu cũng như các hiệu ứng hấp thu CO2 ở đại dương và rừng.
NASA mong muốn OCO-2 sẽ trở thành vệ tinh tiên phong cho một phi đội gồm nhiều vệ tinh bay quanh trái đất mỗi 99 phút, tạo ra phạm vi quan sát gần như đồng thời về nồng độ thay đổi CO2 trên toàn cầu. OCO-2 được thiết kế hoạt động ít nhất hai năm. Các chuyên gia sẽ sử dụng thông tin do vệ tinh này thu thập, kết hợp với các dữ liệu thu từ các trạm quan sát mặt đất, máy bay và các vệ tinh khác để đưa ra đánh giá tổng quát về tình trạng phát thải và hấp thụ CO2.
CO2 trong khí quyển đóng vai trò quan trọng đối với sự cân bằng năng lượng của hành tinh và là chìa khóa trong hoạt động nghiên cứu biến đổi khí hậu. Với OCO-2, NASA sẽ có thêm nguồn thông tin quan trọng cho hoạt động quan sát trái đất. Theo số liệu đo đạc, trong tháng 4 vừa qua, nồng độ khí CO2 trung bình trong khí quyển lần đầu tiên đã vượt mức 400 phần triệu ở bán cầu Bắc, mức cao nhất trong vòng 800.000 năm trở lại đây.
Các chuyên gia khí hậu kết luận rằng sự gia tăng khí thải CO2 từ hoạt động của con người, đặc biệt từ việc sử dụng chất đốt hóa thạch và phá rừng, đã làm rối loạn chu trình carbon tự nhiên, làm nhiệt độ tăng cao và gây ra biến đổi khí hậu. Hiện tại, có gần một nửa lượng khí thải CO2 trong khí quyển là do hoạt động của con người tạo ra.
Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận