25/11/2006 14:05 GMT+7

Năng lực thể chế

TS NGUYỄN SĨ DŨNG
TS NGUYỄN SĨ DŨNG

TTCT - Năng lực thể chế là năng lực của các cơ quan nhà nước hoàn thành các chức năng hiến định của mình. Chức năng nào thì năng lực ấy. Chức năng càng quan trọng thì năng lực phải càng cao.

Rủi ro lớn nhất ở đây là Hiến pháp chỉ có thể trao cho một cơ quan nhà nước các chức năng, chứ không thể trao cho cơ quan này các năng lực tương ứng. Tuy nhiên, thiếu các năng lực tương ứng, việc giao phó các chức năng lại có vẻ rất giống với việc trao bằng cho người chưa tốt nghiệp.

Năng lực thể chế là thứ rất trừu tượng. Nó được thể hiện thông qua tầm nhìn; qui trình, thủ tục của công việc và kiến thức, kỹ năng của những con người. Mỗi cơ quan nhà nước đều có những qui trình, thủ tục và đều có những con người của riêng mình.

Tầm nhìn phản ánh năng lực tư tưởng và trí tuệ trong việc nhận biết xu thế thời đại, nhận biết những vấn đề đang được đặt ra để định hướng hành động cho hệ thống.

Qui trình, thủ tục hợp thành công nghệ ban hành quyết định và giải quyết công việc. Công nghệ chuẩn thì quyết định ban hành thường anh minh và tối ưu, công nghệ lạc hậu thì quyết định được ban hành thường chủ quan và độc đoán. Tuy nhiên, con người là yếu tố quan trọng nhất. Thiếu những con người có kiến thức, kỹ năng thì công nghệ cũng chỉ giống như cỗ máy tối tân nhưng vô ích vì không ai biết cách sử dụng. Yếu tố con người còn hết sức quan trọng vì không có một công nghệ nào không bị lạc hậu cùng với thời gian. Chỉ có những con người thành thạo, tâm huyết mới có thể liên tục hoàn thiện qui trình công nghệ của cơ quan mình.

Năng lực thể chế là vấn đề rất lớn của nhiều cơ quan nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu. Bởi vì những thách thức đặt ra cho đất nước khi gia nhập WTO trước hết là thách thức đặt ra cho các thể chế vận hành nền quản trị quốc gia. Tuy nhiên, đối với các cơ quan dân cử, đây là một vấn đề rất lớn, nếu như không muốn nói là lớn nhất. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là việc các vị đại biểu cả của Quốc hội và các hội đồng nhân dân đều bị thay đổi thường xuyên qua mỗi lần bầu cử.

Ví dụ, trong tổng số 498 đại biểu của Quốc hội khóa XI, chỉ có không đến 1/3 là những người được tái cử. Tình hình tương tự cũng xảy ra với các vị đại biểu hội đồng nhân dân các cấp. Sự thay đổi nhân sự này xảy ra không phải do các vị đại biểu không còn xứng đáng, mà chủ yếu do cơ cấu đại biểu bị thay đổi. Tuy nhiên, với sự thay đổi nhân sự liên tục như vậy, năng lực thể chế khó có thể tích tụ lại được trong hệ thống các cơ quan dân cử. Cứ thử nghĩ mà xem, năng lực chiến đấu của một đơn vị quân đội sẽ như thế nào nếu đơn vị đó thường xuyên có đến trên 2/3 là “tân binh”?

Thật ra, vấn đề năng lực thể chế của các cơ quan dân cử được đặt ra không chỉ đối với đất nước ta, mà còn đối với rất nhiều nước khác trên thế giới. Giải pháp thường được các nước áp dụng là không bầu lại một lúc tất cả các ghế trong nghị viện, mà mỗi lần chỉ bầu lại 1/3 của số ghế này. Ngoài ra, việc tái cử của các nghị sĩ là rất được coi trọng. Những cách làm trên là những kinh nghiệm hay để chúng ta tham khảo.

Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, tập huấn, bồi dưỡng cho các vị đại biểu có lẽ là giải pháp quan trọng hơn và khả thi hơn. Ngoài ra, bộ máy giúp việc của các cơ quan dân cử cũng cần được coi trọng và củng cố, vì bộ máy này chính là trí nhớ thể chế của hệ thống.

Quốc hội, các hội đồng nhân dân là những cơ quan đại diện cho nhân dân và thực thi quyền lực nhà nước trên cơ sở được nhân dân ủy quyền. Bảo đảm năng lực thể chế cho các cơ quan này là điều kiện tiên quyết để vận hành chế độ dân chủ và Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

TS NGUYỄN SĨ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên