09/01/2005 07:49 GMT+7

Năng lực sinh viên

HOÀNG TUYẾT
HOÀNG TUYẾT

TTCN - Việc xác định một SV có năng lực hay không và đến mức nào được thực hiện trên bốn phương diện cơ bản: 1. Những chỉ báo về trí tuệ (khả năng học tập/làm việc trí óc và cách sử dụng thời gian). 2. Những chỉ báo về động cơ học tập. 3. Những chỉ báo về phẩm chất xã hội. 4. Những chỉ báo về phẩm chất nghề nghiệp.

L8oHbYEL.jpgPhóng to

Năng lực sinh viên là thông số đặc trưng của chất lượng giáo dục đại học. Không thể đánh giá chất lượng giáo dục chỉ qua những chỉ báo số lượng như là đã đào tạo được 3.000 sinh viên, đạt chỉ tiêu tốt nghiệp 100%; 70% tốt nghiệp loại khá, 20% tốt nghiệp loại trung bình...; hoặc vào số sinh viên đoạt các giải trong các kỳ thi...

Những chỉ báo về số lượng đó chỉ như những “ảnh chụp chớp nhoáng” bất động về một tình hình nhất định. Trong khi đó, chỉ báo chất lượng là những chỉ báo quá trình. Chúng cho phép nhà giáo dục có thể đánh giá năng lực của người học, người dạy và người quản lý cũng như kiểm soát được quá trình đào tạo.

Những chỉ báo về khả năng học tập

pliEJaHa.jpgPhóng to
Sự thành công trong dạy học không gắn nhiều với số lượng kiến thức được nhận mà với những khả năng vận dụng kiến thức. Nhiều cách hoạt động trí óc phải được xác lập và phát triển cho người học từ bậc trung học và cần được người học đại học tiếp tục phát triển trong ngành nghề được đào tạo.

Nhóm nghiên cứu Men (1988) đã đề xuất tám cách hoạt động trí óc. Học quan sát, bao gồm những khả năng quan sát một tình huống, phân tích tình huống đó và phân biệt những thông tin chính, sơ đồ hóa tất cả những yếu tố thuộc một vấn đề. Học thu thập, phân tích và xử lý thông tin, bao hàm những khả năng rút ra những thông tin từ một tư liệu và ghi chép từ một thông báo hay bài phát biểu. Học cách tổng hợp vấn đề, điều đó đòi hỏi phát triển những khả năng tổng hợp, cấu trúc cách giải quyết vấn đề, sắp xếp những thông tin về một đề tài. Học cách khái quát hóa, tức là qui nạp những ý kiến từ những sự kiện, xây dựng một giả thuyết và kiểm tra giả thuyết đó. Học phán đoán hoặc dựa vào những nguyên lý để rút ra những hệ quả. Học thông báo, điều này yêu cầu nhiều hơn các khả năng thể hiện những thông tin bằng sơ đồ, đồ thị, bằng một ngôn ngữ tượng trưng hay kỹ thuật, và ngược lại, những yêu cầu trình bày lại một văn bản bằng cách dùng những ngôn từ khác, cách diễn đạt khác. Học quyết định và hành động, điều này nhất thiết bao hàm việc lựa chọn đúng đắn những phương pháp thuật toán, phương pháp thực hành, bao hàm khả năng lập và thực hiện một chương trình hành động. Học phán đoán và đánh giá, khả năng phát biểu những tiêu chuẩn đánh giá, đánh giá theo những tiêu chuẩn đã được lựa chọn, hiệu chỉnh một hành động hay một phương pháp.

Toàn bộ những cách hoạt động trí óc nêu trên, nếu được tiến hành đánh giá đều đặn đối với sinh viên thông qua không chỉ thi, kiểm tra mà quan trọng hơn là qua nhiều hình thức và phương pháp dạy học khác nhau như dạy theo dự án, giải quyết vấn đề, học theo tình huống, thảo luận nhóm, trình bày, viết báo cáo... kết hợp với tăng cường cung cấp các tài liệu tham khảo, trang thiết bị học tập sẽ giúp người học tìm ra lời giải đáp cho những vấn đề mà họ chưa từng gặp. Nói cách khác, các chỉ báo về khả năng học tập nói trên có thể đánh giá khả năng ứng dụng kiến thức của người học vào những tình huống khác nhau của công việc thuộc lĩnh vực nghề nghiệp mà họ đang học.

Chỉ báo về cách sử dụng thời gian

ucQYbDYL.jpgPhóng to
Cách sử dụng thời gian là một trong những kỹ năng sống quan trọng của một người trí thức. Căn cứ vào cách sinh viên sắp xếp và sử dụng thời gian, Shereiber (1983) đã chia thành năm tình huống sử dụng thời gian. Một là người chuyên kiện toàn, chỉnh lý và bổ sung cho những kiến thức của mình. Hai là người dành nhiều thời gian cho những kẻ khác làm ảnh hướng đến thời gian của mình. Ba là người vì đã quan trọng hóa các đòi hỏi quá mức của cha mẹ nên gặp khó khăn để kết thúc và hoàn thành tốt một vấn đề. Bốn là người phải chờ đến phút cuối cùng mới chịu cố gắng. Năm là người tự lực cánh sinh trong tất cả mọi việc và không cần đến ai.

Việc sử dụng thời gian của người sinh viên liên quan mật thiết đến khả năng xác định mục tiêu và sử dụng phương pháp học tập của người học, đồng thời đến khả năng làm việc có kế hoạch sau tốt nghiệp.

Những chỉ báo về động cơ học tập

Trong một nền giáo dục xem trọng chất lượng và mong muốn phát triển khả năng học tập suốt đời cho người học, động cơ học tập được xem là một trong những nhân tố quan trọng bậc nhất cần phát triển, vì vậy cũng là tiêu chí chủ yếu cần đánh giá.

Hệ thống chỉ báo thứ nhất của tiêu chí động cơ học tập là những mức độ và biểu hiện của sự thiết tha đối với việc học tập. Trạng thái nhập cuộc vào đời sống đại học, một trạng thái tích cực, năng động trong suốt thời gian học là một trong những biểu hiện cơ bản của lòng thiết tha đối với việc học tập. Mức độ nhập cuộc vào việc học tập của người sinh viên ảnh hưởng tới sự rèn luyện - phát triển trí tuệ và xã hội, tới chất lượng học tập của sinh viên.

Thứ hai là chỉ báo về việc xác định rõ ràng những ý định và dự định cá nhân qua việc chọn lựa ngành học. Ở phương diện này, chọn lựa và xác định hướng học của sinh viên là kết quả của một quyết định cá nhân với một niềm tin vững chắc và có lý do. Bên cạnh đó, họ còn có những dự kiến về cương vị, về công việc, về uy tín của nghề nghiệp trong tương lai và về những khó khăn sẽ phải đương đầu.

Thứ ba là chỉ báo về khả năng tự định cho mình những mục tiêu. Khả năng tự xác định mục tiêu và hướng sự quyết định vào những mục tiêu rõ ràng là biểu hiện rõ nét và sâu sắc động cơ học tập của người học. Khi hướng quyết định vào những mục tiêu rõ ràng thì người sinh viên sẽ chủ ý chọn lọc, tách biệt những thông tin nhận được, nhờ vậy định rõ được những nét mấu chốt mà họ cần tập trung hoạt động.

Những chỉ báo về phẩm chất xã hội

Trong mỗi nước cũng như trên bình diện quốc tế đang có xu thế dẫn đến sự ưu tiên cho tinh thần tranh đua và cho sự thành đạt cá nhân, tạo nên những khủng hoảng về mặt tinh thần và văn hóa trong giáo dục ở nhiều nước trên thế giới hiện nay. Vì vậy, ba phẩm chất xã hội cần ưu tiên phát triển và đánh giá ở người sinh viên thế kỷ 21 là:

VsFoxwun.jpgPhóng to
- Khả năng tự hoàn thiện nhân cách bằng các giá trị nhân văn vốn có gốc rễ sâu xa trong truyền thống dân tộc.

- Sự phát triển bản sắc và cảm thức chung của cộng đồng.

- Khả năng làm việc hợp tác.

Việc chú trọng đào tạo và đánh giá các nhân tố trên giúp khắc phục hiện trạng người học chỉ tập trung thu hoạch một số kiến thức và kỹ năng cụ thể để mưu sinh hay thăng tiến trong xã hội. Mặt khác, chúng cũng giúp sinh viên thoát khỏi sự nghèo nàn và yếu ớt về mặt văn hóa và tinh thần, tạo cho họ nhiều cơ may hiểu được chính mình, hiểu được người khác, nhờ vậy có thể học cách cùng sống cộng đồng trong sự khoan dung và tôn trọng lẫn nhau. Thế kỷ 21 đòi hỏi ở mỗi con người năng lực tự chủ và xét đoán cao hơn, gắn bó với sự tăng cường trách nhiệm cá nhân trong nỗ lực nhằm đạt mục đích chung. Ý thức và khả năng hợp tác làm việc đóng một phần quan trọng trong việc đáp ứng đòi hỏi ấy của xã hội hiện đại.

Các chỉ báo đánh giá phẩm chất xã hội có thể được đo lường thông qua các hoạt động giáo dục nghệ thuật, nhân văn và xã hội trong nhà trường, cũng như thông qua các hình thức học tập theo hướng gắn liền với giải quyết các vấn đề của thực tiễn xã hội, văn hóa địa phương. Điều này đòi hỏi nhà trường đại học phải hoạch định những chiến lược giáo dục nhân văn với sự hỗ trợ của một hệ thống các biện pháp và phương tiện hoạt động cụ thể.

Việc phát triển các phẩm chất xã hội góp phần thực hiện một chức năng cao quí của giáo dục là xây dựng một xã hội và tinh thần công dân. Không phải lương thấp là cội nguồn của nạn tham nhũng đang hoành hành đất nước (theo ý kiến của Thủ tướng Phan Văn Khải), mà theo chúng tôi, chính việc thiếu một xã hội và tinh thần công dân ấy là mầm mống tạo ra những kẻ sống tự tư, tự lợi và sẵn sàng hãm hại người trong cộng đồng cũng như chà đạp những giá trị tốt đẹp của cộng đồng.

Những chỉ báo về phẩm chất và kỹ năng, kỷ xảo nghề nghiệp

Về phẩm chất nghề nghiệp và kỹ năng, kỹ xảo, hệ thống chỉ báo được xác lập tùy theo từng ngành nghề học cụ thể.

oOo

Tóm lại, đổi mới quá trình quản lý nhằm phát triển chất lượng giáo dục đại học cần bắt đầu với một việc bản chất nhất là xác định thật rõ ràng hình ảnh người sinh viên mà chúng ta đào tạo là người như thế nào. Từ đó, xác lập hệ thống tiêu chí cùng với hệ thống chỉ báo tương ứng để các cơ sở giáo dục được tự chủ và có sự cạnh tranh quyết liệt về chất lượng đào tạo cũng như có phương hướng phát triển điều kiện và nguồn lực thích hợp nhằm thực hiện thành công các tiêu chí ấy.

HOÀNG TUYẾT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên