01/05/2010 10:03 GMT+7

Nạn tham nhũng ở Hi Lạp

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Đâu là nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng nợ đang đẩy Hi Lạp đến bờ vực phá sản? Theo báo Wall Street Journal, với nhiều người Hi Lạp, câu trả lời chỉ có hai từ: phong bì và chủ nghĩa đặc quyền.

XOxOdeKr.jpgPhóng to
Người biểu tình đụng độ với cảnh sát ở thủ đô Athens ngày 29-4. Họ xuống đường để chống lại các biện pháp thắt lưng buộc bụng của chính phủ - Ảnh: Reuters

Theo nghiên cứu của Viện Brookings (Mỹ), nạn tham nhũng, hối lộ và chủ nghĩa bè phái, đặc quyền đã cướp đi của Hi Lạp 8% GDP mỗi năm, tương đương hơn 27 tỉ USD. “Vấn đề cơ bản của chúng ta là nạn tham nhũng có hệ thống” - Thủ tướng George Papandreou thừa nhận khi lên nhậm chức hồi năm ngoái.

Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) xếp Hi Lạp vị trí đội sổ trong 16 nước sử dụng đồng euro trong bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng, và hạng cuối trong 27 nước Liên minh châu Âu (EU), đồng hạng với Bulgaria và Romania. TI xác định trong năm 2009, 13,5% trong tổng số các gia đình Hi Lạp nộp tiền hối lộ với mức trung bình gần 1.800 USD/gia đình. Người dân đưa phong bì để lấy bằng lái xe, lấy giấy phép xây nhà, đi khám bệnh hoặc để trốn thuế...

Wall Street Journal cho biết trong ba năm qua, hàng loạt chính trị gia Hi Lạp phải từ chức hoặc bị điều tra tội tham nhũng. Trong ba thập niên, Hi Lạp nhận hơn 317 tỉ USD tiền trợ cấp từ EU, nhưng một phần lớn số tiền bị các quan chức dùng để mua xe hơi sang trọng, mua nhà... Các cuộc điều tra tham nhũng thường diễn ra chậm chạp, bởi pháp luật Hi Lạp quy định người nhận hối lộ không được ra làm chứng trước tòa.

Nạn tham nhũng, chủ nghĩa bè phái, đặc quyền tồn tại trên mọi lĩnh vực xã hội. Trong lĩnh vực y tế, người Hi Lạp phải nộp tiền lót tay để được chữa trị. Hiện tượng này cộng với các chi phí mua bán thiết bị mờ ám tại các bệnh viện đẩy giá dịch vụ y tế tăng vọt. Chính quyền Athens ước tính giá một ca phẫu thuật tim ở Hi Lạp đắt gấp năm lần ở Đức. Báo Guardian (Anh) đưa tin ngày 28-4, một tòa án ở Anh đã xử tù một quan chức Hãng thiết bị y tế DePuy International vì hối lộ các bác sĩ Hi Lạp 7 triệu USD để thắng thầu cung cấp thiết bị phẫu thuật chỉnh hình cho các bệnh viện Hi Lạp với giá cao gấp đôi giá trung bình tại châu Âu.

AFP cho biết thời gian qua, hàng loạt cơ quan nhà nước Hi Lạp bị phát hiện phình ra rất to, ngốn nhiều tiền thuế của dân nhưng hầu như không có hoạt động gì. Bộ Tài chính tiết lộ năm ngoái nhà nước tuyển dụng 27.000 người nhưng nhiều người không hề có việc, thậm chí cũng chẳng có văn phòng mà đến. Hiến pháp Hi Lạp ngăn cản việc sa thải công chức nhà nước.

Trong khi đó, nạn trốn thuế hoành hành dữ dội. Wall Street Journal dẫn lời nhà kinh tế Friedrich Schneider - ĐH Linz (Áo), chuyên gia nghiên cứu nạn trốn thuế toàn cầu - ước tính khoảng 25% thuế ở Hi Lạp bị trốn, nguyên nhân chủ yếu do tham nhũng. Bộ Tài chính Hi Lạp khẳng định đó là lý do tại sao ở một nước phát triển có 11 triệu dân như Hi Lạp, lại chỉ có 15.000 người kê khai mức thu nhập trên 132.000 USD/năm.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên