![]() |
Từ nay, kỳ thi tốt nghiệp tiểu học sẽ không còn nữa |
Riêng tại TPHCM, để có một phương án tuyển sinh công bằng và hiệu quả lại không hề giản đơn.
Rất nhiều bạn đọc Báo SGGP thắc mắc muốn biết phương án tuyển sinh vào lớp 6 ở TP sẽ được tổ chức theo hình thức xét tuyển hay thi tuyển? Trao đổi với Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Ngai, Phó Giám đốc Sở GD – ĐT, cho biết:
Trong khi chờ đợi Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD - ĐT hướng dẫn thêm, Ban Giám đốc Sở đã có họp bàn với các phòng chức năng về phương án tuyển sinh vào lớp 6. Nhìn chung, chủ trương của Sở GD – ĐT là tuyển sinh nhẹ nhàng, không gây căng thẳng cho học sinh (HS).
Chúng tôi sẽ căn cứ vào điểm kiểm tra định kỳ cuối năm học lớp 5 của 2 môn toán, tiếng Việt. Đây có thể xem như là kỳ thi ghép “ 2 trong 1”, vừa là đánh giá, xếp loại học lực, vừa là căn cứ để xét tuyển vào lớp 6. Ngoài ra, việc xét tuyển còn tham khảo kết quả trong học bạ và một số thông số khác của HS.
Để việc kiểm tra định kỳ của HS được đồng nhất, Sở sẽ ra đề, quận, huyện chấm tập trung, còn HS sẽ được thi tại trường. Ngoài ra, tránh trường hợp HS quận này “chạy” sang quận khác, Sở GD – ĐT sẽ định quy định tỉ lệ tuyển sinh trong địa bàn, sau đó mới tuyển ngoài địa bàn.
-Vì sao việc tuyển sinh không lấy kết quả của 5 năm bậc tiểu học, hay chí ít là điểm trung bình cả năm lớp 5 của HS, như vậy mới đánh giá được cả một quá trình học tập của HS?
-Chúng tôi đã cân nhắc nhiều phương án, mỗi phương án đều có ưu và nhược điểm. Mặc dù kết quả học bạ đánh giá cả quá trình học tập nhưng trong chừng mực sẽ có độ chênh giữa HS trong cùng địa bàn, giữa các quận với nhau; sự đánh giá chủ quan, cảm tính của người thầy.
Sau khi cân nhắc tình hình thực tế, Sở GD – ĐT chọn phương án lấy kết quả bài kiểm tra định kỳ 2 môn toán, tiếng Việt cuối năm học lớp 5, theo như chỉ đạo của Bộ, làm căn cứ xét tuyển nhằm đảm bảo tính khách quan cao. Mặt khác, nội dung của đề sẽ bao gồm kiến thức cơ bản của cả chương trình học kỳ 2.
* Bao giờ các quận, huyện công bố phương án tuyển sinh cụ thể trên địa bàn?
- Sở ra quy định hướng dẫn chung, còn cụ thể hóa trên địa bàn phụ thuộc vào Phòng GD – ĐT các quận, huyện. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ có thông báo sớm để phụ huynh yên tâm.
* Nhiều PHHS băn khoăn trước thông tin các trường trọng điểm, chất lượng cao sẽ tổ chức tuyển sinh đầu vào? Thưa ông, thực hư như thế nào?
- Chúng tôi đã nói không thi tuyển lớp 6 thì sẽ không có thi tuyển ở bất cứ trường nào. Sở không có chủ trương trường trọng điểm chất lượng cao bậc tiểu học, THCS. Ngành giáo dục đang phấn đấu nâng chất lượng tất cả các trường, để đảm bảo chất lượng các trường như nhau. Do vậy, các trường được coi là trọng điểm cũng không được tổ chức thi tuyển gây tốn kém, dẫn đến HS luyện thi, gây nặng nề, căng thẳng không cần thiết. Dù đã giao cho quận huyện thực hiện kế hoạch tuyển sinh, nhưng Sở sẽ giám sát chặt chẽ.
* Nếu giao việc coi thi, chấm thi về cho quận huyện thì liệu các quận huyện có tin cậy kết quả của nhau khi mà bệnh thành tích vẫn tồn tại?
- Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để thực hiện sự nghiêm túc trong đánh giá, đáp ứng lòng mong đợi của phụ huynh. Để hạn chế cao nhất độ chênh trong kết quả xét tuyển, Giám đốc Sở GD-ĐT đã giao cho Phòng Giáo dục Tiểu học công tác tập huấn việc coi thi, chấm thi cho Ban tuyển sinh các quận huyện và hiệu trưởng các trường tiểu học giúp cho kỳ thi diễn ra nghiêm túc nhưng nhẹ nhàng, không gây xáo trộn, căng thẳng cho HS. Lãnh đạo Sở sẽ có văn bản hướng dẫn nhằm đi đến sự thống nhất về quan điểm trong cách đánh giá để hạn chế độ chênh.
* Có hợp lý không nếu một số quận huyện đang chuẩn bị kỳ thi học sinh giỏi và xem đó như là một trong các thông số để tuyển sinh lớp 6?
- Theo tinh thần văn bản 825 của Bộ GD-ĐT, Sở đã giao cho các quận huyện chủ động tổ chức việc chọn HS giỏi. Sở sẽ xét duyệt kế hoạch tổ chức thi HS giỏi của tất cả các quận huyện. Việc lấy kết quả thi học sinh giỏi để xét tuyển lớp 6, nếu có cũng chỉ mang tính tham khảo. Ví dụ: hai HS có tổng điểm kiểm tra như nhau thì HS danh hiệu HS giỏi sẽ được ưu tiên hơn.
* Xin cám ơn ông.
Học sinh không có đầy đủ hồ sơ có thể vẫn được công nhận hoàn thành chương trình tiểu học Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Đặng Huỳnh Mai, với các học sinh hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện theo học lớp chính quy, nhưng đã học hết chương trình lớp 5 theo yêu cầu của Sở GD-ĐT và có đầy đủ hồ sơ sẽ được các trường tiểu học tổ chức kiểm tra 2 môn Toán và Tiếng Việt để công nhận hoàn thành chương trình tiểu học hay chưa. Đề thi của những học sinh này phải bám sát yêu cầu cơ bản về kiến thức và kỹ năng, tập trung nội dung ở học kỳ 2 lớp 5, chương trình cải cách giáo dục hiện hành. Đối với những học sinh tự do, không có đầy đủ hồ sơ nhưng được giáo viên hoặc người trực tiếp giảng dạy xác nhận đã học hết chương trình lớp 5, các trường tiểu học sẽ tổ chức kiểm tra 2 môn Toán và Tiếng Việt, dù chỉ 1 học sinh cũng phải tổ chức. Nếu đạt điểm yêu cầu, các học sinh đó sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tiểu học. Thời gian tổ chức kiểm tra cho những đối tượng học sinh nói trên do Phòng GD-ĐT địa phương quyết định và tổ chức một lần, từ 20 đến 31-5. |
Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận