Bão số 10 năm 2017 ảnh hưởng tới tỉnh Hà Tĩnh gây thiệt hại lớn về tài sản - Ảnh: XUÂN LONG
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2018 bão và áp thấp nhiệt đới có xu hướng xuất hiện nhiều ở khu vực phía bắc Biển Đông, sau đó dịch dần về phía nam Biển Đông trong những tháng cuối năm.
Đáng lưu ý, khả năng cao bão và áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng nhiều hơn tới khu vực Trung bộ.
Cơ quan khí tượng cũng nhận định mùa lũ ở các sông khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên có khả năng xuất hiện sớm, đỉnh lũ trên các sông ở mức tương đương và cao hơn trung bình nhiều năm.
Trên lưu vực sông Mekong, mùa lũ sẽ đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm, đỉnh lũ ở đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng ở mức báo động 2, 3.
Về triều cường, tại khu vực ven biển Nam Bộ, triều cường cao sẽ xuất hiện vào những ngày đầu của tháng 10, 11 và trung tuần tháng 12. Tương tự, tại ven biển Nam Trung Bộ (Phú Yên, Phan Thiết), nguy cơ triều cường cao tập trung vào giữa tháng 11, 12.
Với nhận định xu thế thiên tai như trên, Tổng cục Khí tượng thủy văn xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018 là xây dựng hệ thống cảnh báo sớm đa thiên tai.
Thứ nhất, tập trung dự báo, cảnh báo sớm sự xuất hiện của áp thấp nhiệt đới, bão, ảnh hưởng tập trung của bão mạnh ở Trung bộ.
Thứ hai, dự báo sớm mưa trái mùa ở phía Nam và sau đó là lũ tập trung trong các tháng 6, 7, 8 ở phía Bắc. Đồng thời nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo lũ quét, sạt lở đất ở miền núi phía Bắc.
Thứ ba, theo dõi, cảnh báo về khả năng lũ sớm, lũ lớn ở đồng bằng sông Cửu Long.
Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa cho biết cần khắc phục tồn tại về công tác ứng phó thiên tai ở các vùng miền - Video: XUÂN LONG
Thiếu tướng Trương Đức Nghĩa - chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cho rằng từ thực tế ứng phó với thiên tai năm 2017 cho thấy công tác ứng phó với thiên tai giữa các vùng miền còn rất khác nhau.
Ông Nghĩa dẫn chứng cũng với chất lượng dự báo như nhau, nhưng trong đối phó với bão số 10, từ cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng, người dân ở khu vực Bắc miền Trung đều thực hiện rất tốt.
Nhưng cũng vẫn những dự báo đó, cơn bão số 12 đổ độ vào khu vực phía Nam, mức độ cụ thể hóa các nội dung ứng phó không đầy đủ, thiếu chi tiết, vì thế thiệt hại còn rất lớn.
Theo ông Nghĩa, qua thực tế nhiều cơn bão, khi đi vào vùng tâm bão, vấn đề cần phải thay đổi hiện nay là từng địa phương, từng cấp ủy, chính quyền khi tiếp nhận thông tin dự báo phải lập tức liên hệ với thực tế ở địa phương, xác định mức độ ảnh hưởng dựa trên cơ sở hạ tầng thực tiễn để có ứng phó sát nhất.
"Chỉ có như vậy mới giảm được thiệt hại. Thậm chí, ngay người dân cũng phải liên hệ với cuộc sống của mình, ngôi nhà mình ở để chủ động đối ứng, giảm nhẹ thiệt hại", ông Nghĩa nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận