Tên lửa đánh chặn thuộc hệ thống GMD được chuyển tới Alaska - Ảnh chụp màn hình
Trước các mối đe dọa từ ICBM, Mỹ đã bắt đầu phát triển hệ thống phòng thủ giai đoạn giữa đặt trên mặt đất (GMD). Trong đó tên lửa đánh chặn được phóng vào không gian và sử dụng động năng để phá hủy đầu đạn ICBM của kẻ thù đang đến.
Đây là lần đầu tiên quân đội Mỹ thử nghiệm khả năng đánh chặn của GMD bằng cách phóng loạt hai tên lửa.
Cơ quan Phòng thủ tên lửa của Mỹ (MDA) xác nhận tên lửa đánh chặn đầu tiên được bắn đi để phá hủy đầu đạn trên tên lửa của kẻ thù khi nó đang chuẩn bị quay lại bầu khí quyển.
Tên lửa đánh chặn thứ hai có nhiệm vụ "dọn dẹp" các mảnh vỡ sót lại của tên lửa kẻ thù, cũng như xác định đâu là "đối tượng gây nguy hiểm nhất" để bắn hạ.
Theo MDA, tên lửa mục tiêu được phóng đi từ một địa điểm thử nghiệm tại quần đảo Marshall ở Thái Bình Dương, cách nơi đặt các tên lửa đánh chặn khoảng 6.500km.
Thử nghiệm thành công hệ thống GMD tháng 5-2017 - Nguồn: YOUTUBE
Người đứng đầu MDA, trung tướng Samuel Greaves, gọi cuộc thử nghiệm là "cột mốc quan trọng".
Hệ thống GMD "cực kỳ quan trọng đối với việc bảo vệ đất nước của chúng ta và thử nghiệm này cho thấy chúng ta đã có một khả năng răn đe đáng tin cậy, có đủ năng lực chống lại một mối đe dọa rất thực tế" - Hãng thông tấn AFP dẫn lời tướng Greaves.
Mỹ đã dành hàng thập kỷ và hàng tỉ USD để phát triển các công nghệ đánh chặn một tên lửa đạn đạo sắp sửa lao xuống và vẫn sẽ tiếp tục đẩy mạnh những nỗ lực này trong bối cảnh các mối đe dọa mới đã xuất hiện.
Triều Tiên đã trở thành bên mới nhất tham gia câu lạc bộ ICBM vào năm 2017 khi thử nghiệm Hwasong-15, loại tên lửa mà các nhà phân tích cho rằng có khả năng tiếp cận toàn bộ lục địa Mỹ.
Mô phỏng cơ chế hoạt động của ICBM Minuteman-III của Mỹ - Ảnh: ICBM System Program Office (SPO)
Ngoại trừ tên lửa đạn đạo chiến thuật (tầm bắn dưới 300km), cơ chế hoạt động/quỹ đạo bay của tất cả tên lửa đạn đạo, bao gồm ICBM có 3 giai đoạn:
- Giai đoạn phóng thẳng đứng: Tên lửa sẽ được phóng lên theo chiều thẳng đứng để lấy độ cao. Tầm bắn càng xa thì độ cao càng lớn, tốc độ của tên lửa càng cao. Sau khi thoát ra khỏi bầu khí quyển của Trái đất, tên lửa đẩy sẽ bắt đầu giai đoạn thứ hai.
Trên thực tế, có một số tên lửa đạn đạo vẫn không thoát ra khỏi bầu khí quyển của Trái đất, điển hình là tên lửa đạn đạo chiến thuật.
- Giai đoạn giữa: Đây là giai đoạn tên lửa đạn đạo sẽ đạt độ cao lớn nhất trong hành trình bay. Tên lửa sẽ chuyển động theo phương ngang theo quy luật của vật bị ném lên trong trường trọng lực. Quỹ đạo của tên lửa lúc này có hình dạng một phần ellipse. Sau khi đạt độ cao tối đa, đầu đạn sẽ được tách ra khỏi các phần còn lại của tên lửa đẩy rồi mất dần độ cao và rơi trở lại Trái đất dưới tác dụng của trọng lực.
- Giai đoạn cuối: Đầu đạn sẽ lao xuống mục tiêu theo phương thẳng đứng. Để tăng hiệu quả tấn công và sức hủy diệt, thông thường một tên lửa đạn đạo sẽ mang theo rất nhiều đầu đạn khiến hệ thống phòng thủ của đối phương không kịp trở tay.
Có trường hợp lại sử dụng "đầu đạn giả" để đánh lừa hệ thống phòng thủ nhằm đảm bảo đầu đạn thật sẽ đánh trúng và gây thiệt hại cho kẻ thù.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận