Ở VN, người đầu tiên phát hiện sự nguy hiểm của chất độc da cam là GS Tôn Thất Tùng, sau đó là GS Lê Cao Đài và một số đồng nghiệp. Ở Mỹ, đã có những tổ chức, những người dân đứng lên chống lại việc sử dụng chất độc da cam. Ngay lính Mỹ, người VN đứng về phía Mỹ, con trai một tướng Mỹ cũng bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam.
Nhiều nạn nhân là cựu chiến binh Mỹ đã đứng lên khiếu kiện và đã được bồi thường. Lẽ nào phía Mỹ không có những hành động cần thiết với nạn nhân VN? Hiệp định Paris về kết thúc chiến tranh ở VN cũng đã khẳng định rằng Chính phủ Mỹ phải giúp VN khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có các nạn nhân chất độc da cam.
Gần đây, đại sứ Mỹ hết nhiệm kỳ sắp về nước (ông Raymond Burghardt - PV) đã đến thăm tôi. Trong cuộc trò chuyện, tôi nói với ông Raymond đồng ý rằng VN và Mỹ cần tăng cường hợp tác, hữu nghị trên mọi phương diện, nhưng phải giải quyết những vấn đề còn tồn tại như vấn đề nạn nhân chất độc da cam.
Năm 1964, Mỹ khởi đầu chiến dịch sử dụng chất độc hóa học trong chiến tranh VN, trong 10 năm tiến hành chiến dịch, đã có 80 triệu lít chất độc được rải xuống đất nước chúng ta. Hàng vạn nạn nhân là bộ đội, thanh niên xung phong đã chết vì ung thư và các bệnh nan y khác. Nhiều cháu bé sinh ra trong hòa bình nhưng vẫn phải chịu ảnh hưởng dai dẳng chất độc này.
Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm, nhưng chúng ta đau lòng khi thấy nhiều thanh niên không thể đứng trên đôi chân của mình, nhiều gia đình tuyệt vọng vì những đứa con bị dị tật... Tôi vui mừng biết rằng khó khăn nhưng các anh chị, các cháu đã kiên trì đấu tranh để vươn lên, vui mừng được thấy nhà nhà làm việc thiện, người người làm việc thiện.
Tôi mong đồng bào ta hưởng ứng lời kêu gọi tương thân tương ái của Hội Nạn nhân chất độc da cam VN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận