14/12/2009 08:15 GMT+7

Mỹ, Nga, Liên hiệp quốc bắt tay chống chiến tranh trên mạng

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Sau một thời gian dài từ chối, Mỹ đã bắt đầu thảo luận với Nga và Ủy ban Kiểm soát vũ khí Liên Hiệp Quốc (LHQ) về việc ngăn chặn cuộc chạy đua vũ trang và chiến tranh trên mạng Internet.

OmhIYiwg.jpgPhóng to

Trang web của một nhóm khủng bố. Mỹ cho biết các nhóm Hồi giáo cực đoan đang sử dụng Internet để đào tạo phiến quân trở thành tin tặc, dạy kỹ thuật chiến tranh trên mạng và kiếm tiền bằng các trò lừa đảo trên mạng - Ảnh: AP

Báo New York Times dẫn nguồn tin Nhà Trắng tiết lộ cuối tháng trước một phái đoàn Nga do tướng Vladislav P. Sherstyuk, phó tổng thư ký Hội đồng An ninh Nga, dẫn đầu đã đến Washington để thảo luận với đại diện Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC), Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và Bộ An ninh nội địa về an ninh mạng và nguy cơ chiến tranh trên mạng. Các quan chức Mỹ cho biết đã có nhiều tiến triển trong việc xóa bỏ các bất đồng giữa đôi bên về vấn đề này.

Hai tuần sau tại Geneva (Thụy Sĩ), Mỹ chính thức đồng ý thảo luận vấn đề này với Ủy ban LHQ về giải giáp và an ninh quốc tế (DISEC). Thảo luận giữa Mỹ và DISEC sẽ nối lại vào tháng 1-2010 tại New York. Mỹ và Nga cũng sẽ tiếp tục thảo luận trong một hội nghị an ninh mạng do Nga tài trợ tại Garmisch, Đức, cũng diễn ra đầu năm tới.

Trước đây, Nga nhiều lần khẳng định cách tốt nhất để hạn chế các hoạt động quân sự trên mạng Internet dân sự là một hiệp ước quốc tế, tương tự các hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học. Tuy nhiên, dưới thời cựu tổng thống George Bush, Mỹ liên tục từ chối đề xuất của Nga với lý do không thể phân biệt rõ ràng giữa việc sử dụng mạng Internet vì mục tiêu thương mại và quân sự. Sự trao đổi giữa đôi bên chỉ diễn ra ở cấp cảnh sát mạng của Nga và Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI)

New York Times dẫn lời chuyên gia an ninh mạng Veni Markovski tại Washington nhận định: “Trong những tháng qua đã có nhiều dấu hiệu cho thấy sự hợp tác giữa Mỹ và Nga. Đôi bên xác định mối nguy cơ tội phạm trên mạng là quá lớn, không thể ngó lơ”. Ông Viktor V. Sokolov, phó giám đốc Viện An ninh thông tin Matxcơva, so sánh các cuộc thảo luận của Mỹ với Nga và DISEC là “phiên mở màn” cho các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga về một hiệp định chống chiến tranh trên mạng. “Đó là những dấu hiệu tích cực” - ông nhấn mạnh.

New York Times dẫn lời một quan chức giấu tên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết phía Matxcơva muốn tập trung vào các hiệp ước chống phát triển vũ khí trên mạng, trong khi Washington muốn sử dụng các cuộc thảo luận để tăng cường hợp tác quốc tế chống tội phạm trên mạng.

Quan điểm của Washington là tăng cường khả năng chống lại bọn tội phạm Internet sẽ giúp tăng cường khả năng chống lại các vụ tấn công quân sự trên mạng. Mỹ và Nga còn nhiều bất đồng khác. Nga cương quyết từ chối ký hiệp ước chống tội phạm trên mạng của châu Âu, trừ khi châu Âu bỏ quy định cho phép các cơ quan pháp luật nước ngoài được bố ráp tội phạm Internet trong lãnh thổ một quốc gia.

Theo New York Times, thời gian qua rất nhiều nước, trong đó có cả Mỹ và Nga, đang phát triển các loại vũ khí trên mạng. Trong số đó phải kể đến loại “bom logic” - có khả năng giấu mình trong các máy vi tính và được kích hoạt trong một thời điểm nhất định để phá hoại hệ thống vi tính và hệ mạch điện, “botnet” - mạng máy tính ma - có thể làm tê liệt hoặc ăn trộm thông tin từ các trang web và hệ thống vi tính, và các thiết bị phóng xạ vi sóng có khả năng đốt cháy mạch điện máy vi tính từ cách xa nhiều kilômet.

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên