Phóng to |
Phải tới năm thứ bảy ở trường múa Quỳnh mới thôi không còn bị xếp ở dóng cạnh, nơi đứng của những học sinh ít tiềm năng trên sân khấu múa” - Diễm Quỳnh, nàng Mỵ Châu của Chuyện tình thành cổ, nhớ lại.
Tròn xoay không biết múa
Chỉ mất vài giây nhìn từ đầu đến chân cô bé mũm mĩm 11 tuổi Diễm Quỳnh, giám khảo tuyển sinh trường múa đã hét lên bất bình: Trời, sao lại tròn thế này. “Em nhìn sang các bạn cùng đi thi ai nấy gầy nhom, rồi hiểu mình sắp trượt. Và em níu chặt tay bố. Níu chặt đến mức tay em và bố cùng toát mồ hôi. Rồi em khẩn khoản nhìn cô, nhìn bố mà không thốt được lời nào” - Diễm Quỳnh nhớ lại câu chuyện cách đây đã tám năm.
Nhiều năm sau trong những câu chuyện “bên lề”, nhiều giáo viên đều nói lúc đó mắt Quỳnh mở to đến mức, diễn cảm đến mức giám khảo cũng không cầm lòng được. Và Quỳnh có cơ hội vào trường múa với lời dặn dò: “Nếu một năm sau vẫn tiếp tục tròn thế này thì không được học tiếp”.
“Không chỉ tròn không đâu. Vào lớp các cô còn vạch ra ti tỉ điểm yếu của em nữa - cô gái đã yêu ballet từ những bài múa vỡ lòng ở Cung thiếu nhi cho biết - Vai to. Đùi mập. Xương thô. Trời, tức là sau khi dũng cảm xin “từ chức” lớp trưởng ở Trường Chu Văn An để thi vào trường múa, em được phân tích rằng mình chẳng có chút tiềm năng nào để theo múa cả. Trong khi đó có những diễn viên chỉ cần giơ chân lên đã biết họ sinh ra để múa rồi”.
“Đương nhiên em được xếp vào dóng cạnh” - cô kể. Dóng cạnh nghĩa là hai dóng bên hông lớp múa. Dóng còn lại - dóng giữa ở ngay trước ghế giáo viên đứng lớp. Như thế, học sinh ở dóng giữa được cô quan sát nhiều hơn, tốt hơn, chỉ bảo cặn kẽ hơn. Chỉ những học sinh có tố chất tốt nhất, múa giỏi nhất mới được đứng dóng giữa. Học sinh múa dóng cạnh gần như không có cơ hội trong nghề. Ở trường múa từ lúc vào đến lúc ra, thường học sinh chỉ còn một nửa. Nhóm “ra đi thanh thản” chủ yếu ở dóng cạnh này.
Dù đã bị dọa, vào trường rồi Quỳnh cũng không hề bớt tròn, trong khi các bạn vẫn tiếp tục mảnh mai hơn. “Suốt những năm dóng cạnh, em chỉ nghĩ mình ít tiềm năng khi vào dóng thì sẽ bù lại những lúc tập ở giữa lớp. Lúc đó nếu mình xoay tốt, biểu cảm tốt chắc nghề chẳng bỏ mình. Và đến năm cuối cùng, em được sang thay thế một bạn ở dóng giữa”, Quỳnh tâm sự về thời học sinh - những năm tháng mà mỗi ngày cô lên xe buýt đến trường từ sáu giờ sáng, mắt cay xè vì buồn ngủ và chỉ về đến nhà lúc chín giờ tối khi đã mệt nhoài.
Mỵ Châu yêu kiều “thượng võ”
Chuyện tình thành cổ và Nghìn lẻ một đêm là hai vở ballet Quỳnh múa chính trong năm 2010. Hai vở diễn chỉ cách nhau hai tháng và chung nhau… cái chân chấn thương mắt cá của Quỳnh. “Chân Quỳnh sưng tướng. Bên dưới giày múa là lớp bông băng nhưng không ai biết. Múa xong, hôm sau bàn chân còn sưng to hơn nhưng lại đến lúc phải tập vở tiếp theo.
Đến giờ đã hai tháng nhưng vết thương đáng lý chỉ khỏi sau nửa tháng vẫn chưa lành vì lịch tập dày đặc của em” - NSND Kiều Ngân (phó giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch) kể. Ngoài khuôn mặt biểu cảm, tinh thần “thượng võ” vì ballet chính là điều khiến bà đề nghị Quỳnh về nhà hát.
“Tôi thật sự hài lòng về cách biểu cảm của Quỳnh. Không hiểu tại sao tôi đã không chọn cô ấy ngay từ đầu cho vở diễn nhỉ?” - ông Bertrand At, giám đốc Nhà hát ballet quốc gia Rhin (Pháp), biên đạo múa vở Chuyện tình thành cổ, nói. Trên thực tế, Quỳnh chỉ là sự lựa chọn thứ ba sau khi hai lựa chọn trước lần lượt… có bầu. Một lựa chọn tình thế. Một kẻ lấp chỗ trống. Nhưng chỉ sau ba tuần làm việc với NSND Kiều Ngân, hai ngày cuối tập với ông Bertrand, Quỳnh đã trở thành Mỵ Châu đến từng hơi thở.
“Thay vì là động tác che mặt để tỏ ra yêu kiều như Mỵ Châu trước từng diễn, tôi đề nghị cô ấy làm bất kỳ một động tác tay khác để khoe khuôn mặt. Tự thân khuôn mặt Quỳnh đã toát lên sự kiêu sa của một nàng công chúa rồi. Công chúa có yêu hoàng tử không? Yêu chứ. Nhưng yêu mà không vồn vã như một thiếu nữ thường dân” - ông Bertrand phân tích.
Cũng như thế, Mỵ Châu duyên dáng hơn khi Quỳnh giữ nguyên tay, ngả người ra đằng sau gửi cái hôn gió cho hoàng tử. Điều này khiến tạo hình mềm mại hơn nếu so với việc cô giữ thẳng lưng rồi đẩy đôi bàn tay về phía trước. Trong lớp diễn Mỵ Châu đau đớn chia lìa, ông Bertrand cũng để cô tự chọn cách thể hiện khi đấm tay liên tục xuống đất. Quan trọng, Quỳnh bắt được tinh thần của động tác để diễn thật cảm xúc.
“Với tôi, Quỳnh là người có kỹ năng biểu diễn hoàn hảo, kỹ thuật tuyệt vời, một diễn viên nghệ thuật xuất sắc. Cô ấy là người xứng đáng được tin tưởng”, - ông Bertrand viết trong thư gửi đoàn múa sau khi về nước. Còn trong một trao đổi riêng với đồng nghiệp, ông nói: “Từng li trên cơ thể Quỳnh đều như gắn chip điện tử, từ đó những sóng xung điện liên tiếp tỏa ra làm người xem ngất ngây trước từng cử động múa của cô”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận