24/02/2011 07:08 GMT+7

Mỹ: 70 tội phạm tiền tệ sa luới

DUY KỲ ANH (Tổng hợp)
DUY KỲ ANH (Tổng hợp)

TTO - Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) vừa bắt giữ 74 đối tượng thuộc băng đảng tội phạm khét tiếng Armenia Power (AP) vì hàng loạt những hành vi phạm tội như trộm cắp danh tính, gian lận ngân hàng, giả thiết bị quét thẻ tín dụng và giả mạo hóa đơn.

* "Con lừa tiền" thú tội

Z90ojcNi.jpgPhóng to
Tội phạm tiền tệ thường giả mạo thẻ tín dụng với nhiều thủ đoạn tinh vi - Ảnh: pattayadailynews.

Đa số các đối tượng bị bắt giữ đều có tên trong hai bản cáo trạng của tòa án bang Los Angeles và Orange County (Quận Cam). Bản cáo trạng của tòa án Los Angeles khép 70/74 bị cáo vào tội hình sự theo đạo luật “Gian lận tiền tệ và tham nhũng có tổ chức”.

Theo các công tố viên, một đường dây gian lận và giả mạo thẻ được những người này điều hành đã gây thiệt hại cho hàng trăm khách hàng tại một cửa hàng đồng giá 1USD tại miền Nam California. Những người này đã cài đặt một thiết bị qua mặt máy tính tiền ở cửa hàng, gây lỗ hơn 2 triệu USD, đồng thời thu thập mã số thẻ của khách hàng để làm thẻ tín dụng giả. Trong khi đó, bản cáo trạng của tòa án quận Cam khép 20 đối tượng vào tội dính líu đến một kế hoạch gian lận ngân hàng với số tiền lến đến 10 triệu USD, đối tượng nhắm đến là người cao tuổi.

Các thành viên của băng đảng Amernia Power đã bị cáo buộc hối lộ nhân viên ngân hàng để thu thập những thông tin tài khoản cá nhân. Thậm chí, theo luật sư Andre Birotte Junior, những băng đảng tội phạm tiền tệ kiểu như AP thường sẵn sàng dùng những biện pháp như bắt cóc, tống tiền và các hành vi bạo lực khác để moi thông tin nhằm phục vụ cho mưu đồ của mình.

Trong số 11 thành viên của AP đã bị tòa án quận Attorney (Los Angeles, bang California) có bảy trường hợp dính líu đến các băng đảng tội phạm khác đã bị buộc tội tại Miami và Denver.

7bvewptp.jpgPhóng to
Chiêu bài “cơ hội thứ hai” trên eBay nhằm dụ dỗ nạn nhân thanh toán tiền mặt - Ảnh: Flickr.

"Con lừa tiền" thú tội

Theo thông tin từ tòa án quận hạt của tiểu bang Illinois, một người đàn ông 33 tuổi người Rumani tên là Adrian Ghighina đã nhận tội tham gia vào một tổ chức lừa đảo trên đất Mỹ, chiếm đoạt khoảng 2,7 triệu USD từ những người mua hàng trên các chợ trực tuyến như eBay, Cragigslist và AutoTrader.com.

Adrian đã tham gia đường giây rửa tiền và gian lận ngân hàng với vai trò là một “con lừa” tiền (money mule), thu gom tiền từ những người mua hàng trực tuyến. Những nạn nhân này đã “nhầm tưởng” mình đã mua xe hơi, xe đua địa hình và xe gắn máy từ một nhà kinh doanh hợp pháp, dẫn đến việc biếu không tiền của mình cho tổ chức lừa đảo của Ghighina. Chính Ghighina cũng từng là một trong 11 người bị bắt vì tội lừa đảo hồi tháng 11 năm 2004.

Adrian Ghighina cùng đồng bọn đã sử dụng nhiều thủ đoạn để đánh lừa người mua chuyển tiền mặt qua hệ thống của Western Union. Phổ biến nhất là khi những người mua đấu giá thất bại một sản phẩm nào đó trên eBay, họ có thể tham khảo thêm hàng loạt các “cơ hội thứ hai” mà đa phần là của những kẻ lừa đảo, nơi mà chúng sẽ bẫy người mua bằng cách dụ dỗ họ thanh toán bằng tiền mặt.

Những kiểu lừa đảo như vậy vẫn đang là một vấn đề nan giải đối với thị trường trực tuyến. Hiện tại, trang rao vặt lớn nhất thế giới Craigslist vẫn khuyến cáo người dùng không bao giờ chuyển tiền qua các dịch vụ trung gian như Western Union, MoneyGram,…vì bất cứ bên bán hàng nào yêu cầu như vậy cũng đều là những kẻ lừa đảo!

Theo con số từ tòa án, băng nhóm trên đã lấy tiền trót lọt của 1.100 người. Khi thanh toán, Ghighina (với vai trò “con lừa tiền”) sẽ giữ lại từ 20% đến 40% tiền mặt đã thanh toán, mỗi lần như vậy hắn bỏ túi được hàng ngàn USD. Với tội trạng đã nêu, Ghighina sẽ phải đối mặt với mức án 20 năm tù. Trước đây, đối tượng này cũng đã từng thụ án 27 tháng tù ở Florida do gian lận thẻ Visa.

naqPo1MH.jpgPhóng to
“Con lừa tiền” làm nhiệm vụ thu gom tiền gửi từ các nạn nhân - Ảnh: Flickr.

Con lừa tiền (money mule) là khái niệm dùng để chỉ một vị trí trong một băng nhóm tội phạm tiền tệ. Những băng nhóm này thường giả làm công ty quốc tế để tìm kiếm và tuyển dụng những "nhân viên thanh toán" (thường là sinh viên hoặc dân ngoại quốc có quốc tịch Mỹ) sẵn sàng chấp nhận để "khách hàng" (nạn nhân của những vụ lừa đảo trực tuyến) thanh toán vào tài khoản ngân hàng của mình, rồi sau đó chuyển số tiền này cho "công ty" (bọn tội phạm).

DUY KỲ ANH (Tổng hợp)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên