25/08/2022 20:25 GMT+7

Muốn khóc thì cứ khóc thôi, đừng gây áp lực cho mình bằng 'nhiều mặt nạ'

YẾN TRINH
YẾN TRINH

TTO - Với kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, chị Trần Thị Lệ Hằng (40 tuổi, sáng lập cộng đồng "Kỷ luật yêu thương") chia sẻ rằng mỗi khi va vấp trong đời, một trong những cách lấy lại niềm tin là quay về thấu hiểu chính mình.

Muốn khóc thì cứ khóc thôi, đừng gây áp lực cho mình bằng nhiều mặt nạ - Ảnh 1.

Chị Trần Thị Lệ Hằng, người sáng lập cộng đồng "Kỷ luật yêu thương" - Ảnh: NVCC

Tự nhủ cuộc đời vốn dĩ là biểu đồ hình sin, mọi thứ chỉ là tạm thời, không phải là mãi mãi, chị luôn đón nhận mọi trải nghiệm trong cuộc sống một cách bình tĩnh.

Không chạy trốn cảm xúc

Năm 2020, đang là hiệu trưởng trong một hệ thống trường quốc tế tại TP.HCM, chị Hằng nghỉ việc khiến nhiều người ngạc nhiên. "Tôi thấy quyết định của mình cũng nhẹ nhàng dù bạn bè, người thân ngăn cản. Bản thân tôi biết rõ mình muốn bước tiếp hành trình nào và cần linh hoạt về thời gian hơn mà thôi", chị nói.

Trong quá trình hoạt động của "Kỷ luật yêu thương" 4 năm nay - hành trình "xây" ngôi làng tinh thần cho học viên là phụ huynh và giáo viên, chị Hằng và cộng sự cũng gặp khó khăn. 

Xuất thân nhà chuyên môn và không biết gì về kinh doanh, nay chuyển sang tự xây một cộng đồng, chị phải cân bằng mọi thứ và luôn sẵn sàng chuyển mình để các giá trị của cộng đồng được duy trì, các thành viên trở nên gắn bó và cùng tạo ra môi trường hỗ trợ tinh thần tích cực cho học viên.

Điều giúp chị vượt qua những giây phút mỏi mệt trong cuộc sống là không chạy trốn cảm xúc của mình. 

"Tôi chăm sóc mình, đối diện và ôm ấp cảm xúc, chứ không vội khỏa lấp hay đánh lạc hướng mình bằng những niềm vui hay sự chú ý khác. 

Cuộc sống mỗi người không tránh khỏi những lúc buồn chán, đau khổ, nên tôi cho phép bản thân trải qua tất cả cảm xúc đó. 

Muốn khóc thì cứ khóc thôi. Sau mỗi lần ở yên, đi tới cùng cảm xúc của mình như thế, tôi thấy tâm trạng nhẹ nhõm hơn", chị nói.

Từng tan vỡ hôn nhân, nhưng chị không để điều đó trở thành nỗi đau dai dẳng. "Không phải tôi cố tỏ ra như vậy, nhưng tôi vốn dễ "bước vào đôi giày của người kia" để có sự thấu hiểu, nên cũng chẳng cố gồng lên để ghét bỏ, hay xa cách người cũ cho đúng môtip chung. Thấy thương thì cứ thương thôi. 

Tôi cũng lắng nghe và thành thật trả lời mọi câu hỏi của con về chuyện ly hôn của ba mẹ. Tôi, con và ba của con tôi có mối quan hệ tốt", chị nói và cho rằng một mối quan hệ tốt sẽ là nguồn lực cho cuộc sống của mỗi người, chứ không trở thành gánh nặng.

Chậm lại khi gặp biến cố

Theo chị Hằng, khi có biến cố hoặc đứng trước những lựa chọn khó khăn, mỗi người nên chậm lại. Bởi lúc đó, những tiếng nói chỉ trích, phán xét khác nhau vang lên trong đầu dễ khiến chúng ta thêm căng thẳng.

Chẳng hạn, chị từng từ chối một cơ hội nghề nghiệp và quyết định ở nhà để chăm sóc mẹ đang bệnh. Nếu là trước đây, chị có thể nghĩ rằng mình đang "hy sinh". 

Chị nói: "Thật ra đây là lựa chọn của mình mà. Mình đang làm vì chính mình thấy vui và yên tâm hơn khi được chăm sóc mẹ. Do đó, khi biết chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình, chúng ta sẽ không còn cảm giác ấm ức hay đổ lỗi trong các mối quan hệ nữa".

Một trong những việc khó trong các mối quan hệ là nói ra những điều mình cần, mình cảm một cách chân thật. "Ngày trước, tôi không phải là người dễ chia sẻ hoặc chủ động mở lòng. Nhìn lại, tôi thấy mình thay đổi, dễ bày tỏ, đơn giản hơn, chứ không lòng vòng hoặc che đậy như trước nữa", chị Hằng chia sẻ. 

Chị cũng nhận ra rằng sự đơn sơ, chân thành rất dễ "chạm", từ đó giúp cởi bỏ những áp lực đè nặng tâm trí, và giúp con người ta dễ xích lại gần nhau.

Khi biến cố xảy ra, tôi đối diện và thực hành rút ra bài học để không lặp lại sai lầm đó nữa. Tôi học cách kiên nhẫn để không gạt vấn đề qua một bên hoặc chỉ giải quyết bề mặt

TRẦN THỊ LỆ HẰNG

Gỡ bỏ "mặt nạ"

Tiếp xúc với nhiều người trẻ, chị Hằng cảm nhận một trong những áp lực của những thế hệ gần đây là phải sắm quá nhiều vai: con cái, cha mẹ, nhân viên, sếp, đồng nghiệp… trong nhiều môi trường: gia đình, công sở, mạng xã hội… Những "vai" đó thường đòi hỏi họ phải liên tục thay đổi những cử chỉ, hành vi khác nhau cho phù hợp.

Chị nhận định: "Điều đó không xấu, mà giúp ta tồn tại, thích ứng với từng hoàn cảnh. Tuy nhiên, chúng có thể khiến ta mệt mỏi và kiệt sức. 

Việc liên tục đóng các vai trò trong các môi trường khác nhau, đặc biệt với sự góp sức của mạng xã hội, khiến chúng ta đôi khi không có thời gian đối diện chính mình, dành cho chính mình". 

Từ trải nghiệm cá nhân, chị nhận thấy việc là chính mình trong mọi mối quan hệ, ở các môi trường khác nhau giúp bản thân cảm thấy nhẹ nhõm và tự do hơn.

Nhiều bạn trẻ giỏi giang, thành công sớm và vô tình gắn mình với những vị trí mà mình đảm nhiệm như giám đốc, chủ nhiệm câu lạc bộ, người đứng đầu… 

"Các bạn quên chăm sóc con người bên trong, quên rằng những vai trò trong cuộc sống cũng như những chiếc mặt nạ có thể thay đổi. Một lúc nào đó có sự cố, hoặc mất cân bằng, các bạn sẽ cảm thấy hoang mang, không biết mình là ai trong đời", chị chia sẻ.

Khi tháo hết những thứ bóng bẩy bên ngoài, chúng ta chỉ còn bản thân mình để quay về. Vì vậy, việc xây dựng mối quan hệ lành mạnh với chính mình, hiểu bản thân mình cần gì và muốn gì sẽ giúp chúng ta có thêm niềm yêu sống.

Thất tình, mua sắm online, cố tỏ ra mình ổn... liệu có giảm Thất tình, mua sắm online, cố tỏ ra mình ổn... liệu có giảm 'đau thương'?

TTO - Tình yêu vốn cũng là một điểm tựa, nên bạn trẻ dễ rơi vào trạng thái chênh vênh khi chia tay.

YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên