Phóng to |
Phóng to |
Hai giấy khai sinh cùng của một người, nhưng một bản ghi năm sinh 1990, một bản ghi 1991 - Ảnh: G.T. |
Mượn để đi học
Do hoàn cảnh khó khăn, ông Võ Văn Đ. cùng vợ là bà Nguyễn Thị T. không đăng ký khai sinh cho con mình. Đến năm 1997 do cần cho con đi học, ông Đ. qua nhà kế bên mượn giấy khai sinh của em Phạm Thị T.L. - sinh năm 1990 - làm thủ tục cho con nhập học. Đến tháng 10-2001 ông Đ. mới đến UBND xã T., huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp đăng ký khai sinh cho con mình với tên thật là Võ Thị C.Tr., năm sinh 1991. Từ đó em Tr. có hai loại giấy tờ: học bạ, văn bằng, chứng chỉ tốt nghiệp thì mang tên Phạm Thị T.L., sinh năm 1990, còn CMND, hộ khẩu gia đình lại mang tên Võ Thị C.Tr., sinh năm 1991.
Năm ngoái, do phải hoàn tất hồ sơ thi tốt nghiệp THPT, nhà trường phát hiện các giấy tờ nhân thân của C.Tr. bất nhất nên ông Đ. đến UBND huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp yêu cầu giải quyết cải chính hộ tịch con ông mới được thi tốt nghiệp và đại học.
Khai sinh hai lần
Năm 1991 ông Võ Thành S. đến UBND xã L., huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp đăng ký khai sinh cho con mình là Võ Thành S.T., sinh năm 1991.
Do muốn cho con học sớm nên đến tháng 5-1997, ông lại đến UBND xã đăng ký khai sinh cho con ông lần hai với năm sinh là 1990 (xem ảnh). Do đó, các giấy tờ liên quan đến việc học tập của con ông đều ghi năm sinh là năm 1990. Sau đó, lo sợ con mình gặp rắc rối sau này nên ông S. đến UBND huyện Lai Vung yêu cầu được sử dụng thống nhất năm sinh là 1990. UBND huyện Lai Vung phải ra quyết định thu hồi, hủy bỏ giấy khai sinh mà ông S. đăng ký năm 1997 vì giấy khai sinh đăng ký lần hai này không hợp lệ. Đồng thời UBND phải ra quyết định cải chính năm sinh cho con ông từ 1991 thành 1990 để phù hợp với giấy tờ học tập.
Chú thím, cha mẹ ruột cùng đi khai sinh
Năm 1994, bà Giáp T.X. đến UBND xã T., huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp đăng ký khai sinh cho cháu gọi bà bằng thím, tên Đặng Thị H. - sinh năm 1986 với phần khai cha mẹ ruột là tên bà và chồng bà. Đến năm 2003 cha mẹ ruột của H. đi làm ăn xa trở về nhận lại con và đến UBND xã T. tiếp tục đăng ký khai sinh cho H. đúng tên cha mẹ ruột.
Mới đây, chị Đặng Thị H. có nhu cầu làm lý lịch tư pháp, công an và Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp phát hiện chị có đến hai giấy khai sinh với nội dung nhân thân về cha mẹ ruột hoàn toàn khác nhau nên yêu cầu địa phương xác minh làm rõ vấn đề. Sau đó cha ruột chị H. đến UBND huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp xin được hủy bỏ giấy khai sinh do bà X. đăng ký.
Trước đây công tác đăng ký và quản lý hộ tịch được thực hiện theo nghị định số 83 về đăng ký hộ tịch. Việc giải quyết đăng ký hộ tịch cho người dân chưa được chặt chẽ, một số chính quyền cấp xã quản lý hồ sơ hộ tịch còn lỏng lẻo dẫn đến tình trạng người dân có thể đăng ký nhiều lần với nhiều nội dung khác nhau trong cùng một năm, xảy ra tình trạng một người có đến hai bản chính giấy khai sinh để sử dụng.
Ngày 1-4-2006, nghị định 158 ra đời thay thế nghị định 83 phần nào cải thiện công tác đăng ký và quản lý hộ tịch ở địa phương ngày một chặt chẽ hơn, đảm bảo công tác đăng ký và quản lý hộ tịch ngày một thực thi đúng theo quy định pháp luật.
Chưa có quy định chế tài Hiện pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể để chế tài đối với hành vi mượn giấy khai sinh của người khác hoặc cho người khác mượn giấy khai sinh để sử dụng. Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp chỉ xử phạt đối với các hành vi như đăng ký khai sinh không đúng hạn, sửa chữa, tẩy xóa làm sai lệch nội dung các giấy tờ để làm thủ tục đăng ký khai sinh hay sử dụng các giấy tờ giả mạo để làm thủ tục đăng ký khai sinh. Điều 12, nghị định 76/2006/nđ-cp ngày 2-8-2006 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp (trích): 1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000-100.000 đồng đối với người có trách nhiệm phải đăng ký khai sinh cho trẻ em không thực hiện việc đăng ký trong thời hạn do pháp luật quy định. 2. Phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: a) Người làm chứng cố tình làm chứng sai sự thật trong đăng ký khai sinh, người đi khai sinh cam đoan không đúng sự thật về việc sinh. b) Tự ý sửa chữa hoặc tẩy xóa làm sai lệch nội dung giấy tờ để làm thủ tục đăng ký khai sinh. 3. Phạt tiền từ 200.000-500.000 đồng đối với hành vi sử dụng giấy tờ giả mạo để làm thủ tục đăng ký khai sinh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận