Cụ thể, câu 5 của đề kiểm tra có nội dung như sau: “Trong tập 1 bộ phim Hậu duệ của mặt trời, cảnh đại úy Yoo Shi Jin (do diễn viên Song Joong Ki thủ vai) hất điện thoại trên tay bác sĩ Kang Mo Yeon (do diễn viên Song Hye Kyo thủ vai) thật ấn tượng.
Giả sử chiếc điện thoại nặng 150g được đại úy ném thẳng đứng lên cao với vận tốc 18 km/h từ vị trí cách mặt đất 1,5m. Chọn gốc thế năng ở mặt đất.
a. Tính động năng, thế năng, cơ năng của điện thoại ở vị trí ném.
b. Tính độ cao cực đại mà điện thoại lên đến.
c. Ở độ cao nào thì có thế năng bằng một nửa động năng? Tính vận tốc lúc đó”.
Trên mạng, nhiều người đã bình luận đề kiểm tra này với các ý kiến trái chiều. Có người khen hay, người chê dở, người bảo ra đề như vậy chẳng khác nào quảng cáo cho các hãng điện thoại di động...
Trước hết, cần phải công nhận rằng chủ trương của nhà trường là đúng đắn: “đề thi cố gắng gắn liền với cuộc sống, gần gũi với tâm lý học sinh” (như lời của ông Lê Xuân Giang, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ).
Tuy nhiên, Hậu duệ của mặt trời chưa được chiếu chính thức ở Việt Nam. Các fan của phim này nếu đã coi rồi thì đa số coi trên mạng. Trên thực tế, không phải tất cả học sinh đều mê phim Hàn, và cũng không hẳn tất cả học sinh đều đã xem phim này.
Vậy thì chủ trương trên của nhà trường rất khó đạt được, bởi chi tiết trong đề không mang tính phổ biến, gần gũi với cuộc sống của đại đa số học sinh.
Chưa kể, theo một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM: “Đưa cảnh phim này vào đề kiểm tra có phần hơi khiên cưỡng, không tạo ra tình huống gắn bó cho nội dung các câu hỏi sau đó”.
Ở đây, nếu xét về góc độ giáo dục, nội dung đề thi - ngoài mục đích kiểm tra kiến thức của học sinh còn có nhiệm vụ giáo dục, định hướng lối sống... cho học sinh (VD: đề thi môn văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của Sở GD-ĐT TP.HCM cách đây vài năm từng ra về “thế hệ gấu bông”. Đề này được giới chuyên gia, phụ huynh khen ngợi vì phản ánh thực trạng và định hướng cho giới trẻ bớt vô cảm với những người thân của mình).
Thế nhưng, cảnh hất điện thoại trong phim Hậu duệ của mặt trời sẽ giáo dục được gì cho học sinh? Đề kiểm tra cho rằng cảnh phim “thật ấn tượng”, đã ấn tượng thì rất có thể học sinh sẽ học theo, làm theo.
Thử tưởng tượng, ngoài đời thường mà học sinh hất điện thoại của người không quen biết theo như phim thì sẽ như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nhận định: “Chủ trương chung của sở là đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực của học sinh, khuyến khích học sinh vận dụng kiến thức môn học vào thực tế cuộc sống... Để kiểm tra kiến thức của học sinh thì không cần phải sử dụng chi tiết của bộ phim, như trường hợp đề kiểm tra ở Trường Nguyễn Hữu Thọ. Đặc biệt nội dung của đề không thể hiện được đúng chủ trương của việc đổi mới này”.
Thế mới thấy, muốn đổi mới cũng phải biết cách làm cho phù hợp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận