14/08/2008 12:14 GMT+7

Muốn có thai sớm sau sinh mổ

ThS.BS NGUYỄN HỒNG HOA (giảng viên bộ môn sản BV ĐH Y dược TP.HCM)
ThS.BS NGUYỄN HỒNG HOA (giảng viên bộ môn sản BV ĐH Y dược TP.HCM)

TTO - Tháng 10-2007 tôi sinh em bé 4kg và phải sinh mổ. Hiện bé được 15 tháng tuổi. Tôi dự định sẽ mang thai. Xin hỏi: 1. Tôi sinh mổ như vậy nay tiếp tục mang thai có ảnh hưởng đến vết mổ lần trước không? Thời gian này tôi mang thai có an toàn không?

2. Lần đầu đã sinh mổ thì lần thứ 2 tôi có thể sinh thường được không, hay bắt buộc phải sinh mổ tiếp?

3. Tôi sinh cháu xong được 4 tháng thì đặt vòng, giờ nếu tháo vòng thì tỉ lệ có con có lâu không, vì tôi thấy nhiều người tháo vòng ra nhưng rất lâu vẫn chưa có em bé?

4. Cháu đầu của tôi là bé trai, vì vậy tôi rất muốn sinh một cháu gái. Xin hỏi có cách nào canh trứng rụng để có thể sinh được bé gái? Và nếu cần thì có thể đi khám bác sĩ ở đâu?

(THUY NGUYEN)

- Trả lời của Phòng mạch Online:

Một phụ nữ sau khi mổ lấy thai khi có thai lại thường được gọi là có vết mổ cũ (VMC) và thuộc nhóm nguy cơ cao vì có nguy cơ bị nứt, vỡ tử cung cao hơn so với những thai phụ không có VMC.

Trên một người có VMC, nguy cơ nứt, vỡ tử cung sẽ gia tăng trong các trường hợp:

(1) Đường rạch tử cung để lấy thai nhi là đường dọc thân sẽ có nhiều nguy cơ bị nứt, vỡ tử cung trong thai kỳ hơn đường rạch ngang đoạn dưới tử cung.

Có hai loại đường rạch vào buồng tử cung: đường ngang đoạn dưới tử cung (chiếm đa số, 90%) và đường dọc thân tử cung (trong một số trường hợp khó như nhau tiền đạo, ngôi ngang, nhân xơ tử cung to đoạn thân eo).

(2) Thời gian từ lúc mổ tới khi có thai quá sớm (dưới 16 tháng)

(3) Số lần mổ lấy thai: mổ lấy thai trên hai lần nguy cơ nứt vỡ tử cung nhiều hơn một lần.

(4) Nhiễm trùng vết mổ

Do đó, đối với các thai phụ có VMC:

(1) Giữ giấy xuất viện lần mổ lấy thai và đem theo khi đi khám thai lần kế tiếp và khi sinh.

(2) Khám thai định kỳ để kịp thời phát hiện các nguy cơ nứt vỡ tử cung.

Trong trường hợp của chị:

- Đã mổ lấy thai lần 1 có thể vì con to (con 4kg)

- Đường mổ nhiều khả năng đường ngang đoạn dưới tử cung

- Thời gian mổ 15 tháng

Như vậy, chị có thể có thai lại nhưng không có nghĩa là hoàn toàn an toàn. Nguy cơ nứt vỡ vẫn có thể xảy ra với tỉ lệ thấp. Ngoài ra, trên người có VMC còn có các nguy cơ khác như nhau cài răng lược, nhau tiền đạo…

Chị có thể theo dõi sinh ngã âm đạo nếu:

- Ước lượng cân thai nhỏ hơn lần 1

- Thai lần 2 không có vấn đề bất thường

- Khung chậu kích thước bình thường

- Diễn tiến vào chuyển dạ không có dấu hiệu bất thường

- Thường trong các trường hợp này, trong giai đoạn sổ thai sẽ được giúp sinh bằng giác hút hay kìm để giảm bớt khả năng nứt vỡ tử cung.

Thường sau khi lấy vòng ra, khả năng có thai gần như bình thường. Tuy nhiên có một số trường hợp có tình trạng nhiễm trùng đường sinh dục khi đặt vòng thì có khả năng tai vòi bị tổn thương dễ có nguy cơ bị thai ngoài tử cung hay hiếm muộn. Chị cứ để có thai tự nhiên. Khi có dấu hiệu có thai nên đi khám sớm để loại trừ khả năng thai ngoài tử cung. Còn nếu sau một năm chưa có thai thì đi khám hiếm muộn.

Vấn đề canh con trai con gái không được phép của pháp luật.

ThS.BS NGUYỄN HỒNG HOA(giảng viên bộ môn sản BV ĐH Y dược TP.HCM)

Bạn có những thắc mắc về sức khỏe của mình mà không biết hỏi ai. Bạn cần được tư vấn cho những thắc mắc về sức khỏe của mình, của người thân... Phòng mạch Online của Tuổi Trẻ Online sẽ giúp bạn giải đáp 1.001 thắc mắc về sức khỏe. Mọi thắc mắc về sức khỏe xin gửi về địa chỉ email: tto@tuoitre.com.vn

Để chính xác về nội dung, vấn đề cần hỏi, xin bạn đọc vui lòng gõ có dấu (font chữ Unicode). Xin chân thành cảm ơn!

B.CHÂU thực hiện

ThS.BS NGUYỄN HỒNG HOA (giảng viên bộ môn sản BV ĐH Y dược TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên