21/06/2011 10:21 GMT+7

"Muối" và "Muối ăn" đều được chấp nhận

QUANG KIỆT
QUANG KIỆT

TTO - Ban tổ chức chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” năm thứ 11 đã họp xung quanh những tranh cãi về đáp án thi vòng chung kết, theo đó kết quả cuộc thi được bảo lưu và cả hai đáp án "muối" và "muối ăn" đều được công nhận.

Sau trận chung kết “Đường lên đỉnh Olympia” năm 11 vào ngày 19-6-2011, đông đảo bạn xem đài đã tranh luận gay gắt về đáp án của câu hỏi Tăng tốc thứ 4. “Muối” hay “muối ăn” nhanh chóng trở thành đề tài bàn tán sôi nổi trên nhiều trang báo điện tử và diễn đàn mạng với nhiều luồng ý kiến trái chiều nhau.

sZcRnyNf.jpgPhóng to
Phạm Thị Ngọc Oanh (thứ ba từ trái sang), trường THPT Tiên Lãng, TP Hải Phòng đoạt vòng nguyệt quế Olympia năm thứ 11 với 230 điểm - Ảnh tư liệu

Quay lại trận chung kết, ở phần Tăng tốc, câu hỏi thứ 4 và cũng là câu hỏi cuối cùng.

Câu hỏi: Đây là gì?

Các gợi ý lần lượt là:

1 - Đây là hợp chất vô cơ

2- Cấu trúc mạng tinh thể, liên kết ion Na+ Cl-

3- Nguyễn Huy Thiệp - “..?.. của rừng”

4- Một loại gia vị

5 - Hình ảnh đồng muối trên biển

6 - SALT

Cũng liên quan đến trận chung kết vào ngày Chủ nhật vừa qua, một số ý kiến cho biết thí sinh Ngọc Oanh đã bị mất điểm oan vì “nói ngọng” từ Krông Pút và Klông Pút, BTV Tùng Chi cho biết, GS Lê Văn Lan đã có giải thích rất rõ ràng về hai từ Krông (nghĩa là “sông”) và Klông (nghĩa là “ống phát ra âm thanh”). Ban tổ chức cũng đã xem lại băng và Ngọc Oanh đã phát âm sai nên việc không có điểm là hoàn toàn chính xác, không có chuyện vì lỗi phát âm địa phương mà bị mất điểm.

Ba thí sinh (Ngọc Huy, Bảo Lộc, Bạch Nhật) trả lời là "muối"; riêng Ngọc Oanh (sau đó thắng cuộc và giành suất học bổng 35.000USD) trả lời là "muối ăn".

Người dẫn chương trình công bố đáp án là “Muối” và giải thích thêm “Muối của rừng" là một tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Huy Thiệp.

Ngay sau đó, PGS-TS Nguyễn Đức Chuy - cố vấn Hóa học của chương trình - đã ra hiệu có ý kiến và cho biết: hình ảnh trong dữ liệu gần cuối cho thấy muối trên biển, vậy nên “Muối ăn mới là đáp án chính xác”.

Lúc này, Ngọc Huy đang có 205 điểm, và Ngọc Oanh có 190 điểm. Sau khi cố vấn công bố chấp nhận đáp án “muối ăn”, vì là người trả lời nhanh thứ 2 nên Ngọc Oanh có thêm 30 điểm và lập tức tiếp tục dẫn đầu với tổng cộng 220 điểm.

Theo nhiều khán giả - độc giả, giải thích của PGS-TS Nguyễn Đức Chuy là không hợp lí và việc công nhận đáp án của cố vấn đưa ra là có phần khiên cưỡng và không chính xác. Bởi nếu giữ nguyên đáp án như chương trình đã đưa lúc đầu (muối) thì cục diện trận đấu đã có thể khác và rất có thể “Đường lên đỉnh Olympia” năm 11 đã có một nhà vô địch khác.

Xung quanh vấn đề này, Ban biên tập và Ban tổ chức “Đường lên đỉnh Olympia” đã khẳng định cùng Tuổi Trẻ: “Cả hai đáp án (MUỐI và MUỐI ĂN) đều được chấp nhận”. Theo BTV Tùng Chi, đồng thời cũng là người dẫn chương trình trận chung kết, “Câu hỏi đưa ra nhằm hướng các thí sinh đến “muối ăn” hay vẫn thường được mọi người gọi một cách ngắn gọn là “muối” (ví dụ như “cánh đồng muối”, “thêm mắm thêm muối” chứ không ai gọi là “cánh đồng muối ăn” hay “thêm mắm thêm muối ăn”). Cấu trúc mạng tinh thể mà câu hỏi đã đưa ra là của NaCl -tức muối ăn.

Dữ kiện liên quan đến tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp cũng chỉ là một gợi ý để đến với đáp án cuối cùng.

Với phần thi Tăng tốc, càng về cuối câu hỏi, dữ kiện đưa ra càng gần với đáp án - đây là luật chơi đã có từ năm thứ 1 đến nay. Đó là lý do vì sao thí sinh càng trả lời nhanh và đúng, càng được nhiều điểm.

Mặt khác, câu hỏi đưa ra là “Đây là gì?” chứ không hỏi “Đây là chất gì?” và cũng không phải là phần thi điền từ vào chỗ trống, cũng không hỏi tên tác phẩm là gì nên cả “muối” và “muối ăn” đều được chấp nhận”.

Mặt khác, theo quy định chương trình (đã được phổ biến đến tất cả thí sinh và được áp dụng suốt 11 năm qua - người viết), câu trả lời của Ban cố vấn sẽ là căn cứ cuối cùng xác định đáp án.

Nhiều khán giả thắc mắc: “Nếu “muối ăn” là đúng thì tại sao ngay thời điểm đó, BTV Tùng Chi lại không cho điểm thí sinh Ngọc Oanh ngay mà phải đợi đến khi cố vấn hóa học có ý kiến?”.

Ban tổ chức cho biết “thời điểm đó, nhận thấy đây là tình huống có thể gây tranh cãi, tốt nhất nên có ý kiến của Ban cố vấn nên chương trình đã đồng ý để PGS-TS Nguyễn Đức Chuy giải thích và chốt lại câu trả lời”.

Được biết, quy trình thực hiện câu hỏi cho trận chung kết là hết sức nghiêm ngặt và bảo mật, với sự tham gia của toàn bộ Ban cố vấn. Ban biên tập “Đường lên đỉnh Olympia” cũng cho biết sẽ rút kinh nghiệm trong khâu ra câu hỏi, biên tập để tránh những sai sót không đáng có về sau, đặc biệt là trong năm thứ 12 (phát sóng từ ngày 26-6-2011).

Tranh cãi xung quanh đáp án "muối" và "muối ăn"Muối, muối ăn hay chuẩn bị chưa chu đáo?Tân vô địch Đường lên đỉnh Olympia: "Không dám tin mình chiến thắng"Phạm Thị Ngọc Oanh đoạt vòng nguyệt quế Olympia Tiếng Việt trên đường lên đỉnh Olympia

QUANG KIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên