25/06/2013 13:30 GMT+7

Mua PC đừng quên chọn bộ nguồn tốt

HÀ MY
HÀ MY

TTO - Nguồn là bộ phận ít được quan tâm khi chọn mua hay nâng cấp một chiếc máy tính để bàn (PC). Vai trò của bộ nguồn bị xem nhẹ bởi PC cũng chẳng chạy nhanh hơn nếu được trang bị một bộ nguồn cao cấp.

cp4Z3s1F.jpgPhóng to
Sử dụng Extreme Power Supply Calculator để tính toán điện năng

Dường như chúng ta đã quên mất rằng bộ nguồn là "trái tim" của PC. Không có bộ nguồn thì đó chỉ là một chiếc PC "chết".

Đầu tư một bộ nguồn tốt sẽ đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu năng lượng cho mọi thiết bị cấu thành nên PC, nhờ đó PC sẽ hoạt động ổn định và đạt hiệu năng mong đợi. Cũng như trong cuộc sống của chúng ta ngày nay, không có điện hoặc điện áp yếu thì có nhiều thiết bị không thể vận hành được hoặc vận hành không ổn định và thậm chí rất nhanh hỏng hóc.

Chọn mua bộ nguồn không giống như chọn mua bộ vi xử lý hay bo mạch chủ bằng cách dựa vào thông số kỹ thuật của sản phẩm. Thông số kỹ thuật của bộ nguồn (cho dù nhà sản xuất có công bố đầy đủ mấy đi chăng nữa) cũng không thể giúp chọn được một bộ nguồn phù hợp với chiếc PC.

Do đó, chúng tôi xây dựng hướng dẫn này với mục tiêu giúp người dùng có thể chọn được một bộ nguồn phù hợp với cả PC và túi tiền.

Chọn vỏ máy tính (case) nào?

Sở dĩ bước này đứng trên hết bởi mỗi loại case lại có một kiểu thiết kế kích thước không gian khác nhau cho bộ nguồn. Vì thế tất yếu ta phải chọn được bộ nguồn phù hợp với không gian đó. Thông số kỹ thuật của bộ nguồn cũng chỉ rõ là loại nguồn dành cho loại case nào.

Chúng tôi không khuyến khích cách làm ngược lại bởi ở bước đầu tiên này chưa đủ thông tin cần thiết để có thể chọn được bộ nguồn phù hợp. Bộ nguồn nên được chọn mua cuối cùng sau khi đã chọn mua đầy đủ mọi cấu phần của chiếc máy tính.

Bao nhiêu điện năng thì đủ?

Mục tiêu của bước này là xác định được lượng điện năng đủ để mọi thiết bị cấu thành PC vận hành bình thường. Chính vì thế bước này chỉ có thể thực hiện được sau khi đã chọn mua xong hết mọi cấu phần của PC như bo mạch chủ, bộ vi xử lý, RAM…

Hãy sử dụng một số website công cụ như eXtreme Power Supply Calculato(www.extreme.outervision.com/psucalculatorlite.jsp) và VBUtils Power Supply Calculator (www.vbutils.com/power.php) để tính toán lượng điện năng cần cho chiếc PC. Hoặc bạn có thể tìm kiếm công cụ tương tự khác nhờ Google và cụm từ khoá "Power supply calculator".

Chúng tôi khuyến khích nên đầu tư bộ nguồn có công suất cao kết quả do các công cụ nói trên tính toán ra bởi trong tương lai máy tính sẽ được nâng cấp bổ sung thiết bị mới. Ngoài ra, hầu hết bộ nguồn đều đạt hiệu năng vận hành cao nhất nếu như chỉ hoạt động với 50% sức tải.

Hiệu suất của bộ nguồn

Bộ nguồn bản thân cũng ngốn điện. Vì thế khi mua bộ nguồn cần lưu ý đến "chỉ số hiệu suất" (efficiency rating). Một bộ nguồn có công suất 600W và chỉ số hiệu suất là 70% thì có nghĩa công suất thực của bộ nguồn ngày chỉ là 420W. 180W bị biến thành nhiệt lượng tỏa ra môi trường. Vì thế, nếu PC cần 600W để vận hành thì có nghĩa công suất của bộ nguồn phải là 750W (giả dụ chỉ số hiệu suất là 80%).

XGZ78nIP.jpgPhóng to
Hãy tìm kiếm biểu tượng 80 Plus
0DMCGf9o.jpgPhóng to

Chọn lựa một bộ nguồn có chỉ số hiệu suất cao không chỉ giúp bạn tiết kiệm điện năng mà còn giúp PC chạy êm và ít nóng hơn. Cách dễ nhất để tìm kiếm bộ nguồn có chỉ số hiệu suất cao là tìm đến biểu tượng 80 Plus. Nếu bộ nguồn có biểu tượng này thì có nghĩa chắc chắn chỉ số hiệu suất phải trên 80%.

Dây cắm rời hay liền cục?

Một số bộ nguồn hiện nay cho phép tháo rời những dây cắm không cần thiết nhưng cũng chỉ giúp thùng máy trông gọn gàng hơn mà thôi. Điểm yếu của thiết kế này là các cổng kết nối dây theo thời gian dễ bị oxy hóa. Dù sao thiết kế dây liền cục lằng nhằng hơn một chút nhưng xem ra vẫn an toàn hơn.

lc9sO3rI.jpgPhóng to
Dây rời hay liền cục

Yếu tố khác

Giá cả là yếu tố cuối cùng cần phải cân nhắc khi chọn mua bộ nguồn bởi tiền nào của nấy. Một bộ nguồn giá rẻ giống như "một trái tim yếu ớt" thì cơ thể PC sẽ khó mà khỏe mạnh được cũng như sẽ rất nhanh bị hỏng hóc.

Có một thủ thuật nhỏ khi chọn lựa bộ nguồn đó là có một mối liên hệ khá chặt chẽ giữa trọng lượng và chất lượng của bộ nguồn. Đây chỉ là kinh nghiệm tổng kết của người dùng chứ không được khẳng định rõ ràng 100%. Còn cần phải cân nhắc nhiều yếu tố khác.

Những yếu tố đề cập trên đây đủ để một người dùng thông thường chọn được một bộ nguồn phù hợp. Nếu vẫn còn băn khoăn, bạn có thể hỏi ý kiến chuyên gia bởi còn nhiều yếu tố khác (đòi hỏi hiểu biết về kỹ thuật) phải cân nhắc thêm.

Một số thương hiệu bộ nguồn có chất lượng hàng đầu như Seasonic, Antec, Corsair, Silverstone, Coolermaster, Thermaltake hay một số nhãn hàng khác.

HÀ MY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: PC bộ nguồn case