![]() |
Minh họa: Hà My |
Thế mà bỗng nhiên sáng mai thức dậy bỗng thấy nhớ nôn nao, cồn cào, bứt rứt. Không phải cái cồn cào ruột gan vì sáng chưa kịp ăn gì. Lạ lắm, mà không sao lý giải được, mình nhớ một điều gì hơi xa xôi, lại hơi ấm áp... Ừ! Chỉ là mình bỗng nhớ.
Lắng tai để nghe lòng mình, tôi thấy nỗi nhớ đã bớt cồn cào, nung nấu. Thảo nào mà tôi cứ thấy thiếu, không phải là cái "thiếu" của ngày hôm qua mà là cái "thiếu" thời, "thiếu" mùa, "thiếu" tuổi.
Tôi chẳng mấy quan tâm đến việc Ngưu Lang sẽ gặp Chức Nữ thế nào, mưa ngâu cũng không phải đã thấm vào tôi bởi những truyền thuyết đó. Tôi chỉ nhớ đã có một buổi chiều nào đó mẹ tôi nhìn trời mà hối thúc tôi rằng:
- Con ra đồi hái củi gom vào bếp, lại sắp mưa rồi đấy. Mưa ngâu là dai dẳng lắm không đùa được.
Tôi vác con dao quắm đã mẻ nham nhở, rẽ lối ra vườn hái củi. Chui rúc vào cả bụi sim, bụi mua hay những cây đùm đũm chằng chịt nhiều gai. Có khi vấp ngã, vết cào xước làm tôi chảy máu khắp người. Những lúc ấy tôi lại ước đời mình thành những thân cây nhỏ bé, bóc tách hạt mầm méo mó, trỗi dậy giữa cằn cỗi sỏi đá, sống thấp bé núp vào màu xanh của đồng loại, đến lúc chết đi vẫn chết đứng để làm thân củi, cháy phòng mùa mưa bão.
Bố tôi tranh thủ vác thang giăng cái bạt lên mái nhà, dù biết nó sẽ chẳng giúp được gì, chỉ tổ những vết mục rơi xuống lởm chởm như rắn đổi xác. Mẹ hấp tấp tìm lũ gà con chui rúc bờ bụi kêu chim chíp, mẹ dỗ dành: "Về nhà thôi, nếu không khi mưa xuống sẽ không tìm được chúng mày. Ướt hết cánh là chết rét đấy".
Rồi ngâu đến thật, đúng bữa cơm chiều. Mưa bắt đầu từ vết dột giữa bát nước mắm, rồi xòe rộng ra khắp cả mâm cơm, quanh chỗ cả nhà ngồi. Hai mẹ con dịch ghế mãi cuối cùng chạm nhau, thở dài, quay đi mẹ bảo: "Ăn đi cho xong bữa".
Chưa kịp ăn miếng cơm thì lũ gà con ở đâu lại kêu chim chíp. Mẹ lại tất tưởi lao ra giữa cơn mưa, mẹ ủ chúng nó vào lòng, lẩm bẩm chửi con gà mái mơ: "Mày là mẹ mà không biết bảo vệ con, để nó ướt hết rồi. Khổ thân chúng nó”.
Tôi ngồi nhen lửa hơ cho lũ gà con, mẹ lại thủ thỉ kể những câu chuyện gắn liền với cuộc đời chúng tôi, những con người nghèo khổ. Mẹ vẫn thường bắt đầu bằng câu chuyện về những ngày sinh tôi ra đói khổ đến mức nào. Mẹ bảo:
- Bây giờ vẫn còn sung sướng chán. Ngày xưa mỗi ngày mưa có hai nỗi lo lớn nhất đè lên vai người nông dân là làm sao có gạo ăn và củi để nhen lửa. Nỗi lo đó len cả vào cơn mơ vẫn còn ướt át vết dột đầu giường.
Tôi xoa xoa đôi bàn tay trên lửa dù không phải mùa đông, chỉ để xem lửa bắt nguồn từ đâu mà thành. Hóa ra lửa bắt nguồn từ đất, truyền vào cơ thể con người rồi lại truyền về đất. Không hiểu sao tôi luôn bị ám ảnh bởi những kết cấu vòng tròn, tựa hồ luẩn quẩn. Thế mà thiếu nó có khi tôi không thể nào tồn tại được.
Mưa suốt, hằng ngày tôi cứ bấm ngón tay nhẩm lịch đi, lịch về của nàng ngâu: "Vào mồng ba, ra mồng bảy, rẫy mồng tám...". Không biết bao nhiêu lần như thế. Tôi lại nghĩ đến việc bố kể chuyện đến xóm đạo, bốn giờ sáng cả xóm tỉnh dậy cầu kinh. Tôi bỗng cười hơi xa xót, hóa ra mưa ngâu là mùa cầu kinh của tất cả những người nông dân bị trời dồn xuống, đất dồn lên.
Tôi vừa yêu vừa ghét cái mùa mưa thối rữa cả đất đai. Những đêm mưa to, sấm chớp, bố lại vào ngồi đầu giường hai mẹ con như muốn chở che cho mẹ con tôi, lại như muốn được mẹ con tôi chở che trước sự giận dữ hung tợn của thiên nhiên. Những đêm mưa ấy chẳng bao giờ nhà tôi ngủ được vì mưa cứ độc ác đùa dai dẳng cả đêm trên khắp nhà, nhân đạo lắm cũng chỉ để cho tôi có chỗ trú chân. Những đêm tạnh mưa nằm bên mẹ, lặng im mọi thứ giác quan trừ cái mũi để ngửi mùi mồ hôi, mùi hơi thở của mẹ mà nó cứ chập chờn, ẩn hiện giữa mùi của đất, của mưa còn rơi rớt, của cái ẩm mốc lâu ngày. Tôi chìm vào giấc mơ vẫn còn lẩm bẩm: "Đất thở đấy, không phải! Lúc này là mẹ thở, lại đất thở đấy...".
Sáng dậy, lại những giọt mưa đánh thức đôi mi nặng trĩu của tôi. Hôm nay cả nhà tôi phải ra đồng làm việc, lúa đã có đòng. Ưỡn cái bụng chửa, mẹ bảo:
- Mưa mãi đến lúc lúa trổ bông rụng hết phấn thì chỉ có mà chết đói.
- Lo gì, năm nào mà chẳng mưa có sao đâu mẹ.
- Nhưng năm nay mưa muộn quá!
Trên đồng, những ngọn cờ ngô được đất cắm lên, không còn kịp đợi gió để phất cờ, cứ ỉu xìu rồi gục xuống, những giọt nước còn nhỏ tong tỏng. Nghe mà buồn rơi rớt.
Em tôi lại đuổi đàn bò từ đồi về, không hiểu sao đối với tôi lúc thấy đàn linh dương ấy (mẹ tôi đặt tên cho bầy bò gầy còm như thế) là tôi lại nghĩ chúng như hồi kèn kéo ngày tàn về, chúng từ cổng vào, vừa sập xong cổng chuồng thì đêm đến...
Lại một mùa ngâu nữa nhưng lại là ngâu muộn.
"Vào hai ba, ra hai bảy, rẫy hai tám"...
Áo Trắng số 14 (ra ngày 1-8-2010) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận