16/05/2014 00:01 GMT+7

Mùa hè đề phòng bệnh lỵ trực khuẩn

congtien_canbiet
congtien_canbiet

Cần biết - Bệnh lỵ trực khuẩn lây qua đường tiêu hóa, do vi khuẩn Shigella gây ra. Bệnh nhân bị tiêu chảy nhiều lần, phân có nhầy, máu. Hậu quả là bệnh nhân bị mất nước và muối, dẫn đến hôn mê và tử vong.

Tính chất nguy hiểm của lỵ trực khuẩn là có thể lây thành dịch. Mùa hè ruồi nhặng phát triển nhiều nên nguy cơ lây nhiễm bệnh càng cao. Người là nguồn lưu giữ mầm bệnh duy nhất, gồm các đối tượng: bệnh nhân đang mắc bệnh thể cấp, thể mạn tính; người lành mang vi khuẩn. Trong đó bệnh nhân mắc bệnh lỵ cấp tính là nguồn lây bệnh nguy hiểm nhất, vì họ thải một khối lượng lớn phân chứa vi khuẩn ra ngoài.

Bệnh lỵ trực khuẩn lây trực tiếp hoặc gián tiếp qua đường tiêu hóa. Lây trực tiếp là lây từ bệnh nhân sang người lành, thông qua bàn tay nhiễm khuẩn. Lây gián tiếp là lây qua thức ăn, nước uống. Các loại côn trùng như ruồi, nhặng, gián, thạch sùng… làm lây bệnh từ bệnh phẩm sang thức ăn. Mọi người đều có thể lây bệnh, trong đó trẻ em và người già dễ mắc bệnh lỵ nặng, dễ tử vong.

UkLwM0J3.jpg

Một người bị nhiễm vi khuẩn lỵ, thì thời gian ủ bệnh từ 1 - 7 ngày, sẽ phát bệnh một cách đột ngột, với 2 hội chứng: nhiễm khuẩn và hội chứng lỵ. Hội chứng nhiễm khuẩn gồm các triệu chứng: sốt cao 38 - 39oC, rét run, nhức đầu, mệt mỏi, đau lưng, đau khớp; ở trẻ em có thể có cơn co giật, chán ăn, khát nước, đắng miệng, buồn nôn hoặc nôn. Hội chứng lỵ gồm các triệu chứng: đau bụng, ban đầu đau âm ỉ quanh rốn, sau đau lan ra khắp bụng, cuối cùng là những cơn đau quặn bụng ở hố chậu trái.

Điều trị bệnh lỵ trực khuẩn cần phải cách ly bệnh nhân, dụng cụ đều phải dùng riêng. Bù nước và điện giải là biện pháp hàng đầu trong điều trị lỵ trực khuẩn. Thể vừa, bù dịch và điện giải bằng cách uống dung dịch oresol. Thể nặng cần truyền dịch, trợ lực dùng vitamin B1, C. Chống đau bụng bằng cách chườm nóng, ngâm mông trong nước ấm để chống đau rát hậu môn.

ZbFDMTQz.jpg

Về chế độ ăn: bệnh nhân chỉ hạn chế trong một vài ngày đầu, sau đó cần trở lại chế độ ăn bình thường từ ngày thứ ba, thứ tư trở đi. Bệnh nhi là trẻ còn bú, vẫn cho bú như thường lệ. Nếu trẻ đang bú sữa bình vẫn cho bú bình thường, không hạn chế số lần uống, số lượng sữa. Đối với trẻ lớn và người lớn, trong vài ngày đầu ăn cháo ninh nhừ, nấu với thịt. Sang ngày thứ ba, thứ tư nên ăn cháo đặc với thịt, trứng, khoai tây nghiền, sữa chua, sau đó ăn cơm nát, thịt nạc luộc, uống nước hoa quả.

Để phòng bệnh lỵ trực khuẩn, cần thực hiện ăn chín uống sôi; không ăn rau sống, không uống nước lã; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn uống, sau khi đi vệ sinh và tiếp xúc với các đồ vật; dùng lồng bàn đậy thức ăn, tránh ruồi nhặng làm lây bệnh.

Nguồn: Cục an toàn thực phẩm – Bộ Y tế

congtien_canbiet
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên