Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi (bìa trái) và nhà báo Phạm Công Luận (bìa phải) cùng chúc mừng tác giả Mường Mán (thứ 2 từ trái) tại buổi khai mạc - Ảnh: L. ĐIỀN
Vậy là ngót 3 năm kể từ lần triển lãm trước, nhà thơ Mường Mán dịp này trình làng 56 bức tranh chủ yếu bằng chất liệu sơn dầu, trong đó có 15 bức mới hoàn thành.
"Mùa chim gọi cưới là một đặc trưng thiên nhiên xuất phát từ miền Tây Nam Bộ, mùa chim gọi cưới báo hiệu một mùa gặt bội thu, dự cảm về những bình yên sắp tới", nhà thơ, họa sĩ Mường Mán bộc bạch về chủ đề triển lãm lần này.
Tại không gian quán Ruốc, người xem sẽ có dịp chiêm ngưỡng các tác phẩm mới của Mường Mán. Bạn bè thân thiết với ông vẫn cho rằng mỗi tác phẩm ở đây như một "bức tranh thơ", do lẽ xuất phát từ cảm quan của một nhà thơ, nên mỗi bức tranh đều được cấu tứ chặt chẽ từ việc hình thành ý tưởng, chọn phong cách thể hiện, tạo hình, phối màu...
Và dù vẽ tranh khởi phát từ các ý tưởng và "đeo bám, thể hiện cho kỳ được", bản thân Mường Mán cũng thừa nhận có những lúc trong khi đang vẽ, chợt xuất hiện một ý tưởng mới. Sự "chen ngang" của các ý tưởng như vậy đôi khi mang lại một đột phá xuất thần hoặc có khi là những ngụ ý sâu xa.
Như bức Bông hồng từ cõi trăng xa, theo tác giả Mường Mán lúc đầu ông chỉ định vẽ hai chị em cô bé và chú mèo trên tay, nhưng khi đang hoàn thành thì chợt có một ý tưởng vẽ thêm một bông hồng đến từ vầng trăng phía xa, "như vậy là bức tranh có thêm phần huyền ảo", Mường Mán tâm sự.
Lại cũng có trường hợp ý tưởng từ đầu là một vấn đề thời sự, nhưng Mường Mán lại chọn thủ pháp huyền ảo để thể hiện, như bức Mộng là một ví dụ: Nếu không được giới thiệu, sẽ ít ai hình dung đây là nhà thơ dùng chất liệu hội họa để vẽ bức tranh về nạn phá rừng.
Cũng có khi tác giả muốn dùng đường nét tranh dân gian để vẽ bức sơn dầu Vườn ký ức: có cánh chuồn chuồn bay, con trâu, cổng làng..., "đây là tác phẩm được lên ý tưởng ngay từ đầu và theo đuổi để thực hiện cho được".
Bước vào lĩnh vực hội họa từ mấy chục năm nay, Mường Mán vẫn tự nhận là tìm thấy niềm vui sướng mỗi khi hoàn thành được tác phẩm ưng ý. Và người xem trong lần xem triển lãm này hẳn sẽ có nhiều thứ để ngắm nghía, trầm trồ.
Như bức Thời trang thế kỷ... mai sau có chút táo bạo dí dỏm; Sang sông ngắm nắng nghe ngồ ngộ những bố cục rất có duyên; và Nhớ lại chính là chút hồn quê xứ kinh kỳ trong tâm tưởng một người con gái Huế...
Cũng có khi bắt gặp ý tưởng lạ lẫm, như vị thế chú mèo trong bức Bèo nước long đong; hay một chút suy tư về kiếp người trong bức Phòng chờ, do lẽ con người vẫn thường đặt mình trong nhiều tình huống chờ: chờ điều mong đợi, và cả điều không mong đợi...
Tác giả Mường Mán đang giới thiệu bức Thời trang thế kỷ... mai sau
Còn một nét độc đáo nữa, là Mường Mán còn chăm chút cho từng dòng chú thích. Chính ở đây, người xem đôi khi bắt gặp cả thơ, cả vè, cả đồng dao... tất cả đều không phải ngẫu nhiên, nhà thơ - họa sĩ đều có ý cả.
Như bức tranh Chợ, được ông chú thích thế này: Đen trắng được thua/ mày mua tao bán/ đắng cay hóa mật/ mày bán tao mua/ qua một giấc mơ/ mày thăng tao biến. Hay "Bông hồng từ cõi trăng xa/ chúc em trần thế mặn mà sắc duyên", "Cõi xanh ươm lại mộng/ từ lớp lớp mơ phai" (chú thích cho bức tranh huyền ảo về nạn phá rừng).
Lại có bức tranh thoạt nghe tên gọi Ngày hội rắn cứ nhớ Phạm Công Thiện với "Ngày sanh của rắn", nhưng Mường Mán giải thích rằng ông thực hiện bức tranh này với suy nghĩ có nhiều ngày hội dành cho các con vật, sao không có ngày hội nào dành cho loài rắn?
Mường Mán bên cạnh bức Ngày hội rắn
Có mặt chung vui tại buổi khai mạc, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi cho rằng nét vẽ của Mường Mán mang phong cách của nhà thơ, điểm khác biệt ở sự chỉn chu, bố cục đâu ra đó và cách phối màu cũng khác giới họa sĩ thường có những khoảng phóng túng nhất định.
Một số tranh đang được triển lãm:
Mùa chim gọi cưới
Thời trang thế kỷ... mai sau
Chợ
Bông hồng từ cõi trăng xa
Mộng: Cõi xanh ươm lại mộng/ từ lớp lớp mơ phai
Bèo nước long đong
Tổ ấm
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận