Tôi dự báo trận U-19 VN - Nhật Bản sẽ là trận cầu bùng nổ thật sự, bởi cả đôi bên cùng có lối chơi tương đồng là tấn công và tấn công không mệt mỏi dựa trên nền tảng kỹ thuật cá nhân khéo léo, phối hợp nhóm ăn ý.
Tuy các tuyển thủ Nhật Bản đều dưới 17 hoặc 18 tuổi nhưng chơi bóng hết sức chững chạc và cho thấy sự lấn lướt đôi chút về chuyên môn trước Tottenham Hotspur trong hiệp một. Nhưng sang hiệp hai, mọi chuyện đổi khác khi Nhật Bản xuống sức vì không có được sự chuẩn bị tốt nhất về sức bền thể lực trước khi đến với giải.
Khả năng tấn công của U-19 Nhật Bản khá đa dạng và luôn xoay quanh tiền vệ Takumi (13) ở cánh trái, Tsuyoshi (8) ở cánh phải kết hợp với trung phong lùi Shota (15). Khi tấn công biên bế tắc hoặc bị đối phương phong tỏa, họ hay trả ngược bóng về lại cho hai hậu vệ biên dâng cao tấn công, còn bộ ba nói trên hoán chuyển vị trí cho nhau một cách khéo léo để mở ra khoảng trống.
Trong khi đó, sức mạnh của U-19 VN được bộc lộ rõ nét qua sự phối hợp khéo léo giữa bộ tứ Công Phượng (10) - Văn Toàn (9) - Xuân Trường (6) và Tuấn Anh (8). Cả bốn không chỉ gắn kết trong việc phối hợp tấn công mà còn tích cực lùi sâu để truy cản, tìm bóng và tổ chức tấn công từ xa.
Nhiều người cho rằng các em quá lạm dụng kỹ thuật cá nhân, nhưng với góc nhìn chuyên môn, tôi cho rằng đó là suy nghĩ không đúng. Trước đối thủ phòng ngự dày đặc và nhiều tầng, bắt buộc cầu thủ của đội tấn công phải cầm bóng, chuyền bóng nhiều để làm xáo trộn hàng thủ đối phương. Các tuyển thủ U-19 VN rất có ý thức kiểm soát bóng và phối hợp. Tuy nhiên, giá như hai hậu vệ biên Văn Sơn (2) và Hồng Duy (7) chịu khó dâng cao hỗ trợ hàng công thì tính đa dạng trong tấn công của U-19 VN sẽ lợi hại hơn.
Tôi nghĩ ban huấn luyện đội U-19 Nhật đã “bắt bài” khả năng tấn công thẳng vào trung lộ của U-19 VN, do đó vào chiều 8-1, nếu các tuyển thủ của chúng ta kết hợp ăn ý khả năng đánh biên và trung lộ thì sẽ làm nên chuyện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận