26/03/2005 12:06 GMT+7

Một thời để nhớ

TRẦN HỮU LỤC
TRẦN HỮU LỤC

TTCN - Có một dòng văn học yêu nước của tuổi trẻ đô thị miền Nam trong phong trào đấu tranh đô thị 1954 - 1975 chưa được tập hợp đầy đủ và công bố một cách có hệ thống.

DgYeUeKc.jpgPhóng to
TTCN - Có một dòng văn học yêu nước của tuổi trẻ đô thị miền Nam trong phong trào đấu tranh đô thị 1954 - 1975 chưa được tập hợp đầy đủ và công bố một cách có hệ thống.

Huế là một cái nôi của cuộc đấu tranh “trên trận địa đường phố”. Và vào dịp 30 năm giải phóng TP Huế (26-3-1975), tuyển tập thơ văn yêu nước của tuổi trẻ Huế Viết trên đường tranh đấu (*) được ấn hành. Tuyển tập dày 400 trang, đã phản ánh sinh động về một giai đoạn không thể nào quên của tuổi trẻ Huế với các hoạt động đấu tranh trên đường phố và trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.

Viết trên đường tranh đấu được chia làm ba giai đoạn, mỗi giai đoạn có các cây bút chủ lực mà tác phẩm của họ đã có tác động tích cực đến sự phát triển phong trào. Giai đoạn 1954 - 1960 với Võ Đình Cường, Đoàn Văn Long, Lê Quang Vịnh…; giai đoạn 1961 - 1968 với Trần Quang Long, Phan Duy Nhân, Trần Vàng Sao…; và giai đoạn 1969 - 1975 với Ngô Kha, Lê Văn Ngăn, Trần Duy Phiên, Trần Hồng Quang, Võ Quê, Thái Ngọc San, Huỳnh Ngọc Sơn, Đông Trình, Tiêu Dao Bảo Cự, Tần Hoài Dạ Vũ, Trần Hữu Lục, Trần Phá Nhạc…

Mỗi giai đoạn kể trên đều có những sáng tác thơ văn yêu nước tiêu biểu như truyện ngắn Viết để bảo vệ những thằng cu Tý của Võ Đình Cường trên tập văn Ngày Mai số 4 (1954); đặc biệt là các tác phẩm của nhà thơ liệt sĩ Trần Quang Long (với các bút hiệu quen thuộc Trần Hoàng Phong, Thảo Nguyên, Chánh Sử) như Bông cúc vàng (tập truyện), Tiếng gọi Lam Sơn (kịch thơ), Thưa mẹ trái tim (thơ)… Hay nhà thơ Ngô Kha với tập thơ Ngụ ngôn người đãng trí và Trường ca Hòa Bình.

Nói về thơ Huế đấu tranh còn có thể nhớ đến các bài Giọt lệ mừng (Đông Trình), Sóng vẫn đập vào eo biển (Lê Văn Ngăn), Mẹ phù sa (Trần Phá Nhạc), Cho người bạn tù sơ sinh (Võ Quê), Về những con đường khô cây (Thái Ngọc San), Chào mừng nắng mai (Tần Hoài Dạ Vũ)… Về văn xuôi, đấy là các tập truyện ngắn Cách một dòng sông (Trần Hữu Lục), Trước khi mặt trời mọc (Trần Duy Phiên); các truyện ngắn Con thú tật nguyền (Ngụy Ngữ), Đứa con của loài bò sát (Huỳnh Ngọc Sơn), truyện ký Tự do hay là chết (Tiêu Dao Bảo Cự)…

Viết trên đường tranh đấu là một phần của một công trình khoa học do nhóm cán bộ giảng dạy khoa ngữ văn Trường đại học Sư phạm Huế thực hiện trong hai năm 1985 - 1986 và đã được đưa vào kế hoạch xuất bản, nhưng mãi đến 19 năm sau tập sách mới có cơ hội đến với đông đảo bạn đọc vào một thời điểm rất có ý nghĩa. Những tác phẩm được in lại trong tuyển tập này, theo NXB Thuận Hóa, vẫn là “những bài học quí giá về tinh thần dũng cảm, ý thức trách nhiệm và khát vọng chân lý..., những giá trị đó vẫn còn hữu ích cho việc giữ gìn và phát huy truyền thống của tuổi trẻ hôm nay”.

(*) NXB Thuận Hóa và Công ty văn hóa Phương Nam phối hợp thực hiện.

TRẦN HỮU LỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên