(Hạnh phúc là gì? tập I và II, thư và thơ của Nguyễn Văn Thạc và Phạm Như Anh, Quĩ mãi mãi tuổi 20 và NXB Hội Nhà Văn, 2006)
![]() |
“Tối 26-7-1971. Lần gặp nhau cuối cùng của đôi bạn. Chia tay nhau ở con đường nhỏ bên Văn Miếu, gốc cây thứ ba. Nụ hôn đầu tiên và duy nhất. Như Anh lên tàu đi Liên Xô rạng ngày 28-7-1971. Thạc đi tiễn, tìm bạn trong biển người, nhưng họ đã không gặp được nhau”.
Sau những “thông tin” vắn tắt ấy ở cuối tập I, đầu tập II chúng ta gặp ngay lá thư dài đẫm nước mắt của Nguyễn Văn Thạc: “...Đêm ấy, Thạc không sao ngủ được, 1 giờ sáng, 2 giờ sáng, 3 giờ rồi 4 giờ... Thạc đếm, như đếm chặng đường Như Anh đang đi xa Thạc... Ôi, Như Anh... Thạc như vỡ ra từng mảnh, như tan ra khi nghĩ rằng không bao giờ còn gặp Như Anh nữa...” (thư ngày 2-8-1971).
Những lá thư và thơ trong Hạnh phúc là gì? không chỉ làm người đọc bùi ngùi vì những nhớ thương thường tình của đôi lứa khi cách chia và đau đớn khi họ phải vĩnh biệt nhau lúc tuổi chưa đầy đôi mươi, mà còn đem đến những bài học quí giá về lẽ sống, về phương châm xử thế với ngôn ngữ giàu chất văn học. Họ đã làm giàu cho nhau, đã làm cho năng lượng mỗi người ít ra được nhân đôi nhờ luôn tự vấn, tự chỉ trích và thẳng thắn phê bình nhau.
Nhận tin Thạc có thể sẽ đi bộ đội, Như Anh thổ lộ nỗi niềm riêng yếu đuối, nhưng rồi lý trí đã thắng: “...Trái tim Như Anh se thắt lại bởi một linh cảm đen tối... Như Anh nổi cơn ích kỷ lên rồi - không muốn Thạc đi đâu cả. Nhưng mà thôi, Tổ quốc gọi, Thạc phải đi thôi!” (thư ngày 8-5-1971). Trả lời lá thư này, Thạc đã viết: “Như Anh đừng lo gì khi Thạc đi bộ đội. Thạc nói rồi đấy, không muốn sống cuộc sống tẻ lạnh, tầm thường. Sống cho ra sống...”.
Thạc biết rất rõ cuộc sống mà anh sắp dấn thân là đầy hiểm nguy. Sau khi nhắc hai nhà văn Nguyễn Thi và Lê Anh Xuân vừa hi sinh trên chiến trường miền Nam, anh viết: “...Hai hạt ngọc của văn nghệ miền Nam đã ngã xuống... Để đi đến thắng lợi, để giành lại cuộc sống mà hôm nay Thạc và Như Anh đang được hưởng, bao nhiêu tài năng đã bị hi sinh... Vậy thì Thạc, một sinh viên tầm thường, một người công dân mới của nước cộng hòa, tại sao lại có quyền “tiếc” cuộc đời sinh viên của mình. Không, không tiếc, không được tiếc, cả Như Anh nữa...”.
Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy đằng sau các điệp từ: “không, không tiếc, không được tiếc” là sự vật vã, là một cuộc đấu tranh không hề đơn giản để chàng sinh viên trẻ chiến thắng chính mình.
Nhà thơ Bằng Việt trong “Lời bạt” cuối sách Hạnh phúc là gì? đã viết: “Đọc tập Mãi mãi tuổi hai mươi, tôi thấy anh hình như giản dị hơn, dễ hiểu hơn. Đọc đến tập thư riêng này của anh mới thấy những đường dây gồ ghề, khúc khuỷu, phức tạp hơn nhiều trong suy tư của một trí thức trẻ... Sau hơn 30 năm, chúng ta có may mắn được khám phá lại những góc tâm tư ẩn khuất sâu kín của tâm hồn anh, không đánh bóng, không tô vẽ, trái lại có lúc tự giễu cợt, tự xỉ vả mình, thậm chí hoài nghi cả bản thân mình! Nhưng lại chính vì thế mà chúng ta thấy đầy đủ hơn, toàn vẹn hơn chất vàng ròng trong phẩm chất của lớp thanh niên thời ấy...”.
Thời ấy, họ đã sống và yêu như thế. Chỉ xin được nhắc lại những dòng chữ như là lời trăng trối của người chiến sĩ đã bỏ mình, ngày 30-7-1972, dưới chân Thành cổ Quảng Trị năm xưa: “...Chỉ mong Như Anh nhớ dưới chân mình là đất, đất, mảnh đất thấm máu bao bạn bè cha anh và biết đâu còn có cả một chút xương thịt của Thạc ở trong đó...”.
Thiết nghĩ đó không chỉ là lời nhắc Như Anh và các bạn trẻ. Lớp người cùng lứa với Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc - trong đó có không ít vị đang giữ những cương vị quan trọng trong nhiều đơn vị, cơ quan Đảng và Nhà nước các cấp, hằng ngày phải đối đầu với “quốc nạn” tham nhũng - hẳn cũng cần nghe lại những lời nhắc nhở của các anh hùng đã hi sinh thân mình vì Tổ quốc...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận