Phóng to |
Mỗi bộ môn trong các khoa phải có phòng được trang bị máy tính, có cài đặt các phần mềm giáo dục theo từng chuyên ngành. Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH dân lập Thăng Long (Hà Nội) trong giờ học |
Một vài nhận xét về học liệu mởHọc liệu mở MIT: Mở cho mọi giảng viên, mọi sinh viênHọc liệu mở: VN sẽ có SV đẳng cấp quốc tế
Vì vậy, về chủ trương chung, nên lấy các môn học trong nguồn học liệu mở này làm nội dung trung tâm để giảng dạy các môn học tại các trường.
Tuy nhiên, cần điều chỉnh thay đổi, thêm bớt phạm vi cũng như mức độ phức tạp của môn học cho phù hợp. Đối tượng sử dụng ở đây chủ yếu là giảng viên và SV các trường ĐH, các Viện nghiên cứu. Giảng viên có trách nhiệm truyền đạt lại cho SV nắm vững được môn học của mình.
Hội thảo chuyên ngành: Nên có thường xuyên
Về vai trò của Bộ GD-ĐT, VEF và VASC, trước hết, tôi đồng ý hầu hết các điểm mà Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long đã nêu, đặc biệt trao quyền cho các trường chủ động trong vấn đề này.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT nên đứng ra tổ chức hội nghị cho các trường ĐH, trong đó có các phần cho từng chuyên ngành để bàn phương cách triển khai thực hiện học liệu mở này, cũng như trao đổi kinh nghiệm giảng dạy và học tập. Những hội thảo như thế này, cũng như các hội nghị chuyên ngành nên được tổ chức thường xuyên hàng năm.
Bộ GD-ĐT nên tạo điều kiện ít nhất về mặt pháp lý, để mỗi trường ĐH có một mạng Internet riêng có thể truy cập với tốc độ cao, kết nối mạng giữa các trường với nhau. Tương tác và giao tiếp giữa Bộ với các trường, giữa các trường với nhau nên thông qua Internet.
VEF nên là cầu nối giữa các trường ĐH trong nước với bên ngoài, giữa các nhà giáo dục, SV ở Việt Nam và ở nước ngoài với nhau. VEF dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của VASC nên lập các diễn đàn (Forum) và các mailing lists cho từng chuyên ngành cụ thể để các nhà giáo dục và SV tại VN và ở nước ngoài có thể tham gia trao đổi học hỏi, hỗ trợ lẫn nhau, cả về kiến thức lẫn tư liệu (text books, technical papers, lecture notes…).
Các nhà khoa học và SV đang học tập và nghiên cứu ở nước ngoài, đặc biệt là các VEF fellows có thể đóng vai trò chính trong các diễn đàn này. Các nhà giáo dục và các SV ở Việt Nam chắc chắn sẽ học hỏi được rất nhiều từ những diễn đàn như thế.
Giảng viên: Chính yếu
Có thể nói, các trường ĐH, mà cụ thể là đội ngũ cán bộ giảng viên sẽ đóng vai trò chính yếu trong vấn đề này. Đây là những giải pháp cụ thể.
Thứ nhất. Các trường nên có một mạng Internet riêng có thể truy cập trực tiếp với tốc độ cao vào MIT-OCW và các nguồn tư liệu bên ngoài, để khai thác (download), xem các băng video…tạo ra, hoặc tham gia vào các forum và mailing lists chuyên ngành để trao đổi học hỏi với học giả từ bên ngoài như đã đề cập ở trên.
Đặt mua giáo trình hoặc thu thập từ các nguồn khác nhau, mỗi môn học mà trường giảng dạy cần ít nhất hai giáo trình, các tạp chí kỹ thuật liên quan cần thiết, để ở thư viện và mỗi bộ môn cho các thầy cô giáo và SV đọc song song với bài giảng (lecture notes). Mua tài liệu là việc làm cần thiết, nó không phải là vấn đề quá lớn đối với mỗi trường ĐH. Ví dụ, một trường có 50 môn giảng dạy theo Học liệu mở cần ít nhất 100 cuốn giáo trình, thì tiền cần mua giáo trình khoảng 10.000 - 15.000 USD.
Mỗi bộ môn trong các khoa phải có phòng được trang bị máy tính, có cài đặt các phần mềm giáo dục theo từng chuyên ngành. Ví dụ trong các môn Khoa học tự nhiên, hay Khoa học kỹ thuật, cần Matlab, Maple (có nhiều ở Việt Nam với giá rẻ) để hỗ trợ SV làm bài tập, dự án…Nếu có điều kiện để trang bị các phần mềm tính toán như ABAQUS, ANSYS... thì càng tốt. Về điều này, các trường ĐH của ta như ĐH Bách khoa Hà Nội đang chuẩn bị khá tốt.
Thứ hai. Các trường, Khoa, Bộ môn nên nghiên cứu kỹ thiết kế chương trình giảng dạy (curriculum), các đề cương chi tiết giảng dạy (syllabus) của từng môn học trong MIT- OCW.
Hãy xem xét một khoa, chẳng hạn như Khoa Cơ khí và Hàng không của ĐH Bách khoa Hà Nội thì cần có những môn học nào, cần coi những môn nào là môn chính (core courses), bố trí các môn học này ra sao trong các năm học, thời lượng để giảng dạy các môn học này như thế nào trong từng tuần, bố trí bài tập, dự án (homeworks, projects), bài kiểm tra định kỳ và cuối kỳ như thế nào (final & midterm exams) nhằm yêu cầu SV phải tập trung và làm việc nặng trên các môn học.
Có nhiều môn học, SV khó có thể hiểu ngay trên lớp. Tuy nhiên, khi đã làm bài tập và các dự án thì SV có thể hiểu bài rất vững. Những môn học nào cần kiểm tra trắc nghiệm, môn nào kiểm tra bằng hình thức cho các bài toán hoặc câu hỏi (problems), hoặc kết hợp cả hai.
Ví dụ môn học Tối ưu hóa. Trong các ĐH Mỹ, điển hình một môn học 3 tín chỉ (credit), thì một tuần có 3 buổi, mỗi buổi 1 tiết, mỗi tuần một bài tập về nhà (homeworks) gồm nhiều bài toán. Điểm phân bố như sau 25% cho bài tập, 2 bài kiểm tra giữa kỳ mỗi bài kiểm tra chiếm 20%, kiểm tra cuối kỳ chiếm 35%, ngoài ra còn có các bài kiểm tra ngắn (quiz).
Việc thiết kế chương trình giảng dạy, đề cương môn học chi tiết là rất quan trọng, quyết định đến chất lượng đào tạo SV của từng ngành, từng trường. Hiện tại, do nhu cầu tham khảo rất lớn của các độc giả, chủ yếu những người làm công tác giáo dục, MIT đã có phiên bản hướng dẫn chương trình giảng dạy cho từng ngành, từng môn học.
Thứ ba. Lựa chọn các môn học để giảng dạy sao cho phù hợp với chương trình của từng trường. Lấy ví dụ Khoa cơ khí và Hàng không. Tại các trường Bách khoa, đều có thể lấy các nguồn tại Học liệu mở cho các môn học của mình, như Phương trình vi phân, Phương pháp số, Sức bền vật liệu, Phương pháp phần tử hữu hạn, Cơ học môi trường liên tục, Cơ học tính toán, Vật liệu composite, Cơ học vật rắn, Cơ học chất lỏng, Hàn và các liên kết hàn, Tối ưu hóa, Cơ học phá hủy... các môn học này đều là những môn học cơ bản và rất quan trọng trong kỹ thuật.
Các giảng viên nên đọc các giáo trình (text books) và các bài báo kỹ thuật (papers) song song với “lecture notes” để diễn giải các bài giảng này được chi tiết hơn; giảng viên cần điều chỉnh thay đổi, thêm bớt phạm vi môn học cũng như mức độ phức tạp của nó, bổ sung các bài tập…cho phù hợp SV của mình. Viết thành các bài giảng bằng tiếng Việt phát cho SV đọc trước mỗi giờ lên lớp giảng bài đó.
Thứ tư. Giảng viên nên thay đổi phương pháp sư phạm giảng dạy, chấm dứt phương thức thầy đọc trò chép. Giờ giảng đầu tiên của môn học nên phát cho SV mỗi người đề cương chi tiết môn học (syllabus) bao gồm thông tin về môn học, bài tập lớn, kiểm tra giữa kỳ, và cuối kỳ…, để SV nắm được những gì sẽ được học và phải làm ở môn học này. Luôn luôn hỏi SV những câu hỏi trong giờ giảng, đối thoại giải quyết những khúc mắc của SV, coi SV là trọng tâm của trường học.
Nhìn chung, thiết kế chương trình giảng dạy và phương thức giảng dạy phải hướng tới cho SV chủ động, độc lập và sáng tạo trong suy nghĩ và học tập, để các em nắm được vững những kiến thức cơ bản trong trường. Điều này là quan trọng nhất. Không nên đặt nặng vấn đề nghiên cứu hay kỳ vọng quá lớn vào kết quả nghiên cứu của SV đang học ĐH.
Xóa bỏ tận gốc rễ sự bao cấp
Trên đây là một số gợi ý để làm sao chúng ta có thể triển khai Học liệu mở MIT- OCW và học hỏi được từ phương thức giảng dạy hiện đại, tiên tiến này có hiệu quả nhất.
Ngoài ra, tôi nghĩ rằng, vấn đề chính của giáo dục ĐH VN vẫn là: Thứ nhất, tạo cơ chế thông thoáng cho các trường, cụ thể trao quyền tự quyết cho các trường Đại học để chủ động mọi vấn đề của mình, đặc biệt dần dần xóa bỏ tận gốc rễ chuyện bao cấp cho các trường ĐH. Chỉ khi nào làm được điều này mới có chuyển biến lớn tích cực cho GD- ĐT Việt Nam.
Thứ hai, phân bổ lại các trường ĐH sao cho hợp lý, tránh tình trạng tập trung quá nhiều tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM như hiện nay, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển kinh tế của đất nước, không phát huy hết được nội lực của từng địa phương.
Mỗi người tiếp tục đổi mới tư duy, thay đổi những định nghĩa, quan niệm trong bản thân mình từ bấy lâu nay.
ĐẶNG ĐÌNH THI (giảng viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Nghiên cứu sinh Kỹ thuật Hàng không, ĐH Florida, Hoa Kỳ)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận