Phóng to |
Đó là những câu chuyện thuộc diện "tế nhị” trong ngành giáo dục, như chuyện của một người lãnh đạo đang ngồi đọc tập hồ sơ kỷ luật một nữ giáo viên với tội danh "gái bán hoa", và người lãnh đạo ấy phải xử lý như thế nào (Cuộc đời tôi phụ thuộc vào quyết định đúng đắn của lãnh đạo). Hay câu chuyện hai cô giáo đưa nhau ra tòa án huyện vì ghen tức, khi mà trước đó người đi kiện yêu người bị kiện "như chính bản thân mình" (Có những chuyện tòa án cũng phải đầu hàng). Rồi vị hiệu trưởng một trường THPT đã có gia đình, phó hiệu trưởng lại là một cô giáo xinh đẹp sống độc thân, để rồi dư luận xầm xì về mối quan hệ nam nữ trong ban giám hiệu (Trao đổi, nhắc nhở sớm là một biện pháp bảo vệ cán bộ hiệu quả)...
Cho đến những câu chuyện của những năm 1980 đến bây giờ vẫn nóng bỏng tính thời sự, khi mà người quản lý phải chứng kiến một cô giáo xinh đẹp hát hay dạy giỏi, vừa đoạt huy chương bạc trong kỳ thi hội diễn văn nghệ, đã muốn bỏ nghề để sống dưới ánh đèn sân khấu (Chỗ đứng của em là trước trẻ thơ). Chuyện về một hiệu trưởng vợ mất đi, để lại đàn con nhỏ, từ đó ông lo làm kinh tế gia đình mà không quan tâm đến trường của mình để rồi ngôi trường ngày một sa sút. Hay câu chuyện cả một trường nâng điểm cho học sinh để chạy theo thành tích, rồi ngôi trường chỉ có 6% đậu tốt nghiệp. Rồi những đơn kiện nhà trường cướp đất của dân…
Tất cả những câu chuyện về người thật việc thật ấy đã được tập hợp trong quyển sách dày chưa đến 150 trang, nhưng lại có sức thu hút lớn người đọc về những ứng xử và kinh nghiệm xử lý người làm công tác quản lý giáo dục. 36 câu chuyện trong quyển sách là 36 tình huống thực tiễn, đọc xong và suy ngẫm mới thấy người làm quản lý giáo dục chỉ có cái tâm thôi chưa đủ, mà còn phải biết hòa mình đến đời sống từng học sinh và giáo viên do mình quản lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận