10/03/2011 15:50 GMT+7

Một người anh nghị lực

CAO VĂN QUYỀN
CAO VĂN QUYỀN

TTO - Anh là con của o tôi (chị gái của bố, ở quê Nghệ An vẫn thường gọi như vậy). Lúc sinh ra anh vẫn bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng lên 3 tuổi chân phải tự dưng trở chứng và đau buốt. Mọi người hoảng hốt đưa anh đi chữa trị, từ đó tuổi thơ của anh không được tung tăng chạy nhảy như bạn bè cùng trang lứa.

Tuổi thơ của anh gắn liền với bệnh viện. Sau khi có kết quả của bác sĩ, mọi người mới biết anh bị ảnh hưởng chất độc da cam của bố để lại sau những ngày đi chiến đấu.

Chân phải của anh càng ngày teo dần, không phát triển. Bao nhiêu của cải trong nhà đội nón ra đi nhưng bệnh tình của anh vẫn không thuyên giảm. Mỗi lần trái gió trở trời đôi chân anh lại đau nhói. Sau mỗi lần phẫu thuật nhìn anh gầy gò, xanh xao trông đến tội. Vì hoàn cảnh nên anh không thể ở bệnh viện mãi được, gia đình đành đưa anh về nhà để chữa trị. Nhưng hằng tháng phải ra Hà Nội chữa trị, thăm khám.

Tưởng chừng anh sẽ suốt đời nằm bên chiếc giường nhìn lũ bạn tung tăng đến trường, nhưng với sự đam mê học tập anh luôn tự tạo niềm vui cho mình bằng cách lấy que củi viết những con chữ dưới nền nhà, rồi cũng tập theo o tôi đọc từng âm tiết. Anh rất ham học. Đến tuổi đi học anh cứ đòi o tôi cho đến trường, nhưng vì hoàn cảnh cộng với sức khỏe của anh rất yếu nên anh đành ở nhà.

Chao ôi, chồng chất khó khăn. Khi anh đang bị chân đau hành hạ như vậy thì căn bệnh của bố anh từ hồi đi chiến đấu bị nhiễm chất độc da cam tái phát, một mình o tôi vừa nuôi chồng vừa nuôi con tật nguyền. Một thời gian chữa trị bố anh đã qua đời…

Lên 10 tuổi anh mới vào lớp 1. Trong những năm học tiểu học, trung học cơ sở rồi lên trung học phổ thông, tuy anh khuyết tật nhưng luôn đứng đầu lớp về thành tích học tập và viết chữ rất đẹp. Dáng người anh nhỏ choắt đeo cái cặp xách tới trường làm mọi người rơi nước mắt. Bước chân anh khập khiễng đi trong nắng, trong mưa. Rồi anh tự tập đi xe đạp. Nhìn anh đi xe đạp bằng một chân (vì chân phải không cử động được) ai nhìn thấy đều xúc động. Anh quả là có một nghị lực phi thường!

Có lần lũ bạn trêu đùa ác ý, anh cũng có ý định nghỉ học nhưng với sự quyết tâm của anh cộng với sự động viên của mọi người, anh đã bỏ qua tất cả để học cho tốt. Năm học lớp 3 anh được chọn đi thi học sinh giỏi huyện, anh đã đoạt giải nhất. Phần thưởng của nhà trường lúc đó là 30.000, một bộ ấm chén với một chiếc đồng hồ treo tường.

Những thành tích, giấy khen treo kín tường cũng đủ nói lên sự cố gắng vượt lên số phận của anh nhường nào. Người lành lặn còn thua anh xa. Nhìn thành tích anh đạt được tôi thấy khâm phục ý chí của anh. Có lần tôi học bị điểm kém. Bố tôi bảo “Nhìn anh Hưởng mà học tập”. Tôi không chịu nghe lại còn bảo “Do anh ấy nhiều tuổi nên anh ấy học giỏi”. Đúng là cái ngày thơ bé, ngây ngô.

Anh khát khao được làm một thầy giáo dạy chữ cho vùng quê nghèo nơi anh đang ở. Nhưng bây giờ người ta không tuyển những người như anh. Anh đành gác ước mơ của mình lại. Anh nộp đơn thi vào ngành điện tử viễn thông của Trường đại học Vinh và đã đỗ. Niềm vui đi liền với nỗi buồn khi anh trúng tuyển đại học bởi gia đình anh rất nghèo, lấy đâu ra tiền để anh ăn học bây giờ. Có người bảo “Thôi, kiếm lấy cái nghề may nào đó mà học, vừa phù hợp với hoàn cảnh gia đình lại phù hợp bản thân”. Lúc đó anh thấy tủi thân lắm! Nhưng anh vẫn không nản chí. Anh vừa học vừa đi làm thêm, từ gia sư đến trông coi các quán net. Anh không nề hà bất cứ công việc gì.

Có lần tôi vào Vinh chơi gặp bữa ăn của anh chỉ có mấy cọng rau với vài bìa đậu. Ăn như thế này thì lấy đâu sức khỏe cơ chứ? Nhưng anh vẫn chịu khó chịu khổ để vượt qua năm năm học đại học.

Giờ anh đã ra trường, cầm tấm bằng kỹ sư đi xin việc nhưng lại một lần nữa ông trời bất công với anh. Lúc đến vòng phỏng vấn thì họ lại không nhận anh bởi vì anh là người khuyết tật. Anh buồn rầu, về quê một thời gian chăm lo đàn gà, đàn lợn giúp gia đình. Anh cũng nộp hồ sơ đến các trung tâm nghề dành cho người khuyết tật nhưng cơ hội vẫn chưa đến với anh. Nhìn đôi mắt chứa một khoảng màu xám xa xa khi mọi người hỏi về tình hình việc làm, anh ngồi đó nhìn ra khoảng không mà buồn rười rượi. Chẳng nhẽ cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học anh lại thất nghiệp?!

Năm mới cầu mong anh tôi sớm có việc làm để đỡ đần mẹ già ốm yếu!

(Những dòng này tôi xin gửi tới người anh yêu quý của tôi: anh Nguyễn Hữu Hưởng, xóm 5, xã Quỳnh Trang, Quỳnh Lưu, Nghệ An).

CAO VĂN QUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên