23/10/2003 22:09 GMT+7

Một ngày làm công dân Nhổn

HUY THỌ
HUY THỌ

TT - Nhổn nằm trên đường Hà Nội đi Sơn Tây, cách trung tâm thủ đô khoảng 14km. Nhổn nổi tiếng đến độ cả nước chắc chẳng có ai không từng ít nhất một lần nghe đến. Vì vậy muốn làm “công dân Nhổn” thật không dễ, đặc biệt với cánh nhà báo. “Tổng quản” của Nhổn, ông Đặng Ngọc Tuấn, cười khà khà bảo: “Từ lúc tôi quản lý Nhổn đến nay, ông là nhà báo đầu tiên được ở qua đêm đấy nhé”...

yPb8qFXW.jpgPhóng to
Xạ thủ Trịnh Thu Hà "nhốt mình" trong bộ đồ chuyên dụng của môn bắn súng
TT - Nhổn nằm trên đường Hà Nội đi Sơn Tây, cách trung tâm thủ đô khoảng 14km. Nhổn nổi tiếng đến độ cả nước chắc chẳng có ai không từng ít nhất một lần nghe đến. Vì vậy muốn làm “công dân Nhổn” thật không dễ, đặc biệt với cánh nhà báo. “Tổng quản” của Nhổn, ông Đặng Ngọc Tuấn, cười khà khà bảo: “Từ lúc tôi quản lý Nhổn đến nay, ông là nhà báo đầu tiên được ở qua đêm đấy nhé”...

Từ cô bé lọ lem biến thành tiên

Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia 1 là đại bản doanh của thể thao đỉnh cao VN; là nơi “nuôi gà chọi” chuẩn bị cho những “trận đánh lớn” của thể thao nước nhà. Trung tâm có trong tay một gia sản đất đai khổng lồ đến 33ha, rải ở ba nơi là Tam Đảo, Vĩnh Yên và Nhổn. Trong đó khu ở Nhổn nổi nhất, cả từ cơ ngơi (16ha) cho đến lịch sử (được thành lập từ tháng 11-1959).

Theo lời kể của cựu vô địch chạy cự ly dài Bùi Lương: “Đối với thế hệ chúng tôi, Nhổn của hôm nay là cô tiên thật sự so với cô bé lọ lem của thời kỳ mới ra đời. Nhổn của hơn 40 năm trước chỉ là một sân cỏ lôm nhôm, là đường chạy trải xỉ than lạo xạo, là chi chít những hố trú bom cá nhân, là những chiếc giường hai tầng trải chiếu, là những bữa cơm khoai sắn nhiều hơn gạo”.

piAWt8Lz.jpgPhóng to
Bữa điểm tâm của Nhổn hôm nay đã rất "Tây" - Ảnh: Tr.Dân

Không đâu xa, năm 1993 khi đoàn thể thao VN chuẩn bị cho SEA Games, 11 tuyển thủ bóng đá đã bỏ ra về vì không chịu nổi điều kiện ăn ở, sinh hoạt nhếch nhác của Nhổn.

Vậy mà Nhổn hiện nay cơ sở phục vụ việc luyện tập của các VĐV khá đầy đủ với hai sân cỏ xanh mướt, đường chạy điền kinh, đường chạy dốc đỏ au, trường bắn lộng lẫy với những trang thiết bị hiện đại vào bậc nhất Đông Nam Á, những sân tập trong nhà khổng lồ... “Tổng quản” Tuấn tự hào: “Chúng tôi hiện đủ sức phục vụ chuyện ăn ở, tập luyện cho 700 VĐV”!

Nhưng sự thay đổi lớn nhất, dễ thấy nhất là các điều kiện sinh hoạt cho VĐV. Sáu năm trước, trong phòng ở của VĐV vẫn còn là giường chiếu thì nay toàn bộ đã là nệm. Trong mỗi phòng đều có nhà vệ sinh riêng, có hệ thống tắm nước nóng-lạnh, tivi với những kênh MTV, ESPN, Star Sports. Câu lạc bộ VĐV có những dàn máy tính mới tinh để chat, chơi game; có những màn hình 49-53 inch để hát karaoke và bếp ăn mỗi ngày ba bữa đều ăn theo dạng tự phục vụ, ai muốn ăn gì, ăn bao nhiêu tùy thích.

SEA Games 22 đã giúp thể thao VN bước sang một trang sử mới về mặt vật chất và cung cách phục vụ tại Nhổn!

Chuẩn bị cho một “trận đánh” hoành tráng

Mới 5g30 sáng, khi trời còn chưa rõ mặt người, cây cỏ, các tòa nhà sừng sững của Nhổn vẫn còn ẩn hiện trong màn sương, thì cuộc sống tập luyện của Nhổn đã bắt đầu cho một ngày mới. Đầu tiên là nhóm VĐV nhảy xa. Thu Lan - nhà vô địch nhảy ba bước SEA Games 21 - cho biết nắng cũng như mưa, nóng cũng như rét, ngày nào cô cũng có ba buổi tập 5g30-7g30, 9g30-11g30 và 16g-18g.

Sau mỗi buổi tập, Lan bảo ruột gan mình cứ nhộn nhạo hẳn lên vì cứ phải nhảy, nhảy liên tục. Trễ hơn nhóm nhảy xa nửa giờ, các VĐV chạy cự ly trung bình và dài cũng “điểm tâm” bằng vài chục vòng chạy. Khánh Đoan mặt tái xanh, người sũng mồ hôi hổn hển nói: “Tôi vừa xong 5km, bốn vòng lên xuống dốc. Giờ vào ăn sáng, nghỉ một tí đến 9g30 lại ra sân”.

8 giờ sáng Nhổn mới bắt đầu nhộn nhịp thật sự. Trên sân điền kinh lúc ấy thật nhộn nhịp với nhóm cự ly ngắn. Tập chạy một mình chưa đủ, các VĐV còn khoác vào vai chiếc dây nối với một súc gỗ nặng trên chục ký kéo lệt bệt phía sau.

Ở khu B của Nhổn (mới ra đời hơn một năm nay) gần như dành cho các môn võ thuật như pencak silat, karate... Cũng từ 8 giờ sáng, các võ sĩ đã áo đai chỉnh tề đứng vào vị trí huỳnh huỵch tập cho đến trưa. Ngày nào cũng tập, tập và tập, thế mà cứ sau mỗi buổi tập, các VĐV đều cho biết phải sụt đi ít nhất 1kg. “Chủ yếu vì mất nước” - Bùi Tiến Thành, thành viên đội tuyển karate, vừa nói vừa chứng minh bằng việc vắt chiếc áo võ phục... và mồ hôi nhỏ tong tong xuống sàn!

Nhưng, bất ngờ nhất là ở các xạ thủ bắn súng. Cái môn thoạt nhìn cứ tưởng là nhàn này không ngờ thuộc vào loại vất vả bậc nhất. 8 giờ sáng, như một đơn vị quân đội chính qui, trên 20 thành viên của đội tuyển đứng xếp hai hàng dọc chỉnh tề và cất bước đi đều đến trường bắn, vốn cách nơi ở cũng gần nửa cây số.

Vào trường bắn, mỗi xạ thủ khoác lên mình một bộ đồ dày cứng, nặng nề khiến chủ nhân đi đứng cứ như robot. Nhốt mình trong “chiếc hộp” vải nặng cả 5kg ấy, các xạ thủ không hề nói cười, tập trung toàn bộ tâm trí vào việc kềm chắc súng, mắt trừng trừng hướng đến mục tiêu. Hết một buổi tập kéo dài bốn giờ đồng hồ như thế, mỗi xạ thủ mất đi ít nhất 2kg! Thu Hà ở đội súng dài cho biết: “Buông súng ra là chúng tôi cảm thấy người bải hoải. Mùa này thời tiết mát dịu còn đỡ, chứ mùa nóng thì sau mỗi buổi sụt 3kg là chuyện thường”.

Với những gì đã và đang diễn ra ở Nhổn, trưởng đoàn thể thao VN Nguyễn Hồng Minh tự tin: “Mọi người hãy chờ xem, SEA Games 22 là một trận đánh hoành tráng của thể thao VN”.

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên