![]() |
Bà Tám Thảo và bà Chín Chi với những tấm ảnh thời thiếu nữ - Ảnh: Tự Trung |
Đi dọc những tấm ảnh, có bà còng lưng lê từng bước nặng nhọc, có bà vừa đi vừa đấm lưng, có bà đau chân phải dừng tìm chỗ ngồi, có bà nhao nhác đoán cháu nội ở nhà đang khóc... Ấy vậy mà Mậu Thân 1968 đã không thể diễn ra, không thể có được tiếng vang như đã có nếu không có họ...
Một que thăm
Một đời Những ngày này, ông Tư Cang, bà Tám Thảo và nhiều người khác liên tục được mời đi nói chuyện về những câu chuyện Mậu Thân. Những câu chuyện tưởng chừng quen thuộc nhưng vẫn cứ lấp lánh và xốn xang mỗi lần được kể lại. Qua bom đạn, mất mát, chia ly, niềm tin vào lý tưởng ấy vẫn vẹn nguyên như những ngày đầu, ngày mỗi được tô thắm thêm bằng nước mắt, mồ hôi, xương máu bao người. Và được giữ gìn cho đến tận hôm nay. |
81 tuổi đời, 63 năm tuổi Đảng, bà Tám Thảo ngả vào vai bà Chín Chi cười khúc khích như thời thiếu nữ khi nghe hỏi nguyên nhân việc tham gia cách mạng từ rất sớm của mình: “Có truyền thống gia đình, có ý thức dân tộc, có say mê tuổi trẻ và có cả may mắn nữa...”. Bà Chín Chi cũng cười: “Tôi không được may mắn như chị gái, tôi nhỏ hơn chị chỉ một tuổi đời nhưng vào Đảng thì trục trặc hơn, mới hơn 50 năm thôi”.
Câu chuyện của hai bà quay trở về những ngày Cách mạng Tháng Tám khi xưa, gia đình ông Nguyễn Đăng Phong (cha của hai bà) tham gia chính quyền cách mạng. Pháp quay trở lại, gia đình trắng tay, cha bị bắt. Mẹ đi vay mượn tiền, chạy cửa trước cửa sau chuộc chồng về. Ông về, mang theo mấy đứa con nhỏ ra Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp. Hai chị em Mỹ Nhung, Mỹ Linh ở lại với mẹ, học nghề buôn tơ lụa của mẹ, phụ mẹ buôn bán trả nợ, trôi nổi từ Bạc Liêu qua Cần Thơ, lên Vĩnh Long. Nhà trọ nằm đằng sau một trại lính, những ngày mẹ đi cất hàng ở Sài Gòn, hai chị em hé cửa sổ nhìn ra. Sáng xe chở lính đi càn hầm hố súng đạn, chiều xe chở về những người bị bắt rũ rượi, những người chết nằm xếp lớp chồng lên nhau như bó củi. Đau lòng. Rồi biết rằng cha ra đi là để chấm dứt những chuyện đau lòng ấy, trong hai cô gái nhỏ bắt đầu ươm một giấc mơ.
Một bữa, có một chị đến xin ở nhờ. Vài hôm, chị canh giờ, ra đặt một tập truyền đơn giữa lòng đường. Chiếc xe Citroen của viên sĩ quan vừa tới, lướt nhanh qua, gió cuốn những tờ truyền đơn bay tung, cả phố xôn xao. Giấc mơ của Mỹ Nhung, Mỹ Linh cũng theo đó bay lên. Hai cô xin chị cho đi theo rải truyền đơn, chị lắc đầu bảo: Còn nhỏ lắm, chờ vài năm nữa.
“Tụi tui ráng chờ hoài, chờ hoài, đến năm hai đứa 15, 16 tuổi. Đứa nào cũng muốn theo kháng chiến nhưng lại không thể bỏ mẹ một mình, hai đứa bàn nhau: một đi, một ở. Nhưng ai đi, ai ở thì phải rút thăm” - bà Tám Thảo lại cười khúc khích. Lá thăm đã quyết định cho Mỹ Nhung được đi trước, theo con đường được chọn bằng trái tim tuổi 16. Cô nhảy xuống xuồng, tìm cách bắt liên lạc vào căn cứ, tìm lại chị tình báo viên năm nào...
Một nụ cười
Câu chuyện thuở ban đầu của các bà Tám Thảo, Chín Chi còn được gặp lại nhiều lần nữa trong những người đồng đội.
Không lý luận, bà Hai Ánh (Nguyễn Thị Ánh - Gò Vấp, TP.HCM) kể về một ngày của tuổi 12 ở Phú Hòa Đông, Củ Chi, bà đã rớt nước mắt khi gặp hai cha con một ông lão ăn xin rách nát, đói lả. Về xin mẹ một tô cơm, bà mang ra, hai cha con ông mừng rối rít, ăn ngon lành với muối hột. “Họ ăn loáng cái hết tô cơm, muốn giúp nữa nhưng nhà mình cũng nghèo quá, biết làm sao. Sau đó tui nghe lỏm chuyện người lớn, nghe các bác các chú nói làm cách mạng để không còn người nghèo, người khổ; để người người ấm no, hạnh phúc, vậy là tui nguyện theo cách mạng”. Bà Hai Ánh được tuyển vào làm một giao thông viên trong cụm H63 từ năm 18 tuổi, 20 tuổi đã được tuyên thệ dưới cờ Đảng.
Bà Tám Kiên (Hà Thị Kiên - Q.3, TP.HCM) kể những ám ảnh kinh hoàng của tuổi thơ khi chứng kiến một người đàn ông bị treo dưới gốc đa đến chết, những người dân một nắng hai sương trên đồng ruộng bỗng một hôm bị mổ bụng, moi gan. “Từ kinh hoảng đến uất hận, tôi quyết theo cách mạng, quyết làm Việt cộng thiệt để giải phóng quê hương mình, dân tộc mình, đất nước mình, không nghĩ mình sẽ còn sống để thấy ngày hòa bình đâu, chỉ tin ngày ấy sẽ đến là được”.
Niềm tin nhiệt thành đã giúp họ vượt qua những khó khăn sinh tử tưởng như không thể vượt qua được. Nhiệm vụ là phải hoàn thành, một nhiệm vụ sẽ là một viên gạch xây dựng nên cuộc đời lý tưởng mai này. Nghĩ vậy mà bà Hai Ánh khi ấy đã mang được hai khẩu K54 với 27 viên đạn ngụy trang trong xấp bánh tráng, vượt qua trùng trùng chốt kiểm soát ở cửa ngõ thành phố những ngày Tết Mậu Thân để giao tận tay ông Tư Cang (đại tá, Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Tàu) ở cửa Bắc chợ Bến Thành. Nghĩ vậy mà bà Tám Thảo đã quên đi tình cảnh ngàn cân treo sợi tóc của cả gia đình mình, nở được một nụ cười, khôn khéo đối đáp thoát hiểm khi cả tiểu đội lính xộc đến tận buồng ngủ của mình, sau lớp vách mỏng là một ông thiếu tá tình báo Việt cộng. Trước đó chỉ vài phút, hai viên đạn ông bắn ra từ khe cửa sổ phòng bà đã hạ gục hai viên sĩ quan đang chỉ huy cuộc vây ráp các chiến sĩ biệt động trong đội tấn công dinh Độc Lập, tạo một khoảng trống thời gian và không gian cho đồng đội tìm đường thoát.
Những ngày Mậu Thân, lính đầy đường, súng đạn cả hai phía nổ không biết giờ giấc, nhưng lại có nhiều tin tức phải được truyền đi, nhiều tài liệu phải được giao nhận, bà Tám Kiên ngược xuôi trên chiếc Honda giữa những làn đạn, những hiểm nguy chực chờ, có lúc tưởng chừng như đã bị bại lộ, mọi việc đã phải chấm dứt.
Ông Tư Cang kể lại giây phút ấy: “Tôi phải quay trở ra cứ để báo cáo tình hình, đi với Tám Kiên, giả làm cặp vợ chồng về quê ăn giỗ. Giữa đường bị chặn lại, tên mật vụ nhiều kinh nghiệm đã phát hiện giấy tờ của tôi là giả, hắn mang vào báo cáo. Tôi nghĩ thế là hết, mình thì đã đành, chỉ thương đồng đội là cô gái này đây. Quay sang Tám Kiên, cô ấy nhìn tôi cười rạng rỡ, như bảo rằng: yên tâm, em sẽ giữ được khí tiết, đường dây sẽ được bảo mật. Tôi cũng cười, nụ cười chia tay, tin tưởng và cam kết. Không ngờ nhờ nụ cười thanh thản vô lo ấy của hai chúng tôi mà tên chỉ huy chợt thấy hết nghi ngờ, hắn thả chúng tôi đi...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận