![]() |
Dự án xây dựng khu dân cư Sông Giồng tại phường Bình Trưng Tây, quận 2, TP.HCM bị đình trệ kéo dài do còn ba hộ dân chưa di dời giải tỏa |
Tháng 10-2000, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thu hồi đất của các hộ dân ở đây và đồng thời có quyết định giao phần đất này cho Công ty Thế Kỷ 21.
Đền bù cao hơn mức giá được duyệt, nhưng…
Dự án xây dựng khu dân cư mới nói trên gọi là khu dân cư Sông Giồng có diện tích 40ha. Ngay sau khi có quyết định giao đất, căn cứ trên phương án đền bù giải tỏa được UBND TP.HCM phê duyệt vào tháng 8-2001, Công ty Thế Kỷ 21 đã ký hợp đồng với ban bồi thường giải phóng mặt bằng của quận để tiến hành giải tỏa theo bốn phương thức khác nhau.
Ngoài việc giao trả đất cho chủ đầu tư để nhận tiền đền bù, các hộ có thể lựa chọn phương thức “đổi đất lấy nền nhà”, góp vốn liên kết để nhận đất ở và góp vốn liên doanh bằng giá trị quyền sử dụng đất.
Chỉ trong bốn tháng kể từ khi Ban giải phóng mặt bằng làm việc với các hộ dân, tháng 12-2001 đã “giải phóng” được 65% diện tích thuộc phạm vi dự án. Đến cuối năm 2002, dự án đã giải phóng được 95% diện tích và hiện nay là 98,3%, chỉ còn lại 3.000m2 - tức khoảng 1,7% diện tích tòan dự án - của ba hộ Nguyễn Hữu Tấn (em một vị lãnh đạo UBND TP.HCM), Lê Minh Mẫn và Võ Ngọc Quỳnh Hoa, cùng một địa chỉ cư ngụ tại 368 An Dương Vương (quận 5, TP.HCM).
Theo ông Trần Minh Đức, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Thế Kỷ 21, giá bồi thường qui ra tiền theo phương án được UBND thành phố duyệt tối đa là 105.000 đồng/ m2. Nhưng thực tế công ty đã chấp nhận đền bù cho nhiều hộ dân cao hơn bốn lần mức giá này, tức là 450.000 đồng/m2. Tỉ lệ “đổi đất lấy nền nhà” theo phương án được UBND thành phố duyệt là 10%, cứ 1.000m2 đất ruộng đổi được 100m2 đất nền nhà sau khi đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật.
Thực tế, công ty đã chấp nhận tỉ lệ 17%, có trường hợp lên đến 20%. Riêng ba hộ nói trên công ty chấp nhận một tỉ lệ lên đến 50%, tức từ 3.000m2 đất ruộng, họ nhận được 1.500m2 đất nền nhà. Thế nhưng Công ty Thế Kỷ 21 càng nhân nhượng các hộ này càng lấn tới với những đòi hỏi không thể chấp nhận được.
“Được voi đòi tiên”
![]() |
Đây là chòi tre lá tạm bợ của một trong ba hộ dân chưa di dời trong dự án khu dân cư Sông Giồng - Ảnh: N.C.T. |
Đương nhiên - ông Trần Minh Đức nói - Công ty Thế Kỷ 21 không thể chấp nhận, vì theo ông từ tháng 7-2001, công ty đã áp dụng nguyên tắc ai giao đất theo phương thức đổi đất hoặc hợp tác thì được chọn nền nhà ngay cùng lúc với việc ký các giấy tờ giao đất. Nói cách khác, “ai giao đất trước thì được chọn nền trước, người sau được tự do chọn bất cứ nền nhà nào trừ những nền người trước đã chọn”.
Mặt khác, nếu áp dụng nguyên tắc “ai có đất chỗ nào được chọn nền chỗ đó” thì những người có đất được qui hoạch làm đường, công viên, công trình công cộng... chọn nền chỗ nào? Chưa kể toàn bộ đất của dự án đều là đất ruộng, không có một mét vuông đất thổ cư nào thì làm gì có vấn đề tái định cư như đòi hỏi của các hộ Tấn, Mẫn và Hoa.
Toàn bộ dự án được duyệt gồm 150 lô liên kế và 400 lô biệt thự, trong khi có hơn 150 người góp vốn, mỗi người chỉ có thể nhận một lô liên kế, lấy đâu ra đủ 15 lô liên kế “đổi” cho những người này?
Tháng 5-2003, với thiện chí và nhân nhượng lần cuối cùng, Công ty Thế Kỷ 21 đề xuất với UBND và Ban chỉ đạo bồi thường quận 2: chấp nhận cho ba hộ Tấn, Mẫn và Hoa ba nền liên kế tại mặt đường 40m (nằm ngoài đất ruộng của ba hộ này, cả ba nền cũng đã có người chọn nhưng họ đồng ý giao lại); số đất nền còn lại được tự do chọn vị trí nào chưa có người chọn trước, nhưng cả ba hộ tiếp tục... lắc đầu, không đồng ý.
Hơn thế, các hộ lại còn lấn thêm một bước bằng cách tiến hành dựng một chòi lá trái phép để “cố thủ” ngay trên phạm vi đất của dự án. Ngày 5-8-2002, một nhóm người đã mang gỗ, lá vào công trường dựng lên một chòi lá. Ông Nguyễn Hữu Tấn đã đưa mẹ mình là bà Huỳnh Thị Hai đứng ra nhận việc xây dựng trái phép này.
Sau khi Công ty Thế Kỷ 21 có công văn đề nghị, UBND quận 2 đã có văn bản đình chỉ việc xây dựng trái phép và buộc bà Hai phải tháo dỡ căn chòi này nhưng căn chòi vẫn không được dỡ xuống.
Từ việc cố tình “làm eo”, dây dưa không chịu giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án, tháng 11-2002 UBND quận 2 đã ký các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Hữu Tấn, ông Lê Minh Mẫn do hành vi “không giao đất cho chủ đầu tư để triển khai dự án” và thông báo yêu cầu bà Võ Ngọc Quỳnh Hoa thực hiện ngay việc giao đất thực hiện dự án.
Các hộ lại khiếu nại, sau đó UBND quận 2 cũng đã ra quyết định “không công nhận nội dung khiếu nại” của các hộ này. Hiện nay, ba hộ dân đã nộp đơn khởi kiện vụ tranh chấp tại TAND quận 2.
Thiệt hại tiền tỉ vì không thể thi công
Theo qui định về thủ tục giao đất, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn TP do UBND TP.HCM ban hành kèm theo quyết định 138 ngày 18-5-2004 đã nêu rõ: trường hợp chủ đầu tư đã thỏa thuận được chuyển nhượng khoảng 80% diện tích đất của dự án mà phần diện tích còn lại chủ đầu tư không thỏa thuận được với người đang sử dụng đất thì Nhà nước sẽ xem xét áp dụng hình thức thu hồi đất của người sử dụng. |
Thời gian kéo dài làm cho tỉ suất lợi nhuận của dự án bị giảm từ 25% xuống còn 15% và nếu dự án tiếp tục bị đình hoãn vì chờ giải quyết tranh chấp thì công ty chỉ có thể hi vọng... bảo toàn vốn mà thôi! Ông Trần Minh Đức cũng cho biết vì chậm thực hiện dự án (công ty đã ký hợp đồng cam kết tháng 7-2003 sẽ giao đất) nên uy tín của Công ty Thế Kỷ 21 bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngoài ra, những hộ dân đã giao đất cho dự án đúng tiến độ cũng phải chịu thiệt thòi, bị nhận nền tái định cư chậm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên 3.000m2 đất nói trên là đất trồng lúa được các hộ Tấn, Mẫn và Hoa từ nội thành ra mua bằng giấy tay từ cuối năm 1999 (sau khi UBND thành phố đã chấp thuận cho Công ty Thế Kỷ 21 thực hiện dự án khu dân cư Sông Giồng). Từ đó đến nay, các hộ này bỏ đất hoang, không hề trồng trọt hay canh tác gì và đã từng bị phạt 10 triệu đồng vì mua bán đất bất hợp pháp.
Sở dĩ các hộ có thái độ “muốn gì được nấy” vì dựa vào một số mối quan hệ quen biết (theo Công ty Thế Kỷ 21, trong quá trình thương lượng đã có nhiều cuộc điện thoại, thư tay của một số giám đốc sở, cựu lãnh đạo UBND TP, Văn phòng Chính phủ...).
Căn nhà xây dựng trái phép của các hộ dân trên đất đã bị thu hồi cũng đã có quyết định buộc tháo dỡ nhưng nhiều năm qua chính quyền địa phương cũng chưa có biện pháp cưỡng chế để giao đất cho chủ đầu tư theo qui định của pháp luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận