![]() |
Cao ốc 1-5 Lê Duẩn sau tám năm thi công giờ sắp hoàn thành - Ảnh: L.A.Đ. |
Tòa nhà đẹp nhưng số phận long đong này chính là “chứng nhân” của một chủ trương lớn, hợp lý nhưng bị phá sản một cách tức tưởi...
“Tượng đài” lãng phí
Năm 1995, Chính phủ quyết định cho xây dựng cao ốc số 1-5 Lê Duẩn (phường Bến Nghé, Q.1, TP.HCM) để tập trung văn phòng 2 (VP2) của các bộ ngành về đây làm việc, nhằm qui hoạt động của các VP2 về một mối. Lúc đó Chính phủ sẽ cho thu hồi tất cả trụ sở, mặt bằng các VP2 đang sử dụng không có hiệu quả, không đúng mục đích đưa vào phục vụ công ích hoặc cho thuê, hoặc bán đấu giá đưa vào ngân sách nhà nước. Một phần nguồn tiền thu được từ việc bán, cho thuê mặt bằng này có thể làm kinh phí xây dựng cao ốc trên. Mặt khác, lập luận của Chính phủ: việc gom các VP2 về một nơi rất tiện cho các bộ, ngành làm việc: từ bộ này sang bộ khác chỉ cần vài bước chân, tiết kiệm chi phí xe cộ, đi lại, tài xế... Nói chung giảm được rất nhiều chi phí và lợi ích chung tăng lên.
Tòa cao ốc được thiết kế 21 tầng với diện tích đất hơn 6.100m2. Công trình gồm hai khối nhà là văn phòng làm việc của các bộ và nhà khách kế bên làm nơi nghỉ ngơi. Tháng 12-1995 công trình được khởi công. Tương lai khi hoàn thành tòa nhà này sẽ là trung tâm hành chính đầu tiên lớn và hiện đại nhất nước. Những ngày tháng đầu, việc xây dựng tòa nhà diễn ra suôn sẻ.
Đến tháng 8-1997, sau hai năm thi công ào ạt, công trình đã cơ bản xong phần thô, lắp đặt hệ thống thang máy, điện lạnh và một số trang thiết bị với tổng vốn thực hiện hơn 153 tỉ đồng. Hình hài tòa nhà hành chính đã rõ... Thế nhưng cũng đúng vào thời điểm này ông Võ Văn Kiệt thôi làm thủ tướng Chính phủ, công trình đang xây dựng ào ào thì đùng một cái... ngưng. Lý do ban đầu được đưa ra giải thích là “thiếu tiền thi công”. Có người đề xuất đem bán đấu giá một số diện tích nhà không sử dụng của các bộ để châm vốn cho công trình, bởi lẽ không thể bỏ khối tài sản lớn bất động cùng mưa nắng sẽ gây lãng phí lớn và không hoàn thành mục tiêu đề ra. Mặc dù vậy, vẫn không thấy một giải pháp tích cực nào được đưa ra để tiếp tục công trình.
Tại sao như vậy? Một vị cựu lãnh đạo cấp cao chua chát: không quá khó để giải thích đó là các bộ, ngành vẫn muốn có “lãnh địa riêng”, không ai muốn bị gom về một chỗ! Bởi lẽ với lãnh địa riêng cát cứ được họ thoải mái hơn, tùy nghi sử dụng tài sản nhà nước, cái mà họ sẽ mất khi về cao ốc 1-5 Lê Duẩn.
Công trình từ đấy trơ gan cùng tuế nguyệt, dầm mưa dãi nắng, trơ trơ giữa lòng TP như một tượng đài lãng phí nhức nhối. Mãi đến năm 2000, tức sau năm năm xây dựng, Chính phủ mới có quyết định cho phép chuyển nhượng công trình cho PetroVietnam, tiếp tục hoàn chỉnh cho phù hợp với yêu cầu sử dụng làm trụ sở của tổng công ty. Với quyết định trên, khu cao ốc hành chính đang xây dựng mãi mãi không hoàn thành và chủ trương đúng khu hành chính cho các VP2 đã bị phá sản.
6 năm ì ạch…1 công trình
“Thực hiện quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ về rà soát sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn TP, từ năm 2001 đến nay, qua con số kiểm kê, 97% có thể nắm được cho thấy có 145 triệu m2 đất, 14 triệu m2 nhà thuộc sở hữu nhà nước. Từ năm 2001 đến nay, có sắp xếp được 413 cơ sở và tám lô đất đem bán đấu giá thu về cho Nhà nước được 8.615 tỉ đồng. Phần sử dụng lãng phí, không đúng mục đích rất nhiều, trong khi tại TP.HCM mỗi mét vuông đất, nhà có giá trị rất lớn”. (Trích phát biểu của đại biểu Quốc hội Phạm Phương Thảo - TP.HCM - tại Quốc hội sáng 25-11-2006) |
Theo quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 6-4-1999 của Thủ tướng Chính phủ, việc chuyển công trình trên cho Petro Vietnam là để tiếp tục hoàn chỉnh cho phù hợp với yêu cầu làm trụ sở của tổng công ty. Chính phủ cũng cho phép Petro Vietnam sử dụng nguồn thu lợi nhuận được chia từ khai thác dầu thô để thanh toán và đầu tư tiếp công trình. Theo sau đó, UBND TP.HCM cho Petro Vietnam hợp đồng thuê đất, giá thuê 80.500 đồng/m2. Tổng số tiền thuê khu đất mà tổng công ty phải trả cho TP mỗi năm là hơn 492 triệu đồng.
Petro Vietnam tính toán: trong số 30.000m2 sàn, phần lớn sẽ sử dụng và phần còn lại sẽ thiết kế cho thuê văn phòng. Giới cho thuê văn phòng xác nhận: cao ốc này có vị trí đắc địa, thích hợp với việc cho thuê văn phòng. Ấy vậy mà khu đất vàng ấy đã phải lận đận suốt tám năm trời mới hoàn thành, chịu lãng phí khủng khiếp và tất nhiên, sự lãng phí ấy đổ lên vai những người đóng thuế.
Chủ tịch UBND quận 10 Huỳnh Khắc Cần cho biết khu trung tâm thương mại quận 10 (địa chỉ 90A Lý Thường Kiệt, phường 14, quận 10) sẽ được tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất trong thời gian tới, sau khi thu hồi. Tại đây sẽ xây dựng trung tâm thương mại cao 25 tầng trên diện tích đất gần 20.000m2. Chủ trương này đã được lãnh đạo UBND TP thông qua. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận