14/12/2008 08:13 GMT+7

Một chiều ngọt ngào với Madeleine Riffaud

ANDRÉ MENRAS - TRẦN TỐ NGA dịch
ANDRÉ MENRAS - TRẦN TỐ NGA dịch

TT - Một câu chuyện đầy sâu lắng và nghĩa tình về bà Madeleine Riffaud, nhà báo Pháp - người đã ủng hộ nhiệt thành cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân VN trong kháng chiến chống Mỹ...

Gần sáu tháng đã qua kể từ cuộc viếng thăm Madeleine Riffaud của tôi cùng với đoàn làm phim Đi tìm dấu tích ba vua. Từ ngày ấy, bài báo tôi viết về hoàn cảnh đáng buồn của Madeleine đã gây xúc động một số người ở VN. Nhà văn - nhà báo Hoàng Phủ Ngọc Phan đã viết trên báo Tuổi Trẻ (26-10-2008) một bài dài kêu gọi “Ngày hội của lòng biết ơn” đối với những người bạn nước ngoài từng giúp đỡ VN trong cuộc đấu tranh dài lâu giành độc lập. Ông nhắc nhiều đến bà Madeleine Riffaud.

nQZGYiUr.jpgPhóng to

Bà Madeleine Riffaud đang nghe đọc thư của bà Bùi Thị Mè - nguyên thứ trưởng Bộ Y tế Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Bà Mè là người đón tiếp bà Madeleine Riffaud ở vùng giải phóng năm 1966 - Ảnh: André Menras

Không chỉ độc giả ở lứa tuổi của chúng tôi, rất nhiều độc giả trẻ đã hưởng ứng sôi nổi lời kêu gọi này, đến mức họ đã dùng tất cả các phương tiện, từ gọi điện thoại trực tiếp, gửi thư đến viết trên blog, trên mạng, nói lên lòng cảm mến của họ đối với Madeleine. Được động viên bởi những tình cảm chân thành và hồn nhiên ấy, chúng tôi đã tình nguyện làm sứ giả trung thành và hứa đến gặp “chị Tám” trong căn hộ ở Paris. Lịch sử đôi khi nháy mắt một cách dí dỏm vì đây là nơi hoàng tử Bảo Long, con của cựu hoàng Bảo Đại, đã từng sinh sống và làm nhiệm vụ gác dan.

1. Ngày 24-11, tôi từ Montpellier đến Paris, nghỉ đêm tại nhà Madeleine. Tôi đã đọc cho chị bài báo của Hoàng Phủ Ngọc Phan và các thư từ của độc giả báo Tuổi Trẻ. Madeleine rất cảm động về những biểu hiện tình cảm ấy nhưng vẫn cứ trách tôi sao cho mọi người biết chị đang ở một mình, đau yếu... Tất nhiên, tôi cũng đã chờ đợi điều hiển nhiên này rồi.

Khoảng 16g ngày 26-11, chúng tôi đón Madeleine đến nghĩa trang Montparnasse, nhân danh tất cả những người ở Việt Nam đã giao phó cho chúng tôi nhiệm vụ này, viếng thăm mộ nữ văn sĩ Andrée Viollis, thầy của Madeleine trong nghiệp làm báo, một người thuộc lớp chiến sĩ đầu tiên đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, đồng thời là một người mà Bác Hồ biết rất rõ.

Chúng tôi tìm ngôi mộ nhỏ bằng đá của Andrée nằm lẫn trong rừng thánh giá. Cây hoa hồng trồng hồi tháng sáu đã bén rễ. Madeleine mang kính đen mặc dù trời đang dần tối, quên nỗi đau nhức đang hành hạ cơ thể, ngồi sụp xuống gỡ từng chiếc lá thu mà gió đã đặt lên mộ. Chị dùng cái móc bằng cây do ông nội để lại vun gốc cho cây trúc xanh nhỏ, dáng thẳng đứng chị vừa trồng cách đây không lâu.

Chúng tôi thắp nhang tưởng niệm người vắng mặt - những nén nhang do Madeleine mang từ VN về và tự hào vì chỉ có mình nhớ mà mang đến mộ. Nhang cháy, tàn cong vòng, có nghĩa là vong linh Andrée Viollis đang về với chúng tôi. Madeleine rất tin hiện tượng tâm linh này và rất vui. Chị nhắc lại lần trước Andrée Viollis cũng đã về trong hình hài con ong bầu.

Hai má đỏ ửng vì lạnh, mặc cho mưa bụi đang rơi, chị không ngừng kể chuyện về Andrée, về người bạn trẻ Jean-Luc đã cùng chị đấu tranh trong bốn năm dài để bảo vệ ngôi mộ khỏi bị xe ủi đất húc bỏ…. Chị kể cho chúng tôi những câu chuyện về VN…

Bằng giọng đượm yêu thương, Madeleine nói với Andrée Viollis: “Chị có thấy không, chúng tôi đến với chị đây. Việt Nam đâu có quên chị”. Trời đã tối, chúng tôi rời nghĩa trang vì còn phải băng qua Paris và những con đường nghẹt xe để trở về nhà Madeleine. Còn có nhiều bất ngờ đang chờ.

CA7ZeQX6.jpgPhóng to

Ảnh: André Menras

2. Phải đi lên ba tầng lầu theo một cầu thang cũ kỹ thật không dễ dàng chút nào cho một người lớn tuổi. Madeleine cũng như nhà báo nổi tiếng Wilfred Burchett, người bạn văn của chị trong chiến khu Việt cộng, từng là nạn nhân của cầu thang nhỏ hẹp này. Hai người đã từng làm một cú ngã ngoạn mục còn hơn những lần ngã trong rừng Việt Nam.

Phòng khách nhỏ xíu: một tràng kỷ, một chiếc bàn thấp, một bàn làm việc mà cả chiếc điện thoại cũng không tìm thấy chỗ của mình trong đống hồ sơ, thư từ, sách vở chất đầy, ngổn ngang có khi che lấp cả cuốn sổ điện thoại quý báu. Khoảng không gian sống động ấy tràn đầy hơi thở của lịch sử và thơ ca. Những bức tường nói với chúng tôi thật nhiều điều qua bức tranh đơn sơ “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, qua những bức ảnh đã ố vàng, những bức họa...

Chiếc ghế bành cũ được phủ bởi một tấm khăn thêu của dân tộc Thái, do người chị hằng yêu thương tặng... Quá khứ vẫn đang sống động với những nhân vật xuất phàm đã tác động mạnh, in sâu vào cuộc đời của Madeleine: Bác Hồ, họa sĩ Picasso, nhà văn kháng chiến Vercors, tình yêu của Nguyễn Đình Thi...

Chị Nga và Madeleine ngồi trên divan. Chị Nga trân trọng đọc cho Madeleine bức thư của người bạn Bùi Thị Mè vừa nhận được từ Việt Nam. Bức thư của “Năm Mè” được viết bằng tiếng Pháp tuyệt vời: “Ngày và đêm, tôi nghĩ đến chị, chị Tám... Làm sao quên được Madeleine với chiếc áo bà ba đen, chiếc khăn rằn quấn quanh cổ, đôi dép cao su nặng trịch!.. Chị đã 83 tuổi, đúng không? Còn tôi đã 88. Chúng ta đã già nhưng tinh thần và nghị lực thì không già... Chị còn có thể đi xa được không?… Hãy giữ gìn sức khỏe để có thể về VN một lần nữa với chúng tôi...”.

Chị Nga đọc tiếp một đoạn hồi ký của bà Bùi Thị Mè mà tôi đã dịch ra tiếng Pháp: Một đêm, địch bỏ bom trong khi chúng tôi đang ngủ. Còi báo động, tất cả chúng tôi nhào xuống hầm. Khi chúng tôi gọi tên chị, Madeleine trả lời: “Tôi đã ở dưới này rồi!”. Dứt tiếng bom, chúng tôi ra khỏi hầm và hỏi thăm Madeleine. Chị trả lời: “Không biết tại sao, nhưng vừa kịp giật mình, tôi đã ở dưới hầm. Phản xạ tự nhiên!” rồi chị vừa cười, vừa nói tiếp: “Chị Tám phản ứng cũng giỏi, đúng không?”.

Madeleine rất xúc động, mắt rực sáng. Chị lấy chiếc kính phóng đại gấp năm lần để đọc những dòng tôi đã đánh máy lại với khổ chữ to đùng. Madeleine vừa nghe, vừa chỉnh lại hoặc giải thích cho rõ hơn một vài chi tiết. Ngay lúc bấy giờ, chúng tôi đều hiểu rằng “đội quân tóc dài” đang thật sự hiện diện tại đây, đang ở cùng chị.

Trên chiếc bàn nhỏ, chị Nga đã bày ra những món quà của bà “Năm Mè” gửi từ Việt Nam, những sản phẩm do các cháu khuyết tật và trẻ mồ côi trong Hội Bảo vệ người tàn tật làm nên: bức tranh gỗ người mẹ đang cho con bú, em bé chăn trâu, bình hoa..., một khăn quàng cổ “để chị che cổ trong mùa đông”. “Tôi được cưng quá”, Madeleine chỉ biết nói đi nói lại mấy chữ này. Nhưng nỗi xúc động đã đến lúc cao nhất chưa? Bây giờ mới là cao trào, âm mưu của chúng tôi bây giờ mới được hé lộ qua sự sắp xếp của chị Nga.

nSLnOWVi.jpgPhóng to
Bên mộ bà Andrée Viollis: bà Madeleine Riffaud, bà Tố Nga (cựu phóng viên TTX Giải Phóng) và ông André Menras - người đã bị tù 2 năm vì treo cờ Mặt trận Giải phóng trên bức tượng trước trụ sở Hạ viện chính quyền Sài Gòn (nay là Nhà hát TP) năm 1970 - Ảnh: Nguyễn Ngọc Giao

3. Ở Việt Nam, những người bạn của Madeleine từ sớm hẳn đang chờ cạnh điện thoại. Bên ấy đã là 12 giờ khuya rồi. Nga gọi bằng chiếc điện thoại cầm tay của mình, tăng âm ở mức cao nhất. Đầu bên kia, bà “Năm Mè” trả lời, giọng lúc đầu có hơi run, nhưng dần bình tĩnh. Những trao đổi về tình hình sức khỏe, yêu thương... Và rồi bà Năm Mè đi vào nội dung nhạy cảm nhất:

- Chúng tôi muốn gặp chị tại TP.HCM.

- Tôi không biết tôi có thể đi được không… Tôi bắt buộc phải nằm khi đi máy bay do bệnh tim mạch nặng… Với lại, chị có biết không, tôi tuổi Tý - con chuột rừng. Phải qua khỏi năm Tý, qua tới năm Sửu mới tính được. Nhưng mà nếu như tôi đi được thì xin với một điều kiện: đi để chỉ gặp các bạn thôi. Không nghi lễ, không hình thức, không truyền hình, không họp báo. Tôi chỉ muốn được dạo TP.HCM như một khách du lịch bình thường, chủ động về giờ giấc, sống với bạn bè như trong gia đình.

Madeleine đã nói rõ ý mình trong ước muốn trở về Việt Nam.

Câu chuyện tiếp tục nhắc đến nhiều người bạn. Madeleine nói về cuộc đấu tranh hiện nay của chị, cuộc đấu tranh để “hồi sinh quá khứ” chống lại chất độc da cam cùng với người bạn Nguyễn Thị Bình của chị. “Phải chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”. Đành chấm dứt cuộc điện đàm với bà Năm Mè để nhường đường dây cho ông Dương Đình Thảo - ông ‘Sáu Thảo” mà chúng tôi dựng dậy trong giấc ngủ. Từ tận Paris, chúng tôi nghe tiếng gõ cửa, tiếng chó sủa, rồi giọng nói của ông Sáu Thảo, tràn ngập niềm vui: “Chị khỏe không? Chị vẫn đang chiến đấu đấy chứ?”.

Madeleine kể: “Mắt tôi không còn nhìn thấy gì nữa, bàn tay trái cũng không cử động được, nhưng tôi còn tiếng nói, giọng nói vẫn tốt. Và tôi sử dụng tối đa giọng nói của tôi cho cuộc chiến đấu hôm nay. Hiện tôi đang thực hiện bốn phim với các đài truyền hình Tây Ban Nha, Ý, Đức và Pháp. Một trong bốn phim đó là phim tài liệu lịch sử về Hồ Chí Minh intime (tạm dịch: Hồ Chí Minh trong vòng thân mật).

Tôi còn có thể trả lời các bạn trẻ, mang đến cho họ một chút hi vọng. Anh có biết không, tôi vừa được thư của Tổng thống Nicolas Sarkozy, báo quyết định của ông tặng tôi Huân chương Quốc công hạng nhất để “tưởng thưởng cho lòng tận tụy và quá trình lịch sử vẻ vang của bà”. Madeleine hóm hỉnh nói tiếp: “Có nghĩa là cuối cùng Nhà nước Pháp đã công nhận tính chất yêu nước trong hoạt động chống chủ nghĩa thực dân cùng với những cuộc chiến đấu chống phát xít giành tự do của tôi”.

Ông “Sáu Thảo” đã không ngần ngại trả lời: “Tốt lắm, nhưng sự tặng thưởng cao nhất dành cho chị là việc chị sống mãi trong trái tim của những người Pháp và những người Việt Nam yêu nước”. Cũng tha thiết như bà Năm Mè, ông Sáu Thảo nhắc đi nhắc lại lời mời Madeleine đến Việt Nam trước khi chào từ biệt.

Madeleine vô cùng phấn khích với những gì vừa sống qua, nhưng cũng đã đuối sức, quá mệt. Chúng tôi đành phải từ giã chị. Nhưng chị vẫn còn miên man kể về những kỷ niệm đã chôn chặt trong lòng. Cuối cùng, chị đề tặng lên những tập thơ chị viết từ thời trẻ cho các bạn Việt Nam, mà chị vừa tìm lại sau nhiều năm thất lạc.

Chúng tôi ôm hôn nhau. Tạm biệt chị Tám và hẹn sớm gặp lại. Tối hôm đó mưa vẫn rơi trên đường phố Paris, nhưng lần này những giọt mưa mang vị ngọt.

ANDRÉ MENRAS - TRẦN TỐ NGA dịch
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên