06/04/2018 14:05 GMT+7

Một ánh mắt cũng có thể gây ra bạo hành

TRƯƠNG BẢO CHÂU
TRƯƠNG BẢO CHÂU

TTO - Em bé bị cô giáo bắt uống nước giẻ lau bảng làm chúng ta đau xót quá, nhưng còn một chi tiết đau xót không kém chính là cô giáo không hề ý thức về hành động của mình cho tới khi bị phát giác và lên án.

Một ánh mắt cũng có thể gây ra bạo hành - Ảnh 1.

Sau khi bị phát giác việc bắt học sinh uống nước vắt từ giẻ lau bảng, cô giáo Hương đã bị buộc thôi việc - Ảnh: TIẾN THẮNG

Trao đổi với PV Tuổi Trẻ Online ngày 5-4ông Đặng Tăng Thông, trưởng phòng Giáo dục & đào tạo huyện An Dương, Hải Phòng cho biết bản thân cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương  không hề tự ý thức trước hành vi dạy trẻ sai trái của mình, chỉ đến khi bị "phát giác" thì mới nhận ra lỗi lầm và đến tận nhà học sinh xin lỗi.

Cho người khác uống nước từ giẻ lau bảng mà không thấy áy náy lỗi lầm gì trong một thời gian dài, thật sự không biết giải thích sự việc này bằng cách nào ngoài câu hỏi: đây có phải là biểu hiện rối loạn tâm sinh lý, không phân biệt được thiện ác đúng sai?

Trước đó, chúng ta có cô giáo Châu ở trường Long Thới, Nhà Bè, TP.HCM nhiều tháng liền không giảng bài, không giao tiếp bằng tiếng nói với học trò, cảm thấy cho HS chép bài đầy đủ là đủ, không hiểu "chiến tranh lạnh" có khi lạnh lẽo tàn nhẫn không thua gì quát tháo, trách mắng, không hiểu cách mình hành xử làm HS hoang mang, u uẩn khi tới lớp. 

Cho tới khi bị xem xét kỷ luật, cô giáo mới hứa sẽ giảng hòa với HS. Đó chẳng phải là một dạng "không biết mình sai" tương tự "vụ án" giẻ lau sao?   

Tôi nhớ năm mình học cấp hai được phân công làm lớp trưởng, cô giáo mới chuyển về trường đã gọi tôi đứng dậy vì để lớp ồn ào và mắng "lũ HS lớp này là lũ đầu trâu mặt ngựa". 

"Kỷ niệm" đó vô tình đã đi theo tôi suốt đời và tôi không chắc cô có nhận ra cô đã "ban tặng" cho những đứa trẻ như chúng tôi "món quà" gì không, và bao nhiêu đứa trong lớp tôi có ngày sẽ dùng chính cụm từ đó cho người thân quanh mình, là điều có thể xảy ra

Thông thường con người nếu biết mình sẽ sai, sẽ nhận hậu quả thì sẽ thấy sợ không làm (trừ những người quá máu lạnh bất chấp luật pháp). 

Còn người hành động mà cho đến khi cộng đồng thét lên sai rồi mới biết mình sai thì đáng lo quá không? 

Nếu quả vậy thì đang diễn ra sự rối loạn về nhận thức khái niệm dẫn đến rối loạn hành vi nghiêm trọng trong một môi trường đầy nhạy cảm như trường học và gia đình: Làm việc xấu mà không biết mình xấu. Bạo hành người khác mà không biết bạo hành. Bạo hành là những gì cũng không phân biệt được để tránh.  

Sự mơ hồ khái niệm về bạo hành này đã ăn sâu trong môi trường giáo dục, gia đình và theo đường con người lan tràn ra ngoài gây ảnh hưởng lên toàn xã hội, khiến tỉ lệ bạo hành tại Việt Nam tăng lên mà trẻ em, phụ nữ, người nghèo… là những nạn nhân trực tiếp. 

Gần 70% trẻ em VN bị bạo hành là cảnh báo của UNICEF. Con số lớn là thế nhưng chúng ta hành động vẫn còn quá mơ hồ. Xử lý từng vụ việc cụ thể, lắm khi còn xử lý trí trá, cho qua thì không nhờ vậy mà bạo hành giảm bớt. Có ngày chúng ta vẫn cứ khóc vì xót thương. 

Các thầy cô giáo phải thực sự được học, học thật nhiều, học mãi mãi về khái niệm bạo hành và những giải pháp cần tránh nó. 

Tổ chức y tế thế giới nói rất rõ rằng bạo hành không chỉ là cái chết, thương tích và tàn tật, nó còn là những thứ dẫn đến đến stress làm suy yếu sự phát triển của não và làm hỏng hệ thần kinh và hệ miễn dịch làm  chậm phát triển, ảnh hưởng hiệu quả học tập của học sinh nghèo, ảnh hưởng sức khoẻ tâm thần, các nỗ lực tự tử… 

Một ánh mắt cũng có thể gây ra bạo hành, nhưng một ánh mắt cũng có thể là yêu thương khuyến khích. Người lớn chọn ánh mắt thế nào cũng cần phải học, và khi chúng ta chọn ánh mắt nào thì đứa trẻ sẽ lưu lại ánh mắt đó đến mai sau. 

Chúng ta cũng thường nói thôi hỏng hết cả thế hệ rồi không còn hy vọng. Không hẳn là như thế. 

Chỉ khi trẻ được đối xử tử tế, ít tổn thương thì những thế hệ đi ra khỏi học đường mới gieo vào xã hội những mầm yêu thương, tử tế lớn dần, rồi từ đó mới có một xã hội nhiều dần những điều tử tế. Chúng ta cũng phải tin vào điều đó. 

Giáo trình về bạo hành và cách chống bạo hành cho thầy cô giáo, tại sao không? Nhưng thực ra đó chỉ là một cách nói khác. Thầy giáo hay cha mẹ chúng ta học về bạo hành, cũng chính là học bài bản về giáo dục yêu thương. 

Yêu thương cũng phải có cách cụ thể, chứ không phải nói chung chung sáo rỗng là thành yêu thương thực sự. Cần những hành động khẩn cấp từ Bộ Giáo dục - Đào tạo cho thực trạng bạo hành học sinh. 

Cô phạt trò uống nước vắt giẻ lau, Bộ GD-ĐT nói gì? Cô phạt trò uống nước vắt giẻ lau, Bộ GD-ĐT nói gì?

TTO - Cô giáo lên lớp nhưng không giảng bài, cô phạt trò uống nước vắt từ giẻ lau bảng... khiến dư luận bàng hoàng tự hỏi chuyện gì đang xảy ra trong nhà trường.

TRƯƠNG BẢO CHÂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên