![]() |
Monorail trên cao ở Úc |
Phát biểu tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Đua cho biết TP đang tìm các giải pháp tổng thể để giải quyết vấn đề giao thông công công vì vận tải hành khách công cộng còn rất khiêm tốn - chỉ mới đáp ứng 5% nhu cầu đi lại của người dân. Do đó cần có nhiều giải pháp đồng bộ như các tuyến metro, monorail...
Theo đại diện của tập đoàn Nhật, VN sẽ khó thực hiện đầu tư xây dựng tuyến monorail nếu vay vốn ngân hàng thương mại vì lãi suất cao và thời gian trả nợ ngắn. Việc vay vốn bằng đồng yen - do Chính phủ Nhật tài trợ - sẽ có lãi suất thấp, thời gian trả nợ kéo dài đến 30 năm, trong đó có 10 năm ân hạn thì VN có nhiều thuận lợi về đầu tư xây dựng.
Ước tính kinh phí đầu tư monorail ở TP.HCM là 30 triệu USD/km (chỉ bằng 2/3 so với đầu tư metro), nếu được vay vốn ODA Nhật đầu tư 20km monorail ở TP.HCM thì vốn đầu tư sẽ là 51 tỉ yen, sau 30 năm VN sẽ trả nợ là 56 tỉ yen.
Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật cho biết đã quyết định tài trợ toàn bộ kinh phí lập dự án xây dựng monorail ở TP.HCM. Theo đó, trong tháng 8-2004 các chuyên gia Nhật đến VN bắt tay vào lập dự án, sẽ hoàn thành vào tháng 2-2005 và đồng thời vận động Chính phủ Nhật cho VN vay vốn ODA để đầu tư xây dựng tuyến đường sắt này. Phía Nhật cho biết VN và Nhật phải làm việc một cách nỗ lực thì mới rút ngắn được tiến độ lập kế hoạch trong hai năm.
Khó khăn nhất trong việc xây dựng monorail là phải tìm hiểu hệ thống nền móng đường, kiểm tra độ nén đất, giải quyết hệ thống các công trình ngầm. Theo các tập đoàn Nhật, so với xây dựng metro thì việc quản lý, bảo dưỡng monorail không tốn nhiều kinh phí, nhưng việc đào tạo người lái tàu tương đối nghiêm ngặt - mất hơn hai năm rưỡi.
Trả lời nhiều câu hỏi về tình hình ở một số nước lân cận có monorail nhưng giá vé cao người ta không đi, ông Hideo Inoue - giám đốc dự án monorail quốc tế, Tập đoàn Hitachi - cho biết ở một số nước lân cận như Indonesia hai đơn vị tư nhân đầu tư không hiệu quả phải phá sản, sau đó phải chuyển qua Chính phủ quản lý.
Còn ở Thái Lan tư nhân đầu tư tuyến monorail dự kiến có 6.000 người đi/giờ, nhưng thực tế chỉ có 2.000 người đi nên chính phủ phải bù lỗ. Do đó, việc đầu tư xây dựng monorail từ vốn vay ODA Nhật với lãi suất thấp thì mới có thể đầu tư xây dựng tuyến đường sắt này.
Về việc lựa chọn đầu tư xây dựng lọai monorail nào (có ba loại: loại đi trên mặt đất, loại đi trên ray trên cao, loại đi dưới ray) và liệu có thực hiện được dự án này sau hai năm lập kế hoạch? Đại diện tập đoàn Nhật cho biết việc xây dựng đường ray trên mặt đất sẽ phát sinh nhiều vấn đề về đền bù giải tỏa, kinh phí đầu tư sẽ tăng cao, vì vậy cấp thẩm quyền TP.HCM cần có quyết định cụ thể về phương án đầu tư.
Về việc xây dựng tuyến monorail TP.HCM, ông Lê Hồng Hà - phó trưởng ban chuẩn bị đường sắt nội đô TP.HCM - cho biết dự kiến tuyến monorail xây dựng từ công viên phần mềm Quang Trung - nơi sẽ có hai vạn lao động - hướng về Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Thạnh về trung tâm TP.HCM. Đây là một trong những tuyến đường sắt nội đô đã được TP.HCM qui hoạch và tuyến monorail này cũng sẽ được nối kết với các tuyến xe buýt, tuyến metro.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận