03/02/2021 11:00 GMT+7

Mong ước về nhà ngày Tết của người đàn ông hơn 20 năm bán vé số

T.D.V
T.D.V

Hơn 20 năm buôn bán vé số tại Sài Gòn, với anh Lê Huy Rát (38 tuổi), mỗi ngày đều là những cuộc chạy đua nhằm giúp anh kiếm tiền, giữ lại mạng sống cho người vợ trước căn bệnh ung thư.

Mong ước về nhà ngày Tết của người đàn ông hơn 20 năm bán vé số - Ảnh 1.

"Lúc đó, mình đau khổ lắm, vì ở nhà mình thương nó nhất! Sang năm, mình đăng ký đi nghĩa vụ quân sự thì bố mẹ cũng ly hôn. Trở về quê chỉ còn một mình sống trong cái chòi lá" - Rát kể lại.

Lê Huy Rát bỏ mảnh đất Tây Hòa (tỉnh Phú Yên) vào Sài Gòn vào giữa học kỳ năm lớp 8. Khi ấy, một đêm, bố mẹ Rát bảo: "Giờ nhà không còn tiền, ba má chỉ lo được một trong hai đứa đi học".

Rát đành nuốt nước mắt, nhường lại con đường tìm chữ cho cô em gái với lời dặn: "Ráng cố gắng thay phần anh!".

Thế mà, ngày em gái bắt đầu kỳ thi tuyển sinh đại học, anh đón nhận tin em mất trong một vụ tai nạn giao thông. Rát khóc thành tiếng.

"Lúc đó, mình đau khổ lắm, vì ở nhà mình thương nó nhất! Sang năm, mình đăng ký đi nghĩa vụ quân sự thì bố mẹ cũng ly hôn. Trở về quê chỉ còn một mình sống trong cái chòi lá" - Rát kể lại.

Khi đó, Rát bỏ đi biền biệt vào Sài Gòn bán vé số, anh chính thức thành người "mồ côi" ở tuổi 20! Cho đến năm Rát quen được cô gái cạnh nhà, tên Kiểng, nhỏ hơn 2 anh tuổi. Cô gái trẻ hành nghề may vá không những không chê Rát nghèo, gia đình nhiều biến cố, mà ngày ngày còn phụ giúp anh mua vé số. Đó như một sự đáp đền cho những năm tháng khổ cực của đời Rát.

Song, đến ngày Rát ngỏ lời câu hôn, Kiểng lại từ chối. Chị đột ngột mắc căn bệnh ung thư vòm mũi, nó như một án treo tử thần trước mặt khiến Kiểng mặc cảm không dám bước vào cuộc hôn nhân với chàng trai nghèo.

"Nghe xong chuyện của cô ấy mình lại càng thương mới bảo: "Có duyên có phận giờ thì chấp nhận thôi". Cuối cùng năm sau cũng làm được vài mâm cơm, có hai bên gia đình chứng kiến. Đó là ngày đầu tiên mình cảm thấy vui đến như vậy".

Vừa lấy vợ xong, Rát đã cầm hết số hồi môn 2 bên gia đình, dắt vợ xuống Bệnh viện TP Quy Nhơn chạy chữa. Đợt đó, bác sĩ nhìn Kiểng, lắc đầu: "Về nhà, ăn uống gì đó rồi nghỉ ngơi nghen", hai vợ chồng anh chỉ biết ôm nhau khóc.

Anh không từ bỏ cơ hội nên vào Sài Gòn thì dắt cô ấy theo. Kiểng nằm Bệnh viện Ung bướu, anh sáng đi bán, trưa chạy vào lo cơm nước, chiều đi bán, tối nằm ngủ ở hành lang bệnh viện. Ngày nào cũng phải cố gắng bán 300 nghìn đồng mới dám nghỉ ngơi. Vì đó là toàn bộ số tiền chạy hóa trị cho cô ấy…

3 năm sau, tin mừng đầu tiên cũng đến khi khối u trong người Kiểng bắt đầu thuyên giảm. Kiểng nhất nhất muốn ở lại Sài Gòn, cùng chồng đi bán vé số. Thế nhưng, hai lần chị té xỉu ngoài đường, Rát buộc đưa chị về quê.

Ngần ấy năm điều trị hóa chất, Kiểng được thông báo khó có thể mang thai. Thế nhưng, 2 vợ chồng Rát chưa một ngày từ bỏ. Tiền làm lụng, tằn tiện bao nhiêu năm, Rát đưa vợ vào Bệnh viện Từ Dũ tiếp tục tìm con. Mãi đến năm 2019, cả hai mới đón được tin mừng khi có tim thai hơn 2 tháng tuổi.

Thế nhưng, hạnh phúc chẳng tày gang, sau một lần thăm khám, bác sĩ lại tiếp tục thông báo: "Cháu bé không còn tim thai, thai lưu, bắt buộc phải bỏ để giữ sức khoẻ người mẹ…". Kiểng òa lên nức nở.

"Hôm đó, câu nói bác sĩ làm cho mình nhớ về cái ngày mình mất em gái, mình mất cả gia đình. Đau đớn lắm! Thấy vợ khóc vẫn gắng nói: "Thôi, tới đâu hay tới đó", nhưng tới lúc vào toilet thì nước mắt cứ trào ra đến mức mình phải gào lên…".

Mong ước về nhà ngày Tết của người đàn ông hơn 20 năm bán vé số - Ảnh 2.

Ngần ấy năm ở lại Sài Gòn bán vé số, hai vợ chồng Rát phải sống cách biệt nhau. Mỗi năm, dịp Tết về, sợ vợ thiếu vắng hơi trẻ con sẽ buồn, Rát luôn về quê sớm.

Chỉ duy có năm 2016 vì bán buôn ế ẩm, anh ở lại Sài Gòn. Đêm 30, Rát dằn túi đúng 3 triệu gửi về cho vợ. Nghe tin, Kiểng khóc qua điện thoại: "Em đâu cần tiền, em cần anh về với em mà…".

Hôm đó, Rát nằm một mình trong căn nhà tập thể, nước mắt lưng tròng. Bên ngoài, pháo hoa nở đì đùng trên bến sông Sài Gòn.

Mấy năm sau cứ đúng 23 tháng chạp, Rát lại thu xếp đồ đạc để về quê. Nghe chương trình thiện nguyện "Chuyến xe đoàn viên" do Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) tổ chức để đưa những người khó khăn sinh sống tại TP.HCM trở về quê ăn Tết, Rát mừng lắm!

Mong ước về nhà ngày Tết của người đàn ông hơn 20 năm bán vé số - Ảnh 3.

Chương trình thiện nguyện "Chuyến xe đoàn viên" do Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) tổ chức.

Đầu tháng chạp, anh đã ngồi tỉ mẩn ghi danh sách tên từng người già bán vé số trong nhà tập thể, đạp xe đạp đi gửi giấy đăng ký mà lòng vui như Tết.

"Vé xe ngày Tết tăng cao lắm, mỗi người muốn về quê cũng mất hơn triệu đồng. Năm vừa rồi đi chuyến xe của Vietlott bà con đều tiết kiệm tiền, không những thế mà còn nhận quà cùng chiếc lì xì. Mong sao, mọi năm chuyến xe này luôn đồng hành để hỗ trợ những người nghèo như anh em vé số thì còn gì bằng…".

Nói xong, Rát ngồi tỉ mẩn sửa soạn lại mớ bánh kẹo, bao gạo… trong chiếc thùng các-tông cũ. Anh đang đợi đến đêm 23 tháng chạp.

Hôm ấy, trên chuyến xe đoàn viên, anh sẽ được trở về nhà, nơi Kiểng vẫn đang đợi một người chồng!

T.D.V
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên