30/01/2011 06:24 GMT+7

Mong một chữ "Liêm"

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TT - Những bức thư pháp được nhiều người “xin chữ” dịp xuân về treo trong nhà phần nào nói lên tâm nguyện của gia chủ.

Một người bạn vong niên của người viết, trong chén rượu đầu xuân hay nhắc về những chữ mình đã phóng bút tặng thiên hạ, cứ băn khoăn: “Bây giờ người ta xin chữ Lộc, chữ Phúc, chữ Tâm hay Nhẫn... mà thiếu mấy chữ Trung, Dũng, riêng chữ Liêm càng ít người xin. Trong khi ngày xưa, người làm quan, chữ Liêm luôn được treo trang trọng trong nhà để răn nhắc”. Trong Hán tự, chữ “Liêm” gồm bộ “nghiễm” (yểm) là mái nhà và chữ “kiêm” là bao gồm, tập hợp (hội tụ những đức tốt). Đạo làm quan quý nhất là chữ liêm.

Mà dẫu không làm quan, chữ liêm vẫn phải nằm lòng, câu tục ngữ “Đói cho sạch, rách cho thơm” của người xưa dường như vẫn vẹn nguyên giá trị cho dù bây giờ cuộc sống đã bớt đi chuyện đói rách.

Trong bài viết về “cần kiệm liêm chính”, phần viết về “liêm”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: “Do bất liêm mà đi đến tội ác trộm cắp. Công khai hay bí mật, trực tiếp hay gián tiếp, bất liêm tức là trộm cắp. Cụ Khổng Tử nói: “Người mà không liêm, không bằng súc vật”. Cụ Mạnh Tử nói: “Ai cũng tham lợi thì nước sẽ nguy”.

Để thực hiện chữ liêm, cần có tuyên truyền và kiểm soát, giáo dục và pháp luật, từ trên xuống, từ dưới lên trên. Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”. Vì vậy, cán bộ phải thực hành chữ liêm trước để làm kiểu mẫu cho dân. Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”. (Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2002, tập 5, tr.641)

Sau hơn nửa thế kỷ, những nhắc nhở, huấn thị của Người vẫn còn trọn vẹn tính thời sự. Nhất là những dịp xuân về tết đến như thế này, chữ liêm càng cụ thể hơn trong hành xử của người cán bộ. Chuyện phong bao, rượu ngoại biếu xén quà cáp thật ra chỉ là chuyện rất nhỏ so với những cú “lại quả”, chạy dự án...mà bao nhiêu năm nay báo chí từng phanh phui.

Gửi một chữ “Liêm” cho những “công bộc - cán bộ” của dân trong ngày xuân như một niềm hi vọng, dù rằng con người ta không có ai chỉ treo một bức thư pháp chữ “Liêm” trong nhà mà thành ra trong sạch!

Nhưng tưởng cũng nên nhớ rằng ngày xưa, gian khó cơ cực đến bao nhiêu, người dân vẫn hết lòng tin vào cán bộ, vào lý tưởng cách mạng bởi vì dân thấy rõ chữ liêm hiển hiện ra trong hành động, trong đời sống tận tụy của người cán bộ ấy, gần gũi như thế nên dân hết lòng cưu mang, đùm bọc. Bây giờ không ai nhận mình “bất liêm” nhưng cứ nhìn vào thu nhập của một số vị và cuộc sống vật chất mà họ đang thụ hưởng, hẳn nhiên, dù một người dân bàng quan đến đâu cũng không thể không tự hỏi: vị quan ấy có liêm không?

Và khi người dân còn đặt câu hỏi như vậy với cán bộ thì lời răn dạy của Hồ Chủ tịch càng thấm thía hơn bao giờ hết. Đất nước sống trong hòa bình, chữ liêm phải là đạo trước của người làm quan, bởi thế, trước thềm xuân chỉ mong một chữ “Liêm” như thế, mong lắm thay!

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên