![]() |
Nhiều khoa ở Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) luôn quá tải. Trong ảnh: bệnh nhi khoa tiêu hóa phải nằm ngoài sân (ảnh chụp chiều 4-1) - Ảnh: HOÀNG THẠCH VÂN |
Trong đó, Viện Tim mạch VN (trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế), tình trạng quá tải bộc lộ rõ nhất. Tại đây, quanh năm luôn chật kín người bệnh và thân nhân người bệnh. Tại khu C5, những ngày cuối tháng 12-2009 mỗi giường bệnh thường có 4-5 người nằm, thậm chí có giường lên tới 6-7 người cùng được phân vào nằm. Người nào “khỏe” hơn thì đêm xuống nằm dưới sàn nhà, ưu tiên người bệnh nặng nằm trở đầu chân... bốn người một giường.
Do quá tải như vậy nên hằng đêm trên các lối đi và sân vườn xung quanh viện đều có người nằm ngủ. Không chỉ người đi chăm sóc người bệnh nằm, ngay cả bản thân người bệnh đã vào viện cũng phải tìm một chỗ nằm ngoài hành lang qua đêm vì giường quá chật. Mùa hè nắng nóng nằm vậy còn đỡ, chứ mùa đông giá rét, mưa phùn mà nằm ở hành lang bệnh viện như vậy thì quá khổ. Nhiều người bệnh buồn rầu bảo nhau: “Có bệnh mà vào viện nằm như vậy nhiều khi bệnh... nặng thêm”.
Là bệnh nhân từng trải qua cảnh nằm vật vạ ngoài hành lang bệnh viện hoặc nằm chung 3-4 người một giường, tôi mong ước các bệnh viện sẽ có nhiều giường hơn để mỗi người được nằm một giường riêng.
* Tôi ước các phụ huynh được hướng dẫn chăm sóc, nuôi dạy con từ khi mang thai một cách khoa học để trẻ em ít bệnh tật hơn. Nhiều năm làm ở khoa nhi, tôi thấy khá nhiều trẻ em bị điếc bẩm sinh mà nguyên nhân do các bà mẹ sử dụng thuốc tùy tiện, không có sự hướng dẫn của bác sĩ trong lúc thai kỳ. Trẻ không nghe được, lại không nói được rất tội nghiệp. Gần đây Bệnh viện Tai mũi họng TP.HCM dùng phương pháp cấy điện ốc tai để chữa trị, có hiệu quả cao nhưng rất tốn kém. Nhiều gia đình phải bán cả ruộng vườn - phương tiện làm ăn sinh sống - để lấy tiền chữa trị cho con.
Tôi cũng mong các bệnh viện công được đầu tư nhiều hơn để bệnh viện rộng rãi, thoáng mát, không còn cảnh 2-3 bệnh nhân nằm chung một giường, không còn cảnh quá tải tại các phòng khám. Người bệnh, nhất là các bệnh nhi, đi khám mà phải chờ đợi cả buổi mới tới lượt mình thì tội nghiệp quá!
* Lần đầu tiên đưa con lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) trị bệnh tôi không ngờ hai mẹ con phải ra hành lang nằm. Ở đây mấy ngày tôi thấy có được một chỗ nằm tại hành lang đã là quý, vì có những hôm ngay cả hành lang cũng không còn chỗ. Năm ngày con tôi điều trị tại khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 là trọn năm đêm mẹ con tôi cùng bồng bế nhau ra hành lang nằm. Đêm xuống gió thổi lộng người lớn như tôi còn lạnh, trong khi con tôi mới 15 tháng tuổi đang mắc bệnh viêm phổi mà phải ngủ ngoài hành lang, thật xót xa. Nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác vì một giường bệnh ghép tới 4-5 trẻ, để ngủ trên giường con cũng không ngủ được và còn ảnh hưởng đến những cháu bệnh nặng khác...
Ở tuyến dưới nằm điều trị thoải mái hơn nhiều nhưng con tôi chữa trị nửa tháng ở đó mà vẫn không hết bệnh nên tôi mới tự chuyển con lên đây. Giờ con tôi đã đỡ bệnh hơn nhiều. Tôi chỉ mong sao có thêm giường bệnh để những cháu bé như con tôi không phải nằm hành lang nữa.
Nhìn những cháu bé đang mắc bệnh mà phải nằm điều trị ở hành lang bệnh viện, tôi - một bác sĩ - cảm thấy rất đau lòng. Gia đình nào có con phải nhập viện là đã phải chịu nỗi cực nhọc về thể chất lẫn tinh thần. Thế mà lại thêm nơi điều trị quá tải, không có chỗ nằm, làm bệnh nhi và gia đình thêm cực nhọc hơn. Đó là chưa kể về chuyên môn tình trạng quá tải còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng trong bệnh viện. Hiểu vậy, biết vậy và nhiều năm nay bệnh viện đã có nhiều biện pháp để giảm tải như sàng lọc kỹ bệnh nhân nhập viện, tăng cường điều trị ngoại trú cho bệnh nhân nội trú (ban ngày nằm điều trị, ban đêm có thể cho về nhà), đặt một số nôi vào phòng cấp cứu để trẻ sơ sinh không phải nằm ghép... nhưng số bệnh nhi nhập viện ở khoa cứ tăng hằng năm. Ba, bốn năm trước khi số bệnh nhi nằm điều trị trong khoa lên đến 170-180 trẻ/ngày, bệnh viện đã lo lắng vì tình trạng quá tải. Vậy mà giờ đây lúc cao điểm nhất đã lên tới 368 bệnh nhi nằm điều trị/ngày trong khi khoa chỉ có vẻn vẹn 90 giường bệnh. Là bác sĩ trưởng khoa một khoa bệnh luôn quá tải trầm trọng trong nhiều năm trời, tôi luôn mong các tuyến phường xã, quận huyện hoạt động tốt hơn để thu hút bệnh nhân. Được như vậy bệnh nhi không phải đi quá xa và bệnh viện tuyến trên sẽ không bị quá tải. Khi đó, chúng tôi mới có thời gian tập trung điều trị những bệnh thật sự khó, vượt quá khả năng chuyên môn của tuyến dưới và chúng tôi có thời gian nghiên cứu những vấn đề chuyên sâu hơn. |
====================================================================
Ý kiến của bạn về vấn đề này ra sao? Hãy chia sẻ với bạn đọc Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ email tto@tuoitre.com.vn hoặc trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây. Cảm ơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận