![]() |
Học sinh lớp 12A4 Trường THPT Nguyễn An Ninh (TP.HCM) được cán bộ phòng học vụ hướng dẫn ghi hồ sơ đăng ký dự thi đại học 2011. Các môn thi tốt nghiệp THPT năm nay được cho là có lợi cho học sinh thi đại học - Ảnh: NHƯ HÙNG |
* Cô Võ Thị Thu Hà (giáo viên địa lý Trường THPT Trần Phú, Hà Nội):
Thuận lợi cho trường
Đúng là năm thứ ba liên tiếp thi địa lý cũng khiến nhiều học sinh bất ngờ nhưng chúng tôi đã được ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo không được chủ quan. Ngay sau khi Bộ GD-ĐT công bố môn thi tốt nghiệp THPT năm nay, tổ địa lý của trường đã chỉnh sửa, bổ sung đề cương ôn tập môn địa lý năm trước để phát đến tay từng học sinh. Ngoài ba môn bắt buộc biết trước, có lẽ môn địa lý là môn có đề cương ôn tập đến tay học sinh sớm nhất. Tôi nghĩ bất ngờ nhưng việc ba năm liên tiếp thi địa lý cũng là một thuận lợi cho các trường trong việc tổ chức ôn tập cho học sinh. Những vấn đề bất ổn trong việc thi môn địa lý từ các kỳ thi trước có thể được rút kinh nghiệm ngay cho học sinh.
* Thầy Nguyễn Tùng Lâm (hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội):
Bất ngờ nhưng không chủ quan
Trường Đinh Tiên Hoàng là một trong những trường tổ chức ôn thi tốt nghiệp cho học sinh rất sớm, nhưng chúng tôi không định hướng cho học sinh ôn tập theo phán đoán môn thi vì như thế quá nguy hiểm. Ngoài ba môn thi được biết trước, các môn còn lại trong danh sách các môn có thể sẽ thi, chúng tôi đều chỉ đạo các tổ chuyên môn phải dạy đủ kiến thức, đảm bảo chất lượng. Ban giám hiệu nhà trường cũng yêu cầu giáo viên chủ nhiệm nhắc nhở học sinh không được sao nhãng bất cứ môn học nào trong số các môn trên cho tới khi Bộ GD-ĐT công bố môn thi.
* Bà Nguyễn Thanh Uyên (phụ huynh của học sinh lớp 12 Trường THPT Thăng Long, Hà Nội):
Lợi thế môn địa lý
Khi biết tin công bố môn thi, con tôi đã gọi điện thông báo với mẹ là thi địa, không thi sử. Dù rất bất ngờ, nhưng tôi cũng nghĩ là may mắn, vì con tôi rất sợ môn sử. Thi địa lý không phải học thuộc nhiều. Ngoài ra, trong đề thi có câu hỏi được sử dụng Atlat địa lý rất thuận lợi cho thí sinh. Tôi để ý nhiều năm nay việc có nhiều môn đã thi năm trước, vẫn thi tiếp năm sau. Môn lịch sử là môn được dư luận cho rằng nên quan tâm để học sinh biết sử VN, vì thế không riêng tôi, nhiều phụ huynh đều nghĩ nhiều khả năng sẽ thi sử. Từ học kỳ 2, lúc nào tôi cũng chỉ nhắc con chú ý đến môn sử, vì sợ sau khi công bố môn thi mới ôn thì không kịp, nhưng may mà thi địa lý.
* Nguyễn Thu Hoài (học sinh Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội):
Thở phào nhẹ nhõm
Cả lớp em reo lên phấn khởi, có bạn thở phào nhẹ nhõm khi nghe cô chủ nhiệm thông báo trong số các môn thi có địa lý nhưng không có lịch sử. Nỗi lo sợ của chúng em là môn sử chứ không phải địa lý. Vì vậy, mặc dù nhiều bạn không nghĩ môn địa lý lại tiếp tục thi trong năm nay và cũng chưa khởi động việc ôn tập nhưng đa số đều thấy thoải mái vì môn địa lý không phải học thuộc, ghi nhớ sự kiện, ngày tháng. Nhiều kiến thức môn địa lý cũng khiến chúng em thấy thú vị, gần gũi với thực tiễn.
* Cô Trần Thị Thái (tổ trưởng tổ địa lý Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM):
Có lợi cho học sinh
Nhiều học sinh dự đoán năm nay thi môn lịch sử nên khi giáo viên đến từng lớp thông báo sáu môn thi thì các em đều ồ lên vì bất ngờ. Tuy nhiên, giáo viên trong trường đã chuẩn bị tâm lý từ đầu năm là ôn tập đều tất cả các môn, không dự đoán môn thi nên không có chuyện ôn lệch. Năm nay, điều khá hay là bốn khối thi A, B, C, D đều có “đại diện” hai môn nằm trong các môn thi tốt nghiệp, điều này rất hợp lý và có lợi cho học sinh khi vừa ôn thi tốt nghiệp vừa ôn thi đại học. Với các môn thi này, về cơ bản sẽ nhẹ hơn năm ngoái vì có cả sử lẫn địa lý nhưng nhiều em cũng lo lắng vì có thêm môn sinh học.
* Thầy Lê Văn Anh (hiệu trưởng Trường THPT Tây Thạnh, TP.HCM):
Nhẹ nhàng hơn
Khi biết năm nay thi địa lý và sinh học thì cả học sinh và giáo viên đều bất ngờ nhưng cũng vui mừng và cảm thấy áp lực sẽ nhẹ nhàng hơn so với năm ngoái. Ngay từ đầu năm nhà trường đã dạy đều các môn, tập trung cho ba môn văn, toán và ngoại ngữ nên đến nay giáo viên không quá lo lắng. Trước mắt, nhà trường sẽ hoàn tất các môn không thi tốt nghiệp để qua tháng 4 tập trung ôn luyện cho các em. Song song với các hoạt động học trái buổi, tăng tiết, trường sẽ họp phụ huynh để đề xuất phụ huynh phối hợp phụ đạo, dò bài cho các em.
Tập trung phụ đạo cho học sinh yếu Bộ GD-ĐT vừa có hướng dẫn ôn tập thi tốt nghiệp THPT năm 2011, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm trong việc phân nhóm học sinh theo khả năng nhận thức, tập trung ôn tập nhiều hơn cho học sinh có học lực yếu. Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường chú ý nhiều đến việc tổ chức ôn tập theo chủ đề, bám sát kiến thức, kỹ năng cơ bản của bậc THPT, chủ yếu là lớp 12. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận