Phóng to |
Các nhà sách tại phố Đinh Lễ (Hà Nội) thi nhau giảm giá - Ảnh: Việt Dũng |
Sách lậu vừa xấu hơn, lại vừa mất công... lậu, nên đầu nậu chuyên in lậu đã đóng thùng 1.500 cuốn vừa in lậu mang đến kho sách của Bách Việt để... xin thua. Ông Lê Thanh Huy, giám đốc Bách Việt, cũng tỏ ta “biết mình biết người”, “lại quả” cho nhà sách kia một phần tiền công in với lời cảnh báo: “Lần sau chừa sách của tôi ra nhé!”... Nhưng cuộc chiến với sách lậu chưa thể kết thúc, đúng hơn, nó chỉ mới bắt đầu.
Sức mạnh của... lậu
Ai cũng biết trên thị trường sách VN, sách lậu chủ yếu xuất phát từ các địa điểm in và phát hành lậu ở Hà Nội. Chậm nhất là một tuần, có khi chỉ sau hai ngày, những cuốn sách được “ngửi” thấy mùi bán chạy đã có thể bị làm lậu. Hiện tại, các bản sách lậu xuất hiện nhiều nhất trên thị trường là: Pháo đài số, Rừng Na Uy, Bảy ngày cho mãi mãi, Phía nam biên giới, phía tây mặt trời... Có chủ nhà sách đã phát khóc khi chứng kiến cuốn sách đẹp đẽ công phu của mình mới ra được ba ngày đã bị “luộc” trắng trợn với chất lượng một 8 một 10, giá thành chỉ...10.000 đồng, so với bản thứ thiệt 50.000 đồng. Các nhà sách Trí Việt, Nhã Nam, Kiến Thức, Bách Việt, Tân Việt, Đông A... không dưới hàng chục lần vừa viết đơn, vừa điện thoại, vừa đến gặp trực tiếp các cơ quan an ninh văn hóa và cảnh sát kinh tế để khiếu nại, thậm chí tố cáo đích danh các nhà sách và nhà in in lậu sách của mình. Nhưng kết quả vẫn chỉ là kiểm tra, nhắc nhở và... việc ai nấy làm.
Vì thế, các nhà sách chỉ còn mỗi cách tự cứu lấy mình. Và rất nhiều “thủ pháp nghề nghiệp” đã được áp dụng.
Những người tự cứu
Bách Việt là nhà sách đầu tiên ở Hà Nội áp dụng chiêu giảm giá sát ván. Mới đây nhất, NXB Văn Hóa - Thông Tin cũng đã quyết định tuyên chiến với sách lậu bằng việc tái bản bộ tác phẩm của tác giả Dan Brown gồm: Pháo đài số, Điểm dối lừa và Thiên thần và ác quỉ. Thay vì bìa cứng như trước đây, bộ sách tái bản đợt này được in dưới dạng bìa mềm, khổ 14,5 x 20,5cm và bán với giá rẻ chỉ bằng nửa giá cũ (trên dưới 50.000 đồng/cuốn). Trong lần tái bản này, NXB Văn Hóa - Thông Tin muốn khuyến khích độc giả đọc sách thật.
Là một kỹ sư kinh tế, giám đốc Bách Việt phân tích: “Tôi dám chạy đua giảm giá với sách lậu vì khi tôi chấp nhận làm sách hòa vốn có nghĩa là người làm lậu sẽ bị lỗ vốn: in lậu chi phí phải cao hơn in chính thống vì thường in ban đêm, ngoài kế hoạch chính thức lại còn hàng trăm khoản “đi đêm” phải chi. Cùng một giá thành, các nhà phân phối sẽ thích lấy sách của tôi hơn, vì bản in đẹp hơn, tâm lý người bán cũng thoải mái hơn”.
Nhà sách Văn Lang cũng đã chọn phương sách giảm giá này khi cuốn sách Làm giàu qua chứng khoán của họ bị in lậu. Ngay lập tức họ giảm giá bán xuống còn đúng một nửa.
Bà Kim Thoa, phó giám đốc nhà sách Tân Việt, thì chọn cách khác: “Tôi in sách bìa mềm, khổ nhỏ, giá thành thấp, và quan trọng là phải bán được quyền độc quyền phát hành cho một nhà phân phối lớn để phát hành đồng loạt trên toàn quốc. Khối lượng lớn sách được tung ra thị trường cùng lúc tại tất cả các siêu thị và hiệu sách sẽ khiến dân làm sách lậu trở tay không kịp. Đến khi họ kịp ra bản lậu thì thị trường đã bão hòa”. Người tù bé nhỏ - cuốn sách được bán độc quyền phát hành cho Fahasa và tạo một cơn sốt nhỏ trong hai tháng 4 và 5-2007 - chính là nằm trong chiến lược đó của Tân Việt.
Và cuộc chạy đua với... bóng tối
Đó là trường hợp của Nhã Nam. Bạn đọc chung thủy với sách đều biết sách Nhã Nam làm vào loại công phu nhất trên thị trường sách hiện nay: bìa được thiết kế riêng, từng phần nhỏ hoặc thậm chí từng trang đều có minh họa, trong các truyện thiếu nhi, một trang có khi phải in hai lần vì có nhiều phông chữ và nhiều màu. Ngoài ra, Nhã Nam cũng được tiếng về việc trả thù lao cho dịch giả cao và không in nối bản sách. “Với chừng ấy yếu tố đặc thù, chúng tôi đã cố hết sức để giảm giá thành nhưng có lẽ không thể giảm hơn được nữa - ông Vũ Hoàng Giang, phó giám đốc Nhã Nam, mệt mỏi - Ở ngoài sáng mà cứ phải chạy đua với kẻ trong bóng tối thì lắm khi cũng thấy... tuyệt vọng. Theo tôi, muốn hạn chế sách lậu vẫn cần sự ra tay của cơ quan công an. Ra tay thật sự chứ không phải đi kiểm tra theo kiểu: Ở đây có in/bán sách lậu không? Không hả? Được! Nhớ là không được in/bán sách lậu đấy nhé!”.
Ông Dương Thắng, giám đốc nhà sách Kiến Thức, kể khi Bóng đè bắt đầu in ra và có vẻ ăn khách, ông đã phải mời một đầu nậu chuyên in sách lậu của ông đi... uống rượu và vừa cảnh cáo vừa van nài: “Chú để cho anh in khoảng 3.000 cuốn, hòa vốn đã rồi hẵng... luộc”. Trùm sách lậu, vốn rất nổi tiếng trong giới làm sách Hà thành, kẻ cả nói với ông: “Thôi thì tha cho ông, ông in 5.000 cuốn tôi mới bắt đầu in nhé!”. Cho nên, từ sau đó, mỗi khi chuẩn bị in cuốn nào có vẻ “nóng”, hầu như ông đều phải “có lời trước” với dân làm sách lậu.
Không mấy hi vọng vào các cơ quan chức năng, các nhà sách đều thống nhất là chống sách lậu phải hạ giá thành. Bằng cách giảm phí quản lý (hiện chiếm khoảng 6%), giảm chiết khấu (hiện từ 20-45%), giảm thuế, tăng số lượng bản in. Nhưng đó lại là một vấn đề khác, thuộc tầm vĩ mô, và các nhà sách đơn lẻ không thể giải quyết được, dù hiện tại họ đang cung cấp đến hơn 70% lượng sách lưu thông trên thị trường. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận