17/01/2013 00:46 GMT+7

Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm...

NGUYỄN TIẾN ĐẠT
NGUYỄN TIẾN ĐẠT

AT - Đó là những gì bạn sẽ cảm nhận được sau khi tham gia Đội tư vấn và giảng dạy pháp luật cộng đồng (CLE) thuộc Trường đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM). Tại đây, các bạn được học tập và thực hành pháp luật từ thực tiễn.

Tập huấn

Vượt qua hàng trăm đơn đăng ký, cùng những vòng tuyển chọn nghiêm ngặt tiếng Việt lẫn tiếng Anh, 20 sinh viên xuất sắc nhất của khoa Luật chính thức trở thành thành viên của CLE mỗi năm. Thông qua sự hướng dẫn tận tình của các thầy cô và sinh viên khóa trên, thành viên mới sẽ được tiếp cận những kỹ năng pháp luật thực hành đơn giản như: Kỹ năng thuyết trình, Kỹ năng chuẩn bị bài giảng, Kỹ năng tư vấn, Kỹ năng giám sát…

CLE là mô hình pháp luật thực hành đang trong quá trình được chuyển hóa thành môn học bắt buộc tại các cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam, nhằm giúp sinh viên luật có cơ hội học hỏi kỹ năng hành nghề, áp dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống. Điều đặc biệt nhất và cũng là cốt lõi của chương trình CLE là việc các thế hệ luật gia trong tương lai hình thành đạo đức của người làm luật, góp phần giữ gìn công bằng cho xã hội. Gần năm năm hình thành và phát triển tại Việt Nam, chương trình CLE ban đầu khẳng định được giá trị mà nó đem lại cho sinh viên và cộng đồng...

Hiện nay CLE đã có tại các trường đại học đào tạo về luật như : Đại học Quốc gia Hà Nội, ĐH Vinh, ĐH Huế, ĐH Cần Thơ, ĐH Công đoàn, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM), ĐH Luật TP.HCM...

Mỗi buổi tập huấn được thiết kế theo phương pháp của CLE như dùng dụng cụ hỗ trợ, có sự tương tác giữa hai bên, trò chơi khi hướng dẫn… nên học viên hiểu bài rất nhanh. Bên cạnh đó, bạn còn có cơ hội quan sát những người xung quanh để tự rút kinh nghiệm cho mình. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (lớp Luật kinh doanh) chia sẻ: “Khi tham gia học về các kỹ năng, mình được trang bị rất nhiều cả về kiến thức lẫn thực hành”.

Cùng với những buổi tập huấn, một số chương trình mà CLE phối hợp với Tổ chức Nhịp cầu nối biên giới Đông Nam Á (BABSEA CLE) cũng được đông đảo sinh viên các trường bạn hưởng ứng nhiệt tình. Bạn Đặng Tiến Mạnh (thành viên tiêu biểu của chương trình Thực hành luật - Trường ĐH Vinh) khi tham gia chương trình này đã nhận xét: “Những buổi hội thảo của BABSEA CLE giúp mình có cơ hội thực hành những kỹ năng luật, đồng thời mang những kiến thức chúng mình đã học đi giúp đỡ những đối tượng yếu thế trong xã hội. Cho nên, mình càng hiểu rõ hơn vai trò của một luật sư đối với xã hội”.

Lên đường

Cộng đồng mà đội CLE hướng đến chính là những đối tượng yếu thế trong xã hội như học sinh, sinh viên, người nghèo, những người có HIV... Sau những chuỗi ngày tập huấn tại trường, các thành viên bắt đầu với những trải nghiệm thực tế. Mỗi chuyến đi là một kỷ niệm đọng lại trong các bạn trẻ - những con người hướng đến cộng đồng. Tiêu biểu nhất trong số những hoạt động là chương trình hợp tác Quyền của phụ nữ chung sống với HIV theo pháp luật Việt Nam. Trong khi xã hội vẫn còn khá nhiều người mang tâm lý kỳ thị với những người có HIV, thì các thành viên CLE cảm thông và đồng cảm với họ nhiều hơn. “Tôi nhận ra rằng HIV không phải căn bệnh nguy hiểm như mọi người nghĩ, nó không đáng sợ như mọi người tưởng. Những người đang sống với HIV lẽ ra không bị chịu sự xa lánh như thế! Nếu ta có kiến thức tốt về HIV thì ta sẽ sống tốt, sống vui vẻ và an toàn với người có HIV. Họ cũng là con người, họ chỉ khác một điều là không may phải sống cùng HIV, mà đúng ra ta nên chia sẻ điều không may đó với họ thay vì kỳ thị hay xa lánh...” - đó là bài học lớn nhất mà cô sinh viên Vũ Thị Hường (nhóm CLE thuộc Viện Nghiên cứu chính sách phát triển và pháp luật - PLD) có được sau chuyến đi thực tế.

Dựa trên những tình tiết có thật ngoài đời, đội CLE của Trường ĐH Kinh tế - Luật đã tái hiện phiên tòa giả định phù hợp với địa phương. Thành công nhất trong những năm vừa qua là những phiên tòa hình sự về an toàn giao thông. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt nội dung và “nhập vai” khá hoàn hảo, không khí của những phiên tòa giả định “thật” hơn bao giờ hết, qua đó phần nào nâng cao ý thức pháp luật của người dân trong khi tham gia giao thông trên đường.

Bên cạnh là đồng đội, phía sau là gia đình

Những chuyến đi dài ngày là cơ hội để các thành viên hiểu rõ về nhau nhiều hơn. Đó là những khi cả đội bày trò chơi “Nói thật” vào mỗi buổi tối, khi ấy từng thành viên sẽ hiểu thêm về tính cách, về ưu điểm cũng như khuyết điểm của chính mình. Lời nhận xét chân thật có thể hơi khó nghe nhưng đó là cách để rèn luyện cho mỗi cá nhân sự trưởng thành. Không những thế, dù cho không đồng hành cùng với mọi người trong các chuyến đi thì thành viên ở nhà vẫn quan tâm đồng đội từ xa.

EOBWUvy2.jpgPhóng to

Áo Trắng số 1 ra ngày 1/1/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

NGUYỄN TIẾN ĐẠT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên