02/11/2013 02:10 GMT+7

Mỗi câu chuyện về Bác đều có sức lay động

QUỐC LINH thực hiện
QUỐC LINH thực hiện

TT - Hôm nay 2-11, Trung ương Đoàn, Bộ Giáo dục - đào tạo và báo Tuổi Trẻ tổng kết cuộc thi trực tuyến “Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” sau sáu tháng phát động.

Nguyễn Thị Hòa - giải nhất chung cuộc

DXS7cCQb.jpgPhóng to
Các bạn sinh viên tham gia thi trực tuyến cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” - Ảnh: Nguyễn Khánh

Nhân sự kiện này, Tuổi Trẻ đã trao đổi cùng thạc sĩ Ngô Văn Minh - nguyên trưởng khoa tư tưởng Hồ Chí Minh (Học viện Chính trị - hành chính khu vực 2) - quanh câu chuyện người trẻ hôm nay với cuộc vận động này. Ông cho biết:

- Nhiều năm đi giảng, nói chuyện chuyên đề, tôi nhận thấy lượng người quan tâm, tìm hiểu tư tưởng của Bác rất nhiều. Không chỉ cán bộ, đảng viên mà phần nhiều các buổi chia sẻ của tôi là với các bạn trẻ. Đó là điều rất đáng mừng. Vì điều gì đó mà chúng ta chưa để tâm tìm hiểu, chưa học theo Bác e cũng là một thiếu sót trong quá trình trang bị cho mình những hiểu biết về cuộc sống, nhận thức các giá trị của dân tộc, đất nước.

"Đừng chọn nội dung to tát quá mà hãy quan tâm cái nhỏ hơn nhưng thấm sâu trong hệ thống tư tưởng của Bác để học và làm theo vì có khi to quá lại với không tới, làm không được"

Thạc sĩ NGÔ VĂN MINH

* Ông sẽ nói gì về quá trình tiếp nhận của các bạn trẻ hiện nay với việc học tập và làm theo lời Bác?

- Ngay khi chưa có cuộc vận động này, tôi đã từng nói chuyện với các bạn trẻ về tư tưởng Hồ Chí Minh rồi. Bằng cảm nhận cá nhân, tôi thấy các bạn trẻ rất hứng thú, say sưa lắng nghe những câu chuyện về Bác. Tôi nhớ có lần bắt đầu nói chuyện trước cả ngàn bạn trẻ mới nhập ngũ trong một không khí rất nhốn nháo, nhưng chỉ 10 phút sau cả hội trường rất trật tự. Không phải vì tôi nói truyền cảm gì đâu mà tôi tin mỗi câu chuyện về Bác đều có sức lay động và người nghe không thể không chú tâm.

Theo tôi, có hai lý do để những điều liên quan đến Hồ Chí Minh đều có sức hút. Một là tình cảm mà mỗi người VN đều có đối với Bác. Hai là những lời dạy của Bác thật sự rất gần gũi cuộc sống, thiết thực nên mọi người quan tâm, nhất là lớp trẻ. Vì vậy được nghe về Bác vẫn là một nhu cầu rất lớn trong chúng ta.

* Nhưng không phải bạn trẻ nào cũng biết hay quan tâm đến cuộc vận động này. Hẳn ông đã gặp trường hợp như thế?

- Đã từng có sinh viên nói với tôi họ biết nhưng chẳng quan tâm đến cuộc vận động vì thấy không ảnh hưởng gì đến họ. Tôi cho rằng những vấn đề liên quan đến tuyên truyền, giáo dục đạo đức không phải làm một lúc, một thời gian mà đưa ra kết quả ngay được. Có thể một bộ phận nhỏ nhận thấy chưa thiết thực với cuộc sống của họ, cũng có thể do nhận thức... tác động nên họ chưa quan tâm. Nhưng nếu cho rằng chưa thấy liên quan nên chưa học, chưa làm theo là thiếu sót lớn.

Đúng là gần đây có biểu hiện hơi nhạt đi trong các nội dung, hoạt động liên quan đến cuộc vận động này. Có thể do người ta đã tiếp xúc với nhiều chuyên đề về Bác qua nhiều năm, trong khi lại chưa tìm ra cách tuyên truyền mới nên những hội thi, chuyên đề về Bác cũng phần nào bớt sức hút. Chưa kể vấn đề đạo đức xã hội và thực tiễn cuộc sống có những điều không chỉ xa mà đôi khi còn phản cảm với điều chúng ta tuyên truyền. Nhất là với lớp trẻ, các bạn có điều kiện tiếp cận với xã hội rộng lớn, đôi lúc nhìn thấy những người nói rất hay nhưng làm chưa hay, chưa theo lời Bác.

CBc78JAL.jpgPhóng to
Thạc sĩ Ngô Văn Minh

* Ông cho rằng các bạn trẻ đang thiếu những tấm gương nói và làm theo lời Bác đúng đắn để noi theo?

- Tư tưởng của Bác ra đời trong từng hoàn cảnh cụ thể nên vận dụng vào giai đoạn hiện nay cũng cần có điều kiện phù hợp cụ thể. Mẫu hình học tập, làm theo Bác hôm nay không nhất thiết là ăn mặc, biểu hiện bên ngoài như Bác mà phải là các chuẩn mực giá trị về đạo đức, lối sống của người đó. Đây mới chính là cốt lõi phải đặt lên hàng đầu.

Người cộng sản hôm nay không thể là người vô sản vì nếu như thế chắc cũng không ai theo. Nhưng họ vẫn phải là người liêm khiết, có đạo đức trong sạch, tận tụy với dân với nước. Các bạn trẻ hãy nhìn vào tổng thể đội ngũ cán bộ vì đại bộ phận vẫn là những tấm gương tốt cho các bạn noi theo chứ đừng nhìn vào một cá nhân cụ thể, ông này ông kia nào đó rồi đánh giá toàn thể là chưa đúng đâu.

* Không ít bạn có suy nghĩ rằng Bác Hồ là vĩ nhân, làm sao chúng ta có thể học và làm theo bậc vĩ nhân như thế?

- Ở Bác, giữa tư tưởng và tấm gương hoàn toàn thống nhất, lời nói và việc làm cũng vậy. Tư tưởng, tấm gương của Người có giá trị cả trước đây và hiện nay, không chỉ chúng ta mà bạn bè quốc tế đều đánh giá như thế. Bác là bậc vĩ nhân nhưng lại rất giản dị, gần gũi mà mỗi người chúng ta đều có thể tìm thấy điều này điều khác để học và làm theo được. Mà chúng ta cũng không thể học theo tất cả, bởi nếu làm vậy cũng chỉ là bắt chước.

Cái chính là học ở nội dung tư tưởng của Bác, những điều bình dị nhưng gần gũi cuộc sống hằng ngày, chẳng hạn tính tiết kiệm của Bác là điều chúng ta có thể học theo cả đời. Học Bác là học cách ứng xử trong đời thường, cái gì có lợi cho đất nước, cho dân tộc, cho đơn vị mình thì làm theo. Học Bác chính là quyết tâm làm cho công việc, lối sống hằng ngày của mình tốt hơn lên. Và học nghĩa là không ngừng tu dưỡng bản thân, không giữ cho riêng mình mà phải biết đấu tranh bảo vệ cái tốt, lẽ phải, chống lại cái xấu. Đây là thử thách rất lớn của các bạn trẻ hôm nay.

Tổng kết cuộc thi

Cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Trung ương Đoàn, Bộ Giáo dục - đào tạo và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức từ tháng 5-2013. Các thí sinh tham gia ba đợt thi trực tuyến tìm hiểu về những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thế hệ trẻ, những nội dung cơ bản của chuẩn mực đạo đức theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, những hiểu biết về tình hình thời sự đất nước mà thế hệ trẻ đang quan tâm... 300 thí sinh xuất sắc nhất sau ba đợt thi đã vào vòng thi tự luận để chọn ra người chiến thắng được trao thưởng trong lễ tổng kết sáng 2-11 tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (Q.4, TP.HCM).

Chia sẻ của thí sinh

* “Tôi học từ Bác tính tiết kiệm, sự cầu tiến trong công việc. Bác luôn lo và nghĩ đến người khác trước khi lo cho mình. Nên học theo Bác với tôi chính là hoàn thiện từng ngày trong công việc, cuộc sống để góp phần nhỏ bé của mình xây dựng đất nước đúng như kỳ vọng của Bác vào thế hệ trẻ”.

NGUYỄN THỊ NGỌC NGÀ (22 tuổi, giải nhì chung cuộc)

* “Ở Bác, bài học về lối sống giản dị, không xa hoa là điều tôi có thể học và ứng dụng ngay trong cuộc sống hằng ngày. Những điều bình dị như thế rất gần gũi và học từ nhiều cái nhỏ sẽ hợp thành cái lớn là những đức tính tốt đẹp mà mỗi con người cần có”.

NGUYỄN THỊ TÚ UYÊN (22 tuổi, giải ba chung cuộc)

* “Cách làm việc khoa học, quan tâm đến người khác và sống tiết kiệm là điều tôi tâm đắc nhất khi tìm hiểu tư tưởng của Bác. Tôi luôn ý thức mình phải tiết kiệm cả về vật chất lẫn thời gian trong sinh hoạt hằng ngày, làm việc gì cũng phải đúng giờ và tôn trọng thời gian của người khác”.

NGUYỄN HẢI LÝ (20 tuổi, giải ba chung cuộc)

QUỐC LINH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên