29/12/2006 06:05 GMT+7

Mỗi cá nhân như một công ty

VŨ THANH BÌNH thực hiện
VŨ THANH BÌNH thực hiện

TT - Trước cánh cửa hội nhập, mỗi cá nhân chúng ta, nhất là người trẻ tuổi, sẽ làm gì? Chúng tôi đặt câu hỏi trên cho bạn Nguyễn Hoài Nam - giám đốc kỹ thuật Công ty GlassEgg.

JvbgqVOd.jpgPhóng to
SV ĐH Kinh tế tham gia giao dịch trên sàn chứng khoán ảo như một cách tập làm nhà đầu tư - Ảnh: T.T.D.

Nam nói:

- Ý tưởng mỗi cá nhân hoạt động như một công ty - công ty bản thân (CTBT) giúp bạn trẻ dễ hình dung hơn vấn đề hội nhập của từng người cụ thể. Khi bạn muốn khởi nghiệp thì bạn phải có một sản phẩm hay dịch vụ gì đó, dù là một đường chỉ may, một câu nói tiếp thị hay vài dòng mã lệnh lập trình...

Nay trong hội nhập, chất lượng sản phẩm của CTBT này sẽ phải cao hơn trên nhiều mặt. Tốc độ làm việc phải nhanh hơn. CTBT phải làm tăng ca, nhiều hơn 8 tiếng/ngày, đừng ung dung mà đi. Và trong hoạt động của CTBT, mảng nào yếu thì mình đầu tư cho mảng đó.

* Nhưng rất khó để nhận ra được là mình đang yếu những mặt nào?

- Khi xem mình như một CTBT, ta sẽ tự hỏi mình đang làm cái gì. Nếu sản phẩm của một người làm lập trình là những dòng mã lệnh thì khi có sản phẩm rồi họ sẽ xét xem sản phẩm của mình đạt chất lượng bằng thị trường xung quanh chưa. Nếu tôi có sản phẩm tốt rồi thì tôi còn thua người ta cái gì? Khi tách CTBT của mình ra, người ta sẽ thấy được mình yếu và thiếu ở khoản nào.

seTylOcr.jpgPhóng to
Nguyễn Hoài Nam
* Theo bạn, có cách nào để học cái mới thật nhanh không?

- Có rất nhiều thông tin ở các diễn đàn chuyên ngành trên Internet, những tạp chí chuyên môn... Nếu có điều kiện, nên tham gia những hội thảo khu vực hay thế giới về chuyên ngành của mình. Ví dụ với các kỹ sư lập trình: có rất nhiều diễn đàn chuyên ngành trên Internet, ở đó mọi người chia sẻ với nhau những công cụ, cách làm mới nhất.

Tìm những dự án hợp tác phi lợi nhuận thì nên tham gia để có kinh nghiệm thực tế nhiều hơn, cọ xát để thấy cái đúng, cái sai của mình. Còn ở trường, SV có thể thử sử dụng kiến thức theo nhiều hướng ứng dụng khác nhau, tìm tòi kiến thức mới qua đó trang bị cho mình cách tự học nhanh hơn.

* Nhiều bạn trẻ lo lắng: kiếm được một việc làm tốt không phải là dễ...

- Chúng ta phải làm cho sản phẩm của mình nâng cao giá trị. Muốn người ta mua sản phẩm của mình thì mình phải đầu tư vào chất lượng. Thượng Hải chẳng hạn, theo một bảng xếp hạng mới đây họ đứng thứ 20 trên bảng tổng sắp về mức độ giá sinh hoạt đắt đỏ, Hà Nội đứng thứ 32, còn TP.HCM là 37, vậy mà người ta vẫn đến Thượng Hải mở công ty, sử dụng nguồn nhân lực Thượng Hải vì chất lượng ở đó cao hơn. Đó là cái chúng ta đang muốn vươn đến và vượt qua.

Chẳng lẽ mãi mãi công nhân may của chúng ta chỉ lĩnh lương 1 triệu đồng/tháng? Chất lượng một công nhân may đã được quản lý bởi tự thân anh ta rồi, nhưng nếu người công nhân đó làm lỗi ít hơn, tốc độ cao hơn thì họ tự tăng giá trị CTBT của họ lên. Như vậy các nhà đầu tư sẽ vào VN thay vì sang TQ.

* Điểm xuất phát của các CTBT của ta quá thấp. Khoảng cách của ta với thế giới còn xa. Tốc độ phát triển khoa học công nghệ của thế giới quá nhanh khiến ta có cảm giác là mình chỉ đi theo sau?...

- Tạm thời chúng ta chưa cần nghĩ nhiều đến phát minh sáng chế trong những lĩnh vực mà các nước phát triển đã tiến khá xa. Nhưng chuyện nắm vững công nghệ của nước ngoài không khó. Mới đây, Công ty FSOFT (FPT) đã làm một phần mềm kết nối thiết bị cầm tay với hệ thống máy tính để Hãng Sanyo ứng dụng ở Nhật. FSOFT đã nắm được phương thức kết nối máy tính với một hệ thống cơ sở dữ liệu lớn, bây giờ họ làm một cái mới là thêm thiết bị cầm tay vào trong hệ thống đó.

FSOFT đã phát triển được phần mềm giải quyết các vấn đề khi giao tiếp giữa các thiết bị đó. Khi các công ty kỹ thuật cao đến làm việc với mình họ bắt buộc phải cho mình tiếp cận với công nghệ. Họ không giấu được. Với nhà máy làm chip của Intel, những người làm việc trong đó sẽ học được công nghệ, CTBT của họ tăng giá trị. Chuyện hội nhập như vậy chắc chắn là không vấn đề gì với bạn trẻ VN nếu chịu khó tìm tòi và học hỏi.

* Nhiều bạn trẻ than vãn rằng không ít người lớn giữ trọng trách lãnh đạo vẫn còn trì trệ, bảo thủ và có những sai lầm. Theo bạn thì nên như thế nào?

- Các bạn trẻ phải có chính kiến nhiều hơn. Không phải bao giờ thầy cũng nói đúng hết, và mình thì không có quyền nghi ngờ. Nghe hiểu và trong đầu luôn tự hỏi là cái đó đúng hay sai. Trên con tàu ra biển khơi, khi người thủy thủ thể hiện được năng lực, cho thấy giá trị cao của họ thì người thuyền trưởng sẽ cảm thấy họ kém cỏi trước một loạt những người giỏi ở dưới.

Xét trên khía cạnh tích cực, có hai trường hợpsẽ xảy ra: một là họ phải từ chức, hai là họ sẽ thay đổi nâng cao trình độ bản thân họ. Như vậy chúng ta đã làm được một việc rất tốt: phát triển từ dưới đi lên. Mình tìm cách thay đổi để người thuyền trưởng thấy nhu cầu phải thay đổi, để đóng những con tàu to hơn với tốc độ lớn hơn. Người thuyền trưởng khi bị thôi thúc sẽ phải nâng cao khả năng lãnh đạo, kiến thức của mình.

VŨ THANH BÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên