23/12/2012 07:20 GMT+7

Mock Nhất xây cầu

MAI VINH
MAI VINH

TT - Có một cán bộ xã người dân tộc M’Nông, học chưa hết lớp 9, đã dám tự mình thiết kế và huy động sức dân xây ba cây cầu bắc qua sông Đạ Đờn (xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng).

oL2A31Ox.jpgPhóng to
Công việc mỗi cuối tuần của Mock Nhất là đi kiểm tra độ an toàn của cầu - Ảnh: Mai Vinh

Ở sông Đạ Đờn có ba cây cầu được chính quyền xã gắn bảng với tên cụ thể là Fi Jút (dài 76m), Đạ K’Nàng (78m), Đạ R’Kôh (130m), nhưng người xứ Đạ Đờn quen gọi là cầu Mock Nhất 1, 2, 3 để chỉ thứ tự ra đời. Dân gọi vậy là để họ nhớ đến công của ông Mock Nhất.

Ông bắt đầu làm cầu năm 2004 khi đang là phó chủ tịch UBND xã Đạ Đờn, giờ ông là phó chủ tịch HĐND xã. Ông Mock Nhất năm nay 42 tuổi, sinh ra và lớn lên ở một ngôi nhà nhỏ bên dòng Đạ Đờn, ngay cầu Fi Jút bây giờ.

Bên dòng sông dữ

"Mock Nhất lấy lợi ích của dân làm cán cân. Cái gì lợi cho dân thì ông ấy theo, còn không thì dù lãnh đạo có khen tới đâu ông ấy cũng không làm"

Ông K’Tân (phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Lâm Hà)

Trong cuộc đời mình, ông Mock Nhất chưa bao giờ quên được những vụ tai nạn thương tâm ngay trên con sông cạnh nhà. Ông nhẩm đếm các vụ tai nạn bằng đốt tay rồi bùi ngùi: “Nhiều lắm chú ơi, toàn người cùng làng cùng xã và người trong họ nữa, xót xa lắm”. Ngay cầu Đạ R’Kôh bây giờ, năm 2002 một chiếc thuyền chở bảy người và hàng trăm cây cà phê con đã lật giữa dòng làm ba người chết. Xa hơn là cái chết trong một lần đi làm rẫy về của K’Rong, một người bà con của ông Mock Nhất. Trước đó dòng nước Đạ Đờn từng cuốn phăng con đò ngang đang chở chín người... Cuối năm 1999 ông lấy vợ. Một buổi chiều đang làm việc, ông rụng rời nghe tin xóm làng báo: Pang Sim Bìng (vợ ông) lấy củi về bị nước cuốn. May mà vợ ông được cứu. Tin dữ ngày càng thường xuyên hơn khi lượng người qua lại giữa hai bờ sông Đạ Đờn ngày càng lớn. Những cái chết, những vụ lật thuyền... đã ám ảnh ông.

Một lần, ông Mock Nhất nhìn về phía cây cầu khỉ mục nát mà R’Lưk Phan (cha ông) dựng cách đây 20 năm cũng ngay trên sông Đạ Đờn rồi nảy ra ý nghĩ: “Phải dựng cây cầu sắt để xe máy chạy qua được, cha mình có được học hành đâu mà cũng làm được cầu”.

“Kỹ sư” lớp 9

Ông Mock Nhất lặn lội đến cây cầu dài 20m, xây tốn khoảng 350 triệu đồng ở thị trấn Nam Ban (huyện Lâm Hà) để tìm hiểu. Ông vẽ lại toàn cảnh cây cầu, rồi vẽ lại từng thanh sắt từ nhỏ đến lớn. Trên mỗi mét vuông cầu có bao nhiêu con ốc ông cũng tính toán và ghi chép cẩn thận... Có lúc ông chán nản định bỏ cuộc vì không biết vẽ trụ và móng cầu như thế nào. Tình cờ ông nhìn lên đường dây điện 500 kV và tự hỏi: “Cách nào mà những thanh sắt ghép nối có thể gánh nổi sợi dây dài và nặng”. Ông Mock Nhất cầm thước đo móng trụ điện để hiểu được cách làm móng... trụ cầu. Bà Pang Sim Bìng kể ngày đó ông trở nên khác lạ, thức thâu đêm để vẽ và không hứng thú nói chuyện gì khác ngoài chuyện xây cầu. Trong huyện có kỹ sư xây dựng nào nổi tiếng là ông Mock Nhất đều lân la làm quen, sau đó đưa bản vẽ nhờ góp ý.

Ông kể khi các bản thiết kế và dự toán kinh phí vừa hoàn thành thì lập tức tổ chức họp dân. Dân làng nghe ông Mock Nhất trình bày sẽ làm một cây cầu rộng 1,6m, dài 76m, xe máy chạy qua được mà chỉ tốn 340 triệu đồng thì không ai tin. Ông lôi bản vẽ và đọc vanh vách cây cầu sẽ có bao nhiêu sợi dây văng, bao nhiêu trụ cầu, thanh sắt và cả giá tiền của từng vật liệu. Sự chuẩn bị kỹ càng và quyết liệt của ông đã thuyết phục hoàn toàn người dân thôn Fi Jút, họ hẹn ông sẽ góp tiền, góp sức dựng cầu sau mùa cà phê.

Ngày căng dây văng, ông huy động một máy cày chất đầy đá thay máy căng dây. Tiếng máy cày gầm rú hòa vào tiếng hô đồng lòng kéo dây của cả trăm người dân như dậy cả góc trời Fi Jút. Đã tám năm trôi qua nhưng không khí đó vẫn làm ông lâng lâng mỗi khi nhớ lại: “Nói thiệt, mấy ai tin một người chưa học hết lớp 9 mà biết thiết kế cầu nên tôi chuẩn bị kỹ càng mọi thứ trước khi đề xuất với bà con. Đồng tiền đẫm mồ hôi, đâu phải cứ lấy chức danh phó chủ tịch UBND xã ra vận động mà bà con chịu đóng góp đâu”.

Chủ trương chính là lòng dân

Cầu Đạ K’Nàng được đầu tư 1,1 tỉ đồng là cây cầu kiên cố nhất trong những cây cầu do ông Mock Nhất thiết kế. Cuối năm 2006, cây cầu này bắt đầu khởi công. Lúc này chủ trương xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” chưa có, nên việc ông tiếp tục vận động dân góp công góp của xây cầu là đi ngược chủ trương. Bị “tuýt còi”, bị lãnh đạo xã can ngăn, ông Mock Nhất bảo: “Có chủ trương nào bắt 3.000 dân của năm thôn ven sông phải chịu cảnh không điện, đường, trường, trạm không? Tôi sẽ chịu trách nhiệm tất cả nếu tôi làm sai”.

Sở dĩ ông Mock Nhất quyết liệt đến mức căng thẳng với lãnh đạo xã vì hằng ngày ông chứng kiến cảnh hàng trăm người xếp hàng ở bến đò Đạ K’Nàng sang sông đi học, đi làm. Chuyện phải chờ đò 1-2 giờ trở thành chuyện thường ngày. Bến đò là điểm nối của khu dân cư và vùng canh tác cà phê nên ngày mùa cà phê chất kín cả bến đò. 5 giờ chiều nông dân rời rẫy nhưng đến 11 giờ đêm họ mới chuyển được hết cà phê sang bờ bên kia. Chưa có cầu, điện cũng không vào được với hơn 300 dân.

Với kinh nghiệm và uy tín có được sau khi xây cầu Fi Jút, ông mạnh dạn tổ chức họp dân bàn kế hoạch. “Xây cầu tốn 10 tỉ đồng bà con có làm không?”. Những cái lắc đầu thay cho câu trả lời. Ông lại hỏi: “Ý bà con sao nếu chỉ tốn 1 tỉ đồng? Làm cầu xong chắc chắn sẽ kéo được điện”. Lần này thì cả trăm người lên tiếng với giọng đầy quyết tâm: “Mock Nhất làm đi, chúng tôi theo”. 1.500 lượt người góp công xây cầu là sự ủng hộ vượt quá sức tưởng tượng của “kỹ sư” Mock Nhất.

Ngày khởi công, ông như ngồi trên chảo lửa: “Cầu dựng ngay bên bờ sông có địa hình hiểm trở, lỡ công nhân bị tai nạn chắc tôi bị tù”. Lãnh đạo xã lại làm căng, yêu cầu ông vận động bà con giao hết khoản tiền quyên góp để xã làm thủ tục kiểm tra thu chi. Xác định làm như vậy tiến độ thi công sẽ chậm, ông Mock Nhất lấy tư cách phó chủ tịch UBND xã ra bảo lãnh: “Cầu này hoàn toàn do dân làm thì tiền góp phải do dân tự quản lý, bắt dân đưa tiền của mình để xã giữ giúp là vô lý”. Ông Mock Nhất họp dân, yêu cầu cử ra ba người có học vấn cao nhất của năm thôn để lập ban tài chính chuyên lo quản lý thu chi.

Cầu dựng xong, sau đó có điện, người dân bên kia bờ Đạ Đờn tổ chức ăn mừng, kéo nhau đến nhà cảm ơn ông “kỹ sư” của mình bằng những ché rượu cần.

“Sức dân làm được tất cả”

Công nhân là nông dân chính hiệu quen làm cà phê nên không đọc được bản vẽ xây dựng. Mỗi ngày ông Mock Nhất phải trực ở công trường chỉ cho từng công nhân cách dùng từng thanh sắt, con ốc hay cách xây mố cầu. “Kỹ sư” Mock Nhất xác định phải tiết kiệm từng đồng tiền của dân nhưng không thể chủ quan ở những khâu liên quan đến độ an toàn của cầu. Sau này khi cầu đã hoàn thành, nhiều người đến thăm, nhìn con đường đất nhỏ chỉ vừa một chiếc xe máy, họ không thể hiểu nổi cách nào mà công nhân ở đây có thể chuyển những dầm sắt nặng hàng tấn và dài đến 80m vào công trường. Ông đáp rằng sức dân làm được tất cả: “200 người thì thay được chiếc xe tải”. Ngày chuyển dầm từ quốc lộ vào, trai tráng trong làng được triệu tập, xếp một hàng dọc dài khiêng dầm theo kiểu con rết di chuyển. Người nào mệt thì người khác vào thay. Cũng bằng cách đó, họ đưa dầm ra giữa lòng sông rồi tìm cách đặt vào các mố cầu nối liền hai bờ.

MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên