18/08/2012 07:00 GMT+7

Mổ xẻ thể thao học đường ở VN

TTO
TTO

TT - Thể thao VN trắng tay tại đấu trường Olympic London, sau khi Tuổi Trẻ giới thiệu hai ý kiến đóng góp của giáo sư Dương Nghiệp Chí - nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, và ông Hà Quang Dự - nguyên bộ trưởng chủ nhiệm Ủy ban TDTT, tuần qua đã có rất nhiều ý kiến gửi đến Tuổi Trẻ Online (TTO - tuoitre.vn) bàn về vấn đề này.

“Thể thao trường học ở VN kém nhất Đông Nam Á”Mỹ thống trị Olympic nhờ thể thao học đường

sLlmTN7z.jpgPhóng to
Mời bạn vào tải ứng dụng Tuổi Trẻ dành cho smartphone và tablet sử dụng hệ điều hành Android đã có trên Google Play
Bạn đọc TTO hoàn toàn đồng ý với ông Hà Quang Dự và ông Dương Nghiệp Chí khi đã chỉ ra thất bại của thể thao VN vừa qua không chỉ đơn thuần trong khuôn khổ một giải đấu. Từ thông tin "Mỹ thống trị Olympic nhờ thể thao học đường", những người mộ điệu thể thao ở VN đã nhận thấy vai trò quan trọng của các trường học khi các trường đã giúp đoàn thể thao Mỹ đoạt hơn 80 huy chương tại Olympic London. Không riêng gì Mỹ, đoàn thể thao Anh thành công cũng nhờ thể thao học đường khi có đến 60% trong tổng số 65 huy chương của họ được mang về từ các học sinh, sinh viên. Từ câu chuyện này, nhiều bạn đọc khẳng định để có thể gặt hái huy chương phải bắt đầu từ việc đào tạo ở nhà trường, và việc đào tạo phải căn cơ, có kế hoạch dài hạn chứ không phải ngày một ngày hai.

Và cũng từ thừa nhận của ông Dương Nghiệp Chí rằng "thể thao trường học ở VN kém nhất Ðông Nam Á", nhiều bạn đọc đã chỉ ra những yếu kém của thể thao trong nhà trường, từ đó cho thấy rất khó có thể có được nhân tài thể thao tỏa sáng từ nhà trường. Cùng với nhiều bạn đọc khác, bạn đọc T.Phước đưa ra những dẫn chứng thực tế ở nhiều nhà trường: "Trường học ở VN ít quan tâm đến thi thố thể thao, hoặc cũng chỉ là cho có lệ. Việc đầu tư sân bãi, công trình phục vụ thể thao rất kém, trường nào có sân cỏ để đá bóng đã là ngon, nói chi đến đường piste, nhà thi đấu, bể bơi... Học sinh học xong ở trường là phải chạy sô đi học thêm cả ngày, còn thời gian đâu luyện tập thể thao, tham gia câu lạc bộ".

Khi đặt vấn đề thể thao học đường ở VN, nhiều bạn đọc cho rằng chắc chắn chúng ta sẽ nhận được câu trả lời từ những người có trách nhiệm là "thiếu tiền". Liệu có đúng không? Bạn đọc Nguyễn Tuân Tử không đồng tình: "Nói thiếu tiền thì cũng không hẳn đúng. Cần nhìn lại chủ nghĩa thành tích, sự thờ ơ đã đưa thể thao đi khỏi cuộc sống của người dân. Phải làm sao để khơi dậy sự đam mê thật sự của một con người, một vận động viên, khi đó tài năng thiên bẩm sẽ xuất hiện trong chốn đông người. Chứ như cơ chế hiện nay, không ai yên tâm chơi thể thao thành tích cao".

Mùa Olympic ấn tượng với nước chủ nhà Anh và thất bại với đoàn thể thao VN đã khép lại. Chuyên trang Olympic trên TTO (olympic.tuoitre.vn) đã hoàn tất nhiệm vụ đưa tin nhanh nhất đến bạn đọc, chân thành cám ơn độc giả đã theo dõi thời gian qua và đóng góp nhiều ý kiến thiết thực.

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên