25/12/2013 04:15 GMT+7

Mơ ước tương lai

QUANG PHƯƠNG
QUANG PHƯƠNG

TT - Hàng trăm bài viết gửi về cuộc thi “Thực hiện ước mơ” do Thành đoàn TP.HCM tổ chức là hàng trăm câu chuyện cảm động của các bạn học sinh nói về mơ ước tương lai.

sae5QE1O.jpgPhóng to
Các bạn học sinh tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ tổ chức tại TP.HCM - Ảnh: Quang Phương

Có những mơ ước thầm lặng và bình dị như muốn làm nghề giáo và cũng có những ước mơ có thể gọi là cao vọng: muốn làm... chủ tịch nước!

Những ước mơ táo bạo

Cần lòng nhiệt huyết

Bạn Hồ Quế Tường Vy, học sinh lớp 10CA1 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, có ước mơ táo bạo: được trở thành một trong những nữ phi công hiếm hoi của Việt Nam. Theo Tường Vy: “Ranh giới giữa sự phân chia các nghề nghiệp là không giới hạn, không thiếu những cô gái làm những công việc vốn chỉ dành cho nam giới, cũng không ít chàng trai làm những công việc được mặc định là của nữ giới. Để vượt qua ranh giới đó, cái ta cần phải có là lòng nhiệt huyết tuổi trẻ, quyết tâm đeo đuổi ước mơ mình đã chọn”.

Bạn Lê Nguyễn Thành Đạt, lớp 10A2 Trường THPT Lương Thế Vinh, nói ban đầu khi nhen nhóm ước mơ theo nghề giáo, trong đầu cứ nghĩ làm giáo viên nghèo, khổ cực, học sinh ngày nay nghịch, không lễ phép...

Thế nhưng những trăn trở về nghề nghiệp cho Đạt vỡ lẽ và viết lên những dòng suy tưởng: “Nghề giáo là nghề cao quý nhất. Hạnh phúc của nghề giáo là nhìn thấy những đốm lửa mà ta truyền đi trong từng con người. Tôi muốn làm giáo viên bởi nhiệt huyết đang chảy trong tim tôi là do sự cảm động, nể phục trước những thầy cô đã dạy dỗ mình. To lớn hơn là vì tôi muốn được làm người lái đò trên dòng sông tri thức để đưa học sinh đến bến bờ của sự thông tuệ, hiểu biết và văn minh”.

Nhưng cũng có nhiều bạn học sinh mơ những ngành nghề ít người nghĩ tới. Không giống như những bạn gái khác, bạn Trần Đoàn Hải Yến, học sinh lớp 12CA Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, bày tỏ: “Đừng quá đỗi ngạc nhiên khi các bạn gái cùng trang lứa ai cũng ước mơ làm cô giáo, bác sĩ hay nhân viên văn phòng, tôi ước mơ thành nữ cảnh sát đặc nhiệm, cái nghề của con trai. Tôi thẳng thắn, thấy chuyện bất bình thì không ngồi yên được, thích bảo vệ kẻ yếu và trừng trị kẻ gian tà, độc ác”.

Tương tự, bạn Vũ Thị Thanh Tuyền, học sinh lớp 12A2 Trường THCS-THPT tư thục Duy Tân, cũng ấp ủ ước mơ trở thành một nữ cảnh sát. “Em luôn quan niệm đó là công việc thiêng liêng, bảo vệ bình yên cho cuộc sống. Hằng ngày vẫn đang xảy ra nhiều vụ án thương tâm khiến em không ít lần rơi nước mắt. Và em càng quyết tâm để trở thành một người thực thi công lý” - Thanh Tuyền chia sẻ.

Bạn Nguyễn Viết Dũng, lớp 11A1 Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (Biên Hòa, Đồng Nai), còn mạnh dạn ước mơ muốn làm... chủ tịch nước. Dũng bày tỏ: “Tôi yêu thích phong thái chững chạc của một chính khách trong bộ comlê sang trọng, tôi ước mơ đại diện cho Tổ quốc Việt Nam trên trường quốc tế”.

Bạn Đỗ Thị Hồng Nhung, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, lại khao khát được làm việc trong các tổ chức phi chính phủ. Vì theo Nhung, làm việc ở đó sẽ có cơ hội được đi nhiều nơi, được thử sức trong môi trường làm việc quốc tế, cơ hội trau dồi ngoại ngữ, giao lưu văn hóa, được thể hiện, khám phá khả năng bản thân.

Lên kế hoạch cho từng bước đi

Để thực hiện ước mơ, các bạn trẻ đã vẽ ra cho bản thân một kế hoạch khá rõ ràng, theo từng giai đoạn cụ thể. Đó không chỉ là việc sẽ chọn thi khối nào, ngành nào, trường nào mà các bạn còn vạch rõ mình sẽ làm những việc cụ thể gì.

Để được làm việc trong tổ chức phi chính phủ, Đỗ Thị Hồng Nhung đã xác định sẽ chọn thi khối D vào ngành công tác xã hội của Trường ĐH KHXH&NV. Nhung cho biết sau khi trúng tuyển, trong quá trình học tập sẽ tích cực tham gia các hoạt động xã hội, ngoại khóa như: chiến dịch Hoa phượng đỏ, chiến dịch Mùa hè xanh, hoạt động bảo vệ môi trường... Khi trở thành sinh viên năm hai, Nhung sẽ đăng ký làm tình nguyện viên cho một tổ chức phi chính phủ ở Việt Nam...

Bạn Lê Thị Thu Thảo - Trường THPT Tân Phước Khánh, Tân Uyên, Bình Dương - đưa ra kế hoạch cho ước mơ trở thành một nhà quản trị kinh doanh. Mục tiêu trước mắt của Thảo là thi đậu vào Trường ĐH Ngoại thương hoặc ĐH Kinh tế. Sau đó vừa học ở trường vừa học thêm các khóa đào tạo về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết trình, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng phát triển cá nhân và sự nghiệp, tạo lập quan hệ... Khi đã đi làm sẽ học lên thạc sĩ. Tiếp đó, khi đã có đủ kinh nghiệm, Thảo sẽ mở doanh nghiệp và làm chủ.

Lê Ngọc Cẩm Tú, THPT Ngô Quyền (Đồng Nai), đã vẽ ra cho mình một đường đi rành mạch để trở thành một nhà kinh doanh mỹ phẩm. Theo đó, Tú cho biết đang đi học thêm tiếng Anh tại một trung tâm với mục đích “đến năm 20 tuổi sẽ tìm được suất học bổng tại Học viện Kinh tế và chính trị London (Anh). Đến năm 26 tuổi sẽ bắt đầu con đường kinh doanh” - Tú viết. Trong thời gian này, Tú cho biết đang tìm kiếm và đọc những cuốn sách viết về các doanh nhân thành đạt để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm cho bản thân.

QUANG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên