20/07/2012 07:26 GMT+7

Mơ tàu "khủng" ra khơi xa

Ngư dân NGUYỄN THUẬN (34 tuổi, P.Vĩnh Trường, TP Nha Trang, Khánh Hòa)
Ngư dân NGUYỄN THUẬN (34 tuổi, P.Vĩnh Trường, TP Nha Trang, Khánh Hòa)

TT - Để vươn được ra những ngư trường xa như vùng biển Trường Sa, đủ sức chống chọi với sóng gió đại dương, một số ngư dân miền Trung đã mạnh dạn đầu tư hàng tỉ đồng đóng những con tàu công suất lớn.

Ra khơi không chỉ cần lòng quả cảm

PsKQpRBu.jpgPhóng to
Chiếc tàu công suất 1.100CV sắp hoàn thiện của anh Nguyễn Thuận được xem là tàu có công suất lớn nhất tỉnh Khánh Hòa hiện nay - Ảnh: Duy Thanh

Sau hai ngày cập cảng cá Hòn Rớ (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) để bán cá và lấy dầu, nước ngọt, đá cây, sáng sớm 19-7, chiếc tàu do anh Nguyễn Minh Vương (35 tuổi, ở xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) điều khiển lại nhắm hướng biển Trường Sa thẳng tiến. Đây được xem là một trong những con tàu có công suất máy lớn ở miền Trung hiện nay với 900CV, có chiều dài 26m, rộng 7m, sức chứa gần 50 tấn.

Chuyến biển lãi 800 triệu đồng

"Tôi nghĩ nếu Nhà nước hỗ trợ bằng cách cho ngư dân mượn vốn đóng tàu không tính lãi hoặc lãi suất thấp, chắc chắn rất nhiều ngư dân sẽ có cơ hội sở hữu những chiếc tàu lớn, trang bị hiện đại để ra khơi xa"

Thuyền trưởng Nguyễn Minh Vương thổ lộ: “Đang được mùa biển, phải tranh thủ vô rồi ra liền để đón luồng cá. Chưa kể nếu mình không ra nhanh thì tàu cá Trung Quốc tràn xuống trái phép tranh ngư trường”. Chuyến đánh bắt ở vùng biển thuộc huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) vừa rồi của chiếc tàu 900CV này kéo dài gần 20 ngày, thu hoạch được 28 tấn cá ngừ đại dương. “Sau khi trừ chi phí khoảng 200 triệu đồng, chuyến biển này tàu tôi lãi được 800 triệu đồng. Từ khi có tàu lớn, chúng tôi hay trúng lớn nhiều chuyến biển như vậy”, anh Vương phấn khởi.

Tàu nói trên được hạ thủy cuối năm 2010, là một trong đội tàu gồm bốn chiếc có công suất từ 450CV-900CV của gia đình ông Nguyễn Văn Ái (huyện Phù Mỹ, Bình Định). Và anh Vương là một trong năm người con trai của ông Ái nối nghiệp cha làm nghề biển. 17 tuổi, Vương đã cầm lái đưa thuyền vượt sóng ra biển đánh bắt. Thế nhưng tàu nhỏ không thể đi xa nên chỉ bắt được cá nhỏ, hễ có sóng gió cấp 4-5 phải vội vã quay vào bờ, tốn công sức và tổn phí nhưng giá trị thu về không là bao.

Ông Ái cho biết: “Ngư dân mình ít tiền nên đóng tàu nhỏ. Tàu càng nhỏ thì càng khó khăn khi đánh bắt xa bờ, sản lượng thấp. Tôi nghĩ thế nên dốc hết tiền tập trung đóng một tàu lớn để hỗ trợ các tàu khác, càng vươn ra xa càng có sản lượng cao, ít sợ bất trắc trên biển, nhất là tàu Trung Quốc làm càn”. Tàu được trang bị một máy rađa, hai máy ICOM, hai máy định vị, một tivi màn hình phẳng và dàn karaoke. Tính cả vốn cho tàu và lưới, ngư cụ, ông Ái đầu tư 4,7 tỉ đồng. Đầu năm 2012, ông tiếp tục đóng tàu công suất 800CV và nâng công suất hai con tàu nhỏ lên, tổng số vốn gần 8 tỉ đồng. Năm con trai lần lượt vững tay lái vươn ra khơi xa.

Anh Vương cho biết nhờ có tàu lớn, việc khai thác khơi xa hiệu quả thấy rõ. “Tàu lớn đi nhanh, đi xa nên tổn phí thấp hơn so với các tàu nhỏ cộng lại. Thêm nữa, thời gian từ khơi vào bờ nhanh nên phẩm cấp cá không bị ảnh hưởng lớn. So với những tàu nhỏ hơn thì bình quân mỗi chuyến đánh bắt của mỗi tàu gia đình tôi sản lượng phải gấp đôi” - anh Vương nói. Anh thuyền trưởng trẻ tuổi cũng cho biết chiếc tàu to của anh trang bị rađa, máy ICOM, máy dò định vị... nên phát hiện luồng cá tốt, có thể báo cho các tàu của gia đình cùng nhau đánh bắt. Hai chiếc tàu lớn có lúc hoạt động như tàu hậu cần, gom cá từ những tàu con của gia đình, sang bớt dầu để tàu nhỏ tiếp tục bám biển, còn tàu lớn mang sản phẩm vào bờ để bán...

Tàu lớn nhất Khánh Hòa

Người dân qua lại cầu Bình Tân ở P.Phước Long (TP Nha Trang, Khánh Hòa) gần đây không khỏi ngạc nhiên khi thấy một chiếc tàu cá đang trong giai đoạn hoàn thiện, rất lớn so với những con tàu khác ở đây, được neo đậu trên sông Quán Trường. Tàu có tổng công suất máy hơn 1.100CV, dài 23m, rộng 6,5m của ngư dân trẻ Nguyễn Thuận (34 tuổi, P.Vĩnh Trường, TP Nha Trang). Đây cũng là chiếc tàu được Viện Khoa học công nghệ khai thác thủy sản Trường đại học Nha Trang lắp đặt miễn phí hầm bảo quản hải sản bằng vật liệu cách nhiệt dưới dạng bọt xốp polyurethane (PU), lót inox giúp chống thấm nước, giữ lạnh tốt; nước đá mang theo được sử dụng đến 95% (hầm truyền thống khoảng 60-70%), hạn chế tàu phá nước. Ông Nguyễn Khắc Én - trưởng phòng quản lý khai thác, nguồn lợi và môi trường thuộc Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Khánh Hòa - cho biết đây là chiếc tàu lớn nhất tỉnh Khánh Hòa hiện nay, bởi trong số gần 1.000 tàu đánh bắt xa bờ của tỉnh, chỉ có hơn 30 chiếc có công suất 400-650CV, còn lại là tàu có công suất từ 90-300CV.

“Được lái tàu to, đánh bắt khơi xa là mơ ước không chỉ của tôi mà của bất cứ người nào làm nghề biển”, anh Nguyễn Thuận quả quyết như vậy. Gia đình anh Thuận gắn với nghề làm biển đã bốn đời. Khi mới học lớp 1, Thuận đã theo cha đi xuồng đánh bắt cá trong vịnh Nha Trang, năm 16 tuổi anh đã lái thuyền ra biển đánh bắt. Hiện nay, cả năm anh em trai nhà Thuận đang sở hữu 11 chiếc tàu lớn nhỏ, riêng Thuận là chủ hai chiếc tàu lớn nhất.

Khoảng nửa tháng nữa, chiếc tàu lớn trị giá 4,5 tỉ đồng của Thuận hoàn thiện và anh cho biết sẽ đến đánh cá vùng biển Trường Sa, nhà giàn DK1 và vùng biển phía Nam để hành nghề mành chụp cá ngừ đại dương. Hăm hở với hi vọng tàu to sẽ đánh bắt được nhiều cá lớn, nhưng Nguyễn Thuận cũng nhiều trăn trở. “Gần đây Nhà nước hỗ trợ ngư dân về tiền dầu, tiền bảo hiểm thân tàu và thuyền viên. Thế nhưng, để nước ta có thêm nhiều tàu công suất lớn vươn khơi thì ngư dân cần được hỗ trợ hơn nữa. Ví dụ như tôi hiện đang gặp khó khăn, nhưng chỉ vay được tối đa 400 triệu đồng cho con tàu 4,5 tỉ đồng này với lãi suất khoảng 15%/ năm. Và với mức lãi suất này cũng đủ khiến tôi ngập nợ rồi”, anh Thuận chia sẻ.

Sẽ thí điểm đóng tàu cá vỏ sắt

Ông Lê Văn Sơn - chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi - cho biết Chính phủ có chủ trương thí điểm đóng tàu vỏ sắt khai thác xa bờ ở tỉnh Quảng Ngãi. Đây được xem là bước đột phá trong khai thác thủy sản đối với ngư dân tỉnh. Theo chủ trương, trong năm 2012-2013 sẽ thí điểm đóng 22 tàu cá vỏ sắt, công suất tối thiểu 400CV ở Quảng Ngãi, sau đó nhân rộng lên 28 tỉnh, thành có biển.

0ZCqn3wM.jpgPhóng to
Tàu cá BĐ-94439 TS của gia đình ông Nguyễn Văn Ái (Bình Định) đánh bắt cá ở khu vực đảo Đá Tây (Trường Sa) - Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Sơn, tàu cá vỏ sắt có nhiều ưu điểm vượt trội so với tàu gỗ: có công suất cao, vững chắc, an toàn khi ra khơi, có khả năng hoạt động xa bờ và dài ngày, trang bị máy móc thiết bị hiện đại và có khả năng đối phó với các tàu cá vỏ sắt của ngư dân nước ngoài, bảo vệ ngư trường và lãnh hải Tổ quốc. Ông Sơn nói thêm với ưu thế vượt trội về mọi mặt, việc khai thác hải sản ở các nghề phù hợp tàu cá vỏ sắt như lưới kéo, vây, câu... sẽ có hiệu quả cao hơn.

Theo ông Sơn, giá trị của tàu vỏ sắt chỉ cao hơn 30-40% so với tàu gỗ cùng công suất nên cùng với việc Nhà nước hỗ trợ, ngư dân sẽ không quá khó để có điều kiện sở hữu tàu. Chẳng hạn tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi hoặc sẽ chọn những ngư dân có kinh nghiệm đánh bắt, có điều kiện kinh tế vững vàng, có uy tín trong cộng đồng ngư dân. Tỉnh đã có bước chuẩn bị về mọi mặt để khi có chủ trương triển khai thực hiện sẽ đạt kết quả tốt nhất. Ngư dân sẽ được đơn vị đóng tàu tập huấn về điều khiển tàu vỏ sắt, sử dụng máy móc thiết bị hỗ trợ việc khai thác, thông tin liên lạc, kiến thức về biển đảo... cùng lúc với việc triển khai đóng tàu nên sẽ không bị động.

Đầu tư gần 6.000 tỉ đồng cho tàu cá

Chiều 19-7, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức hội thảo góp ý đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản. Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho rằng một trong những khâu đột phá cần tập trung trong thời gian tới là hiện đại hóa tàu cá một cách đồng bộ và sản xuất theo chuỗi có sự gắn kết chặt chẽ giữa các khâu có liên quan.

Cũng theo ông Tám, vừa qua Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đã giao Bộ NN&PTNT xây dựng đề án tổ chức lại sản xuất nghề cá (trong đó có phương án hỗ trợ đóng tàu cho ngư dân) để nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác hải sản và cải thiện đời sống của ngư dân, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25-7.

Ông Lê Trần Nguyên Hùng (Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản) cho biết dự thảo đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản đã đưa ra nhiều giải pháp đáng chú ý, trong đó có việc hiện đại hóa đội tàu khai thác hải sản xa bờ. Nghiên cứu, chuẩn hóa và chế tạo các mẫu tàu mới phù hợp với khai thác hải sản xa bờ, tiến tới thay thế tàu vỏ gỗ bằng vỏ thép, composite...; cải tiến, hiện đại hóa các trang thiết bị phục vụ khai thác, thông tin hàng hải.

Dự thảo đề án đưa ra 11 dự án ưu tiên, trong đó có việc thí điểm đóng mới, thay máy mới cho tàu cá. Mục tiêu của việc thí điểm này là nâng cao hiệu quả khai thác hải sản; đảm bảo an toàn cho người và tàu cá; tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo; nâng cao năng lực quản lý, sản xuất, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Tổng kinh phí dự kiến đầu tư cho 11 dự án ưu tiên từ nguồn ngân sách nhà nước là 5.916 tỉ đồng, riêng việc thí điểm đóng mới, thay máy mới cho tàu cá là 500 tỉ đồng.

Tán thành sự cần thiết của đề án, tuy nhiên ông Nguyễn Văn Đoàn (vụ phó Vụ Kinh tế nông nghiệp, Bộ Kế hoạch và đầu tư) cho rằng ngoài nguồn vốn từ ngân sách thì ban soạn thảo cần đề ra các giải pháp cụ thể hơn nữa để thu hút đa dạng các nguồn vốn. “Trong bối cảnh hiện nay tổng mức đầu tư gần 6.000 tỉ đồng là rất lớn, do vậy cần làm rõ hơn các công việc sẽ triển khai đối với từng dự án cụ thể” - ông Đoàn nói.

Ngư dân NGUYỄN THUẬN (34 tuổi, P.Vĩnh Trường, TP Nha Trang, Khánh Hòa)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên