Ngồi trên chiếc xe lăn, cô y tá đưa tôi vào phòng bệnh. Đó là hai căn phòng nằm riêng ở cuối dãy nội tổng quát, chúng được dành riêng để tiếp nhận những người bệnh từ các trường cai nghiện như tôi. Chiếc xe vừa lăn đến cửa phòng, bỗng tôi thấy một tốp người đứng từ xa xì xầm, chỉ trỏ vào tôi và hai bạn cùng đi: “Sida đó, cái thứ này sao không chết hết cho rồi”, “Sida đó, toàn cái thứ mại dâm, ma tuý, nhìn thấy ớn”.
Chúng tôi lặng lẽ nhìn nhau, dù cố lắm tôi vẫn thấy mắt mình cay xè. Tại sao lại thế nhỉ? Khi ở trường, tôi được học những buổi chuyên đề về căn bệnh này, người ta nói kiến thức về HIV/AIDS đã được tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng, vậy mà… họ vẫn sợ chúng tôi, vẫn xa lánh chúng tôi.
Chưa dừng lại ở đó, mỗi ngày phòng bệnh của chúng tôi luôn có một số người tò mò vây quanh, nhìn qua khe cửa và rủ rê nhau đến xem (như xem sinh vật lạ). Có hôm gia đình không lên, tôi phải tự đi xuống căntin mua cơm về phòng. Vừa thấy tôi là họ né đi, sợ chạm phải vào người, cứ như đụng vào là chúng tôi sẽ lây bệnh ngay cho họ.
Thế mới biết, tuyên truyền và thực hành là hai việc hoàn toàn khác nhau. Chúng tôi bị phân biệt, kỳ thị vì định kiến xã hội luôn cho rằng những người có HIV là những người hư hỏng, sống buông thả. Nhưng thực tế cũng có những hoàn cảnh bị nhiễm HIV là người sống lành mạnh, lương thiện, chỉ vì một sự vô tình hay sơ ý mà họ phải chịu sự ghẻ lạnh này. Tôi không biện minh cho mình nhưng rõ ràng sự xa lánh của một bộ phận trong xã hội làm chúng tôi cảm thấy đơn độc rồi tuyệt vọng và đi đến cái chết nhanh hơn.
Đáng buồn nhất là hoàn cảnh một bạn nằm cùng phòng bệnh với tôi. Bạn đã bệnh rất nặng, thậm chí không thể tự vệ sinh cá nhân được. Vậy mà vài hôm mới thấy gia đình lên thăm, cho ít tiền để sinh hoạt rồi ra về, như chẳng hề là máu mủ ruột thịt.
Cuộc đời mỗi con người như bàn tay có trăm đường chỉ dọc ngang. Ta không đoán được đường đời sẽ đưa ta về đâu. Nhưng chúng tôi, những người có HIV không ai muốn mình lại có kết thúc như thế. Song mấy ai hiểu được để thông cảm và thứ tha? Có ai dang rộng vòng tay đón nhận chúng tôi? Ai sẽ nhìn chúng tôi bằng cặp mắt thân thương trìu mến chứ không phải khinh miệt sợ hãi?
Hãy cho chúng tôi thấy rằng dù đang ở những ngày tháng cuối đời thì cuộc sống vẫn tươi đẹp, vẫn đáng sống từ sự quan tâm thật lòng của xã hội.
Mời bạn tham gia Nhật ký của nhiều người Đã bao giờ bạn thử viết nhật ký? Ghi lại một câu chuyện nhỏ, một ấn tượng trong một ngày, một giờ, một khoảnh khắc của mình, có khi bạn lại bất ngờ phát hiện được một thông điệp. Và thông điệp đó lại rất có khả năng có thể sẻ chia với mọi người, để chúng ta cùng có một cuộc sống đẹp hơn. Bạn hãy cùng chúng tôi viết thêm nhiều, nhiều thông điệp khác với những băn khoăn, trăn trở mà các bạn bắt gặp; hoặc đó là những bài học về giá trị làm người mà các bạn "học" được trên đường đời… Mọi thư từ, bài vở xin gửi về tto@tuoitre.com.vn, xin ghi rõ tham gia mục Nhật ký của nhiều người (bài viết vui lòng dùng font có dấu tiếng Việt). Bài viết chọn đăng sẽ có nhuận bút. TTO |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận