27/03/2011 06:04 GMT+7

Mơ ngày đóng góp cho đất mẹ

VŨ CÔNG LẬP
VŨ CÔNG LẬP

TT - Đoạt 33 HCV nhảy cầu ở Giải vô địch quốc gia Đức và vô địch châu Âu, Dương Kiều Trang từng được chọn là người cầm cờ cho đội tuyển Đức tại Olympic trẻ thế giới lần đầu tổ chức ở Singapore.

TT - Đoạt 33 HCV nhảy cầu ở Giải vô địch quốc gia Đức và vô địch châu Âu, Dương Kiều Trang từng được chọn là người cầm cờ cho đội tuyển Đức tại Olympic trẻ thế giới lần đầu tổ chức ở Singapore.

Kieu Duong - báo chí Đức vẫn thường gọi cô như vậy. Có tài năng, ý chí và khát vọng, Kiều Trang đã đạt những thành tựu trong môn nhảy cầu nhờ hệ thống săn tìm, tuyển chọn và bồi dưỡng tài năng của thể thao Đức.

Vào cuộc

Sinh ngày 8-10-1994, do gầy yếu nên bố mẹ cho Kiều Trang đi bơi từ rất sớm với hi vọng cải thiện sức khỏe. Năm Kiều Trang 4 tuổi, bố em - ông Viễn - rất bất ngờ khi nhận được thư của CLB Berlin (TSC Berlin) đề nghị cho em theo tập tại lớp năng khiếu của CLB.

Bất ngờ lắm vì TSC Berlin là lò đào tạo tài năng nổi tiếng với những thành tựu hàng đầu của nước Đức. Khi săn tìm tài năng ở tất cả các bể bơi trong thành phố, họ đã phát hiện Kiều Trang.

Ông Viễn nhớ lại: “Cả nhà rất mừng nhưng chẳng bao giờ mơ đến huy chương. Chỉ đơn giản nghĩ rằng cháu tập ở đấy sẽ được ăn uống đầy đủ, rồi có thầy dạy dỗ sẽ lớn lên khỏe mạnh”.

Nhưng CLB tin rằng Kiều Trang sẽ trở thành một VĐV nhảy cầu xuất sắc do sớm nhìn thấy ở em tố chất khác thường. Ban đầu, Kiều Trang tập một tuần ba buổi, mỗi buổi hai giờ. Năm 9 tuổi, Kiều Trang đoạt chức vô địch toàn Berlin. Năm 11 tuổi (lớp 4) vô địch toàn nước Đức. Từ lớp 5, Kiều Trang là học sinh Trường Năng khiếu thể thao mang tên Coubertin, người sáng lập phong trào Olympic.

Ở Đức, năng khiếu thể thao được coi trọng không kém năng khiếu toán học, tin học hay ngoại ngữ... do tất cả đều là tài năng hiếm có, là tương lai của đất nước. Chuyên thể thao nhưng không chút coi thường học tập văn hóa. Do tập luyện nhiều, lại phải đảm bảo chất lượng học văn hóa nên các em học sinh ở đây được học theo chế độ “2 lớp 3 năm” chứ không có chuyện “nhân nhượng” trong thi cử.

Vì vậy khi được hỏi học lớp mấy, Kiều Trang bảo khó nói lắm bởi vừa học môn lớp 10, vừa học môn lớp 9. Thể thao năng khiếu ở Đức phải đảm bảo mọi tiêu chuẩn phát triển của xã hội thông thường.

Trường Coubertin quy tụ nhiều tài năng của nước Đức. Ngày nào Kiều Trang cũng 7 giờ sáng đi, 7 giờ tối về. Buổi tối, Trang cần hai giờ để làm bài tập. Mỗi tuần tập sáu ngày và cân một lần, điều chỉnh luôn (bằng ăn và tập) khi lệch chuẩn chưa đến 100 gam. Sức khỏe và luyện tập được Trung tâm Huấn luyện olympic quốc gia tại Berlin trực tiếp đảm trách.

HLV của Kiều Trang hiện nay là HLV quốc gia Andreas Hampel.

Gặt hái thành tích

Ở châu Âu, lứa tuổi năng khiếu được phân làm ba nhóm: nhóm A (16- 18 tuổi), nhóm B (14-15 tuổi) và nhóm C (dưới 14 tuổi). Kiều Trang đã trải qua tất cả những chặng đường ấy với 33 HCV đạt được ở các giải vô địch Đức và châu Âu trên các cầu nhảy 1m, 3m, 5m, 10m (cả cầu cứng lẫn cầu mềm, cả nhảy đơn lẫn nhảy đôi). Thành tích này khiến cô trở thành VĐV trẻ hiếm hoi thường xuất hiện trên mặt báo.

Giải vô địch châu Âu năm 2009, ở nhóm B, vòng ngoài, Kiều Trang chỉ đạt hạng 9. Nhưng ở chung kết, Trang thi đấu rất xuất sắc và đoạt HCV cầu nhảy 10m. Báo Berlin giật tít: “Cô Kieu (Trang) bé nhỏ bỗng chốc trở nên lớn lao”. Giải Olympic trẻ thế giới lần đầu được tổ chức tại Singapore năm 2010, Kiều Trang được chọn là người cầm cờ cho đội tuyển Đức.

Đêm ấy, khi được HLV báo tin, Kiều Trang đã run lên vì niềm vui bởi sẽ nhận cờ từ tay VĐV bóng rổ nổi tiếng Dirk Nowitzki khi dẫn đầu đoàn Đức diễu hành vào sân. Tuy chỉ đạt hạng 5 ở cầu 10m và hạng 7 cầu 5m nhưng với Trang: “Đây là kỷ niệm đẹp nhất trong quãng đường thể thao bởi tôi đã được gặp bạn bè trên toàn thế giới, đồng thời được chứng kiến kỹ thuật khác thường của VĐV Trung Quốc”.

Ngày 18-2-2011, tại Giải vô địch Đức, Kiều Trang đoạt 2 HCĐ cầu 10m và nhảy đôi cùng Larisa Lemke. Tờ Berliner Kourier số ra ngày 1-3 khẳng định: “Không còn gì có thể ngăn cản cô gái nhỏ bé này”. Rất có thể năm nay Kiều Trang sẽ có mặt tại Giải vô địch châu Âu ở lứa tuổi trưởng thành.

Nếu tự đánh giá về mình, Kiều Trang thấy tính cách nào là cơ bản nhất? Trang cười trả lời làm hai nhịp: quyết tâm... và có thể là dũng cảm. Quyết tâm theo đuổi một cách kiên định mục tiêu của mình. Còn dũng cảm ư? Bạn hãy thử lên cầu cao 10m rồi nhìn xuống mặt nước xem...

Mơ góp sức cho đất mẹ

Tuy không thể thi đấu cho tuyển Việt Nam do đã khoác áo tuyển Đức nhưng Dương Kiều Trang vẫn mong muốn sau này có thể làm việc ở Việt Nam trong lĩnh vực chuyên môn của mình.

Gia đình quê ở Từ Sơn, Bắc Ninh và Kiều Trang đã về thăm Việt Nam năm lần. Trang kể: “Lúc đầu thì hơi khó, nhưng sau ít ngày tôi cũng nói thạo tiếng Việt”. Vui một chút, người viết đề nghị nói liền một mạch: ba, bà, bả, bá, bã, bạ, Kiều Trang phát âm chậm rãi nhưng đúng, tròn vành, rõ chữ. Người nước ngoài không thể phát âm như vậy.

Gia đình muốn Trang sau này theo học ngành khoa học thể dục thể thao tại Trường Tổng hợp Berlin. Nếu học 4 năm, Trang sẽ là HLV quốc tế có thể làm việc trên toàn thế giới. Còn nếu học 3 năm, Trang sẽ chỉ có thể làm HLV ở Đức. Nhưng Trang không muốn làm nghề này: “Làm HLV bị bó chân bó tay khổ lắm. Tôi chỉ muốn làm việc gì được đi lại nhiều, như vật lý trị liệu chẳng hạn”.

Nếu Việt Nam tổ chức một giải vô địch mở rộng về bơi lội, có sự tham dự quốc tế, Kiều Trang có thể tham dự không? Trang reo lên: “Thế thì hay quá nhưng phải phù hợp với lịch luyện tập và thi đấu ở Đức”.

Ở bể bơi của TSC Berlin, Trang không phải là người Việt duy nhất. Bên cạnh Trang là Phạm Mỹ, vô địch châu Âu năm 2007, cùng hai VĐV nam khác dưới 14 tuổi. Chưa biết thành tích của các em rồi sẽ tới đâu nhưng chỉ riêng sự có mặt ở TBC Berlin đã chứng tỏ năng khiếu của các em.

Tài năng thể thao Việt không phải không có, vấn đề là kiếm tìm, tuyển chọn, huấn luyện và đào tạo.

VŨ CÔNG LẬP

VŨ CÔNG LẬP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên