29/03/2011 05:00 GMT+7

Mò mẫm tìm lối đi riêng

TRỊNH VĨNH HÀ
TRỊNH VĨNH HÀ

TT - Với chủ trương dạy các môn khoa học tự nhiên (toán, vật lý, hóa học, sinh học) bằng tiếng Anh trong trường chuyên, cả nước hiện chỉ có ba trường chính thức công bố triển khai thí điểm và đều phải đối mặt với nhiều khó khăn.

gLN6zDRj.jpgPhóng to
Giờ học sinh học bằng tiếng Anh tại Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (thuộc Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG Hà Nội) - Ảnh: V.H.

Mỗi trường đang phải khắc phục nhiều trở ngại bằng những giải pháp khác nhau để không phải gãy gánh nửa đường.

Mỗi trường một cách

PGS-TS Nguyễn Vũ Lương, hiệu trưởng Trường THPT Khoa học tự nhiên (trực thuộc Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG Hà Nội), khẳng định sau một thời gian triển khai thí điểm: “Việc dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh hoàn toàn có thể thực hiện được nếu chúng ta quyết tâm”.

Tuy nhiên để “không thất bại”, Trường chuyên Khoa học tự nhiên cũng phải tìm một lối đi riêng. Ông Lương cho biết: “Để không ảnh hưởng đến chương trình của Nhà nước (Bộ GD-ĐT), chúng tôi tổ chức dạy các môn toán, vật lý, hóa học, sinh học bằng tiếng Anh vào một buổi, buổi còn lại học như bình thường. Hai cách học trên bổ trợ cho nhau. Buổi học bình thường giúp học sinh nắm vững kiến thức các môn học nên khi học bằng tiếng Anh sẽ dễ hiểu hơn”.

Theo chủ trương này, đến năm 2015 phải có 20% số cán bộ quản lý, giáo viên trường chuyên giỏi về chuyên môn, trình độ tin học và sử dụng được ngoại ngữ trong giảng dạy, giao tiếp. Có ít nhất 50% học sinh đạt bậc 3 về ngoại ngữ theo tiêu chí do Hiệp hội Các tổ chức khảo thí ngoại ngữ châu Âu ban hành.

Trong khi đó, cô Quách Phạm Thùy Trang, giáo viên môn hóa học, Trường THPT chuyên (Đại học Sư phạm Hà Nội), cho biết: với trình độ tiếng Anh đầu vào của học sinh không đồng đều, có khoảng cách khá lớn, trường phải dành hẳn một năm để dạy tăng cường tiếng Anh.

Bên cạnh đó tổ chức nhiều hoạt động, các cuộc thảo luận chuyên đề để học sinh làm quen với thuật ngữ chuyên môn, văn phong tiếng Anh. Vì vậy, việc dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh chỉ thực hiện được từ lớp 11.

Thế nhưng, không phải 100% học sinh đều học bằng tiếng Anh, mà chỉ tổ chức một số lớp chuyên đề dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh trên cơ sở tự nguyện của học sinh. Học sinh học các lớp này vẫn phải song song duy trì việc học các môn học bằng tiếng Việt để đảm bảo yêu cầu về kiến thức.

Riêng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong TP.HCM là trường có thời gian chuẩn bị và thực hiện việc dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh lâu nhất, từ trước khi việc này trở thành chủ trương chung và là một phần nội dung của đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên.

Theo thầy Trần Đức Huyên, phó hiệu trưởng, hiện trường đã tự biên soạn chương trình, tài liệu riêng cho các môn toán, vật lý, hóa học, sinh học bằng tiếng Anh. Tuy có chuẩn bị khá kỹ nhưng trường cũng chỉ tổ chức thí điểm với khoảng sáu lớp/năm học, thời lượng dạy hai tiết/tuần/môn.

Nhiều trở ngại

Tại hội thảo về triển khai dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh do Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây, nhiều trường đã bày tỏ những quan ngại trong quá trình thực hiện chủ trương này. Cô Quách Phạm Thùy Trang nhận xét: “Ngoài bất lợi do trình độ tiếng Anh của học sinh không đồng đều, khả năng dạy bằng tiếng Anh của giáo viên còn hạn chế..., việc chưa có chương trình, giáo trình thống nhất, không có lộ trình, mục tiêu từng giai đoạn cũng khiến các trường gặp không ít khó khăn.

Một cản trở khác là do các kỳ thi lớn hiện đều thi bằng tiếng Việt nên nếu học sinh chuyên học hoàn toàn bằng tiếng Anh sẽ không khỏi bị thiệt thòi khi dự thi các kỳ thi này (thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ).

Cùng băn khoăn trên, PGS-TS Tạ Thị Thảo, khoa hóa Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG Hà Nội, cho rằng tình trạng chung với nhiều trường chuyên là trình độ tiếng Anh đầu vào của học sinh chuyên không cao, cách dạy học ở bậc THCS nặng về ngữ pháp, chưa chú trọng khả năng sử dụng. Học sinh thiếu kỹ năng nghe nói, việc tư duy kiến thức chuyên môn bằng tiếng Anh gần như không có.

Trong khi đó, thường học sinh và cha mẹ học sinh chỉ chú tâm đến mục tiêu thi đại học. Vì vậy, nếu nhà trường quá sa đà vào việc dạy bằng tiếng Anh mà không chú ý đến khả năng tiếp thu kiến thức chuyên môn của học sinh, sẽ khó khăn cho các em trong mục tiêu thi vào đại học và cũng khó thu hút được học sinh tham gia chương trình này.

Chưa kể việc học sinh phải đăng ký học với thời lượng gần như gấp đôi bình thường (vừa học bằng tiếng Anh vừa bằng tiếng Việt) khiến việc học trở nên vất vả, quá tải. Những học sinh trong diện bồi dưỡng thi học sinh giỏi lại càng vất vả và không phải học sinh nào cũng đáp ứng được yêu cầu nặng nề này.

Tại hội thảo trên, đại diện một số trường chuyên cũng đề cập những khó khăn về điều kiện dạy học thiếu thốn. Cơ chế đãi ngộ với giáo viên dạy bằng tiếng Anh hiện nay cũng chưa rõ. Đó là lý do khiến nhiều trường chuyên lúng túng trong việc xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cho mục tiêu này.

TRỊNH VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên