14/07/2006 01:07 GMT+7

Mồ hôi giữa chợ đêm

MY LĂNG
MY LĂNG

TT - Đêm thức trắng ở chợ nông sản thực phẩm Thủ Đức. Đằng sau cái sôi động, tấp nập và rực sáng của một trong hai chợ đầu mối lớn nhất hiện nay tại TP.HCM là bao tần tảo, nhọc nhằn đè lên những mảnh đời mưu sinh trong đêm tối...

lNbh3sgj.jpgPhóng to

Chín tuổi, em chỉ biết mình tên Nhân mà không biết mình họ gì! Từ 7 tuổi em đã theo cha mẹ (đều là phu đẩy hàng, người Cần Thơ) vào chợ, bươi thùng rác hay các đống trái cây dập nát tìm những trái còn có thể dùng được; nhặt đầy bịch xốp lại đổ vào chiếc xe kéo ở bìa chợ. Cái thân hình khẳng khiu, đen nhẻm của em cứ liêu xiêu, liêu xiêu.

Đôi vai em quá bé nhỏ, mỏng manh... Em phải oằn lưng, đổi vai liên tục. Đôi chân nhỏ bé, chai sần lấm lem trong đôi dép hơi quá khổ, dường như nặng nề hơn những bước đi... Thế giới của em gắn liền với màn đêm và quẩn quanh trong cái chợ mênh mông này đã hai năm và có lẽ còn dài hơn nữa...

TT - Đêm thức trắng ở chợ nông sản thực phẩm Thủ Đức. Đằng sau cái sôi động, tấp nập và rực sáng của một trong hai chợ đầu mối lớn nhất hiện nay tại TP.HCM là bao tần tảo, nhọc nhằn đè lên những mảnh đời mưu sinh trong đêm tối...

Những người sống về đêm

Chợ rực sáng. Thoang thoảng mùi thơm từ hàng trăm loại nông sản thực phẩm tươi ngần. Xe tải lù lù đậu sát nhau đang hối hả dỡ hàng. Trung bình mỗi đêm, chợ nhập từ 1.400-1.600 tấn trái cây rau củ quả. Có bữa cao điểm lên tới trên 2.000 tấn! Dưới ánh sáng từ hàng ngàn bóng đèn 75W, những thùng trái cây ú nù, mơn mởn và bóng nhẫy nổi lên lồ lộ. Và cũng dưới ánh sáng ấy, người ta thấy rõ những giọt mồ hôi đầm đìa trên mặt, trên những chiếc lưng trần của bao nhiêu con người tất bật thâu đêm...

Ở đây, người ta dường như không có cả thời gian để lau mồ hôi. Đi ào ào, nói như hét, tay chân muốn ríu vào nhau. Cả rừng người đang cuốn lấy công việc. Bên cạnh Hiền (28 tuổi, nhà ở Q.4) lù lù một đống bịch xốp và giấy lót (để bảo vệ trái cây không bị dập). Một ngày làm việc của Hiền bắt đầu từ... 8g tối đến tận 6g30-7g sáng!

Anh ngồi lọt thỏm giữa đống bơ to tướng. Dù chỉ lựa và phân loại bơ nhưng mảnh lưng trần của Hiền mồ hôi vã như tắm. Mỗi đêm anh phải “điểm mặt” 100 thùng trái cây. Có ngày hàng về nhiều tới 150 thùng! Cạnh đấy, chú Quang (48 tuổi, quê ở Cần Thơ) đang xì xụp ăn hủ tiếu. Tô hủ tiếu vẫn còn bốc khói dù đã gần hết! Chú Quang cười: “Phải tốc độ vậy mần mới kịp!”.

23g57. Vợ chồng anh Ngạn chị Nuôi ngồi nghỉ lấy sức trên chiếc xe đẩy dựng ngược, uống ừng ực cốc sâm lạnh. Sương đêm đang xuống mà tóc đôi vợ chồng người Sóc Trăng này bết vào trán lẹp nhẹp mồ hôi. Thằng con trai 2 tuổi mặc bộ quần áo cũ mèm, lấm bẩn đang nghịch mấy bẹ bắp cải dập nát. Anh Ngạn bảo: “Một chuyến đẩy hàng nhiều thì 5.000 - 7.000đ, ít thì 2.000-3.000đ. Đêm nào bết lắm cũng được 40.000đ”. Chị Nuôi lấy vạt áo làm khăn, chêm vào: “Làm nghề này cực lắm em ơi, đàn ông còn đỡ chứ đàn bà... Tính ráng làm kiếm chút đỉnh rồi về quê sống mà thấy khó quá”.

Câu chuyện của chúng tôi bị đứt quãng bởi âm thanh chát chúa từ đội quân xe “di động” sầm sập ngang qua. Chợ có trên dưới 500 xe đẩy, cả nam cả nữ, người già lẫn trẻ con... chạy rầm rập trên đường, thoắt ẩn thoắt hiện giữa biển người và hàng, chạy ngược chạy xuôi đan vào nhau. Một chiếc xe đẩy chất đầy bịch xốp trái cây lao về phía chúng tôi. “Tài xế” là một... cậu nhóc đen sì, nhỏ tẹo chừng bảy, tám tuổi. Em làm nhanh và thuần thục chẳng kém gì người lớn.

Chiếc xe tải “mối” từ Đà Lạt vừa trờ tới. Anh Ngạn chị Nuôi lại tất tả bật dậy. Thằng bé vẫn thơ thẩn chơi với mấy bẹ rau...

Cửa xe sau vừa bật mở, một người trong đội bốc vác nhanh nhẹn nhảy lên xe, kéo những cần xé nặng trịch (170-200kg) chuyền xuống cho đồng đội. Ba, bốn người ở dưới chờ sẵn, xúm tới đỡ cái cần xé. “Thứ hàng này mà mạnh tay một tí là dập hết. “Ăn” đủ luôn!”, một người giải thích. Lặng lẽ, anh Ngạn chị Nuôi chất cần xé lên xe rồi lao đi thật nhanh, lẫn vào dòng người trong đêm tối... Và lặng lẽ, đội bốc vác kéo, vần, chuyển hết cần xé này đến cần xé khác. Hơn 200 phu bốc vác từ tứ xứ, cục mịch, bỗ bã nhưng khá vui vẻ, cởi mở.

Khoảng 25 phút sau hàng đã được chuyển hết xuống. Những nhánh cải rơi vung vãi trên mặt đất. Một người đàn ông nhặt nhạnh, túm thành bó khá to. “Ngần ấy cũng được hai bữa canh đây” - có người nói. Bốn chiếc xe kéo lập sập chạy qua, những trái vải lăn lóc rơi xuống đất. Ba, bốn người bốc vác ùa tới lượm, nhặt bỏ vào túi áo, lột vỏ, thản nhiên đưa vào miệng. Tràng cười giòn tan vang lên bị hút vào mớ âm thanh hỗn độn.

Càng khuya chợ càng đông đúc, náo nhiệt. Từ 0g - 2g sáng là thời điểm nhộn nhịp nhất. Người với xe từ các ngả trong thành phố và từ các vùng lân cận nườm nượp đổ về, ra vào tấp nập. Tiếng bóp còi inh ỏi, tiếng chào khách, tiếng hô mã cân, tiếng hô số tiền, tiếng trả giá... tạo nên một thứ âm thanh rất đặc trưng của chốn chợ búa. Đó cũng là thời gian mà những cánh tay trần nổi nhiều hơn những đường gân, những chiếc lưng trần chảy nhiều hơn những giọt mồ hôi...

36 kiểu ngủ

vaQhEMWi.jpgPhóng to
Một người đẩy xe tranh thủ chợp mắt một chút...
Không ở đâu chúng tôi được chứng kiến những tư thế ngủ độc đáo như ở đây. Nhịp sống hối hả, khẩn trương đầy cực nhọc, vất vả hiện ra ngay từ trong tư thế ngủ của những con người lấy đêm làm ngày.

Ngay đây, một phụ nữ luống tuổi khoác manh áo mỏng tanh, ngồi thu mình giữa những thùng trái cây, gục lên gục xuống. Hai tay chị vẫn còn ôm quyển sổ cong queo!

Đằng kia, một người đàn ông nhỏ thó quấn mình trong chiếc áo gió, đầu vẫn còn đội “nồi cơm điện”, nằm chênh vênh trên yên xe, một tay để trên bụng, một tay buông thõng xuống ngủ vật ngủ vờ...

Gần đấy, giữa đống su su, hai cậu bé chừng 14, 15 tuổi cởi trần, áo vắt ngang bụng, ngoẹo cổ sang một bên, ngủ ngon lành. Muỗi bay loạn xạ.

Xa xa, trên chiếc xe ba gác chật ních cần xé, sọt, bị, một ông lão nằm còng queo, co rúm trong chiếc áo lạnh sờn rách. Bộ mặt đen đúa khắc khổ loang loáng sương đêm và trăng khuya...

Ở một góc vắng hoe, gần chục người bốc vác quăng mình nằm ngang ngửa trên những chiếc xe đẩy. Có anh miệng há hốc, bật ra những tiếng kêu khô khốc trong hơi thở khó nhọc...

Nơi chân tháp đồng hồ, những người phu xếp dỡ nằm la liệt, co ro. Có người nằm nghiêng nghiêng, một chân ghếch lên thang tháp; có người nằm úp xuống nền ximăng, hai tay co cụm lại trước ngực; có người cuộn trong chiếc võng toòng teng trên thang tháp, chơi vơi...

5g sáng. Trước mặt sương mờ mờ, sau lưng, một người bốc vác cởi trần, mảnh khăn ướt nhẹp vắt ngang vai, ngồi bệt trên chiếc xe đẩy, tẩn mẩn vuốt từng đồng bạc nhăn nhúm, cũ kỹ, đếm đi đếm lại...

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên