![]() |
Tác giả Gurcharan Das tóm lược lý do như sau: “Ấn Độ đang tái tạo thành một thành tựu kinh tế thị trường vang dội. Các cải cách kinh tế của Ấn Độ đã nâng GDP/đầu người lên và hạ thấp tỉ lệ nghèo khó, trong khi đó New Dehli đang tăng tự tin để có thể trở thành một đất nước “bản lề” trong cán cân quyền lực của thế giới”.
Đêm trước "cởi trói"
Sau độc lập, Ấn Độ chọn đường lối kinh tế trung ương kế hoạch hóa, với mục đích đảm bảo một sự phân phối công bằng và hiệu quả tài nguyên quốc gia cho mục tiêu phát triển kinh tế cân bằng. Một số lĩnh vực như ngân hàng bị quốc hữu hóa. Ủy ban kế hoạch do đích thân thủ tướng làm chủ tịch soạn và chỉ đạo các kế hoạch năm năm. Lĩnh vực tư nhân được giám sát chặt chẽ bởi các qui định ngặt nghèo.
Tất nhiên, Ấn Độ không hoàn toàn là một nền kinh tế quốc doanh, mà là một nền kinh tế hỗn hợp, vừa có một vài đặc tính kinh tế thị trường vừa tuân thủ những mệnh lệnh kinh tế chỉ huy. Cho đến trước khi “cởi trói” vào năm 1991, Ấn Độ đã hầu như tự cô lập với các thị trường thế giới nhằm bảo hộ nền kinh tế còn mong manh của mình và cũng để tự cung tự cấp.
Thuế nhập khẩu, xuất khẩu đánh nặng, đầu tư nước ngoài cũng rất hạn chế mức trần góp vốn và phải kèm theo chuyển giao công nghệ, định hướng phục vụ xuất khẩu. Các hạn chế này nhằm đảm bảo đầu tư nước ngoài hằng năm chỉ vào khoảng 200 triệu USD trong giai đoạn 1985-1991 để bảo vệ công nghiệp trong nước. Hậu quả của một nền kinh tế “hướng nội” như thế là cán cân thanh toán, từ khi độc lập, cứ âm năm này sang năm khác.
QUID 1993 còn mô tả “đêm trước cởi trói” như sau: “Trong giai đoạn 1980-1985, 600 triệu người sống khép kín ở nông thôn, sức mua và khả năng thương mại hóa sản phẩm hầu như bằng không. Trên tổng số 750 triệu dân, khoảng 350 triệu người sống với chỉ 10 USD/tháng/đầu người, 73 triệu người với dưới 4 USD. Năm 1992, 410 triệu người (38% dân số) sống dưới ngưỡng nghèo (30 USD/tháng).
Chìa khóa cải cách
10 năm sau cải cách, năm 2002, chỉ còn 25% số người sống dưới ngưỡng nghèo. Giảm nghèo 13% trong vòng 10 năm trên một tổng số những 1 tỉ người (khác với nước chỉ vài chục triệu người) không phải là chuyện nhẹ nhàng, nhất là khi đây là một nước nông nghiệp với 60% lực lượng lao động là ở nông thôn. Tất nhiên, giải quyết bài toán nông nghiệp không phải là dễ, ngay cả các nước công nghiệp hàng đầu như Mỹ, EU... cũng còn trợ cấp ào ạt cho nông dân của mình, thì đây chính là một thành quả lớn của cải cách.
Nếu so sánh tỉ lệ tăng trưởng GDP năm 2005 của Ấn Độ là 7,6% (nguồn: CIA World Fact Book) với tỉ lệ tăng trưởng những năm 1962-1975 là 3,2%, 1985 là 4,8%, thậm chí chỉ còn 0,5% năm 1987-1988 do hạn hán (nguồn: QUID), thì có thể thấy cải cách kinh tế đã đem lại những gì cho Ấn Độ. Đó chưa phải là cao, song với một dân số xấp xỉ 1,1 tỉ người mà “chạy gạo” không những đủ ăn, GDP đầu người mỗi năm được 3.300 USD (tính theo sức mua), so với chỉ 1.178 USD năm 1980, thì cũng đã là khá rồi.
Thành quả đó là do từ năm 1991 Ấn Độ đã cải cách kinh tế, mở cửa thị trường, giảm sự kiểm soát của chính phủ trên ngoại thương và đầu tư, giải tư các ngành công nghiệp quốc doanh, mở cửa một số lĩnh vực kinh tế cho tư nhân và nước ngoài tham gia.
15 năm qua, nền kinh tế Ấn Độ đã lột xác hoàn toàn. Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh kinh tế Ấn Độ vào cuối tháng mười một tới tại New Dehli do tổ chức Diễn đàn Kinh tế thế giới (World Economic Forum) tổ chức, trang web của hội nghị đã “dõng dạc” khoe:
“Trong ba năm qua, tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ là trên 7%/năm, và dự kiến các năm tới sẽ còn cao hơn. Thủ tướng Manmohan Singh nhấn mạnh có thể nhắm đến mục tiêu tăng trưởng 10% nếu như tăng được vốn tiết kiệm, tăng sản lượng nông nghiệp và hạ tầng cơ sở được nâng cấp”. Những dự tính tăng trưởng trên là có cơ sở: “Một yếu tố tối quan trọng là hơn 60% sức tăng trưởng của Ấn Độ đến từ khu vực tư nhân”
(http://www.weforum.org/site/homepublic.nsf/Content/India+Economic+Summit+2006).
Foreign Affairs đánh giá: “Với tỉ lệ tăng trưởng 7,5%/năm từ 2002 đến 2006, Ấn Độ là một trong những nước có thành tích kinh tế tốt nhất thế giới trong 1/4 thế kỷ qua. Trong hai thập kỷ qua, lớp trung lưu đã tăng gấp bốn lần, lên đến 250 triệu người, trong khi đó mỗi năm đều giảm nghèo được 1% dân số (đã khấu trừ tăng dân số). Đồng thời tỉ lệ sinh sản từ 2,2%/năm nay xuống còn 1,7%”. Chi tiết sau cùng rất đáng lưu ý khi đây là cường quốc dân số thứ nhì thế giới và hình ảnh cố hữu trước kia của người phụ nữ nước này là con cái đầy đàn.
Foreign Affairs mô tả chìa khóa thành công của Ấn Độ như sau: “Điều đáng để ý trong sự trỗi dậy của Ấn Độ chính là do tính độc đáo của con đường mà họ đã đi. Thay vì đi theo sách lược cổ điển thường thấy ở châu Á là tập trung lao động phục vụ xuất khẩu, sản xuất hàng hóa gia công rẻ mạt cho phương Tây, Ấn Độ đã hướng đến thị trường nội địa hơn là thị trường xuất khẩu, đến tiêu thụ nội địa hơn là đầu tư nước ngoài, đến dịch vụ hơn là công nghiệp, đến kỹ thuật cao hơn là gia công với tay nghề thấp.
Mô hình kinh tế hướng đến tiêu thụ nội địa này “thân thiện” với dân chúng hơn là các sách lược kinh tế khác. Nhờ đó, nền kinh tế Ấn Độ hầu như thoát khỏi những chao đảo kinh tế toàn cầu, mức độ ổn định cũng đáng nể như tỉ lệ tăng trưởng. Kết quả là bất bình đẳng xã hội ở Ấn Độ thấp hơn ở các nước đang phát triển khác.
Chỉ số Gini (đo lương bất bình đẳng thu nhập trên thang bậc từ 0-100) ở Ấn Độ chỉ là 33, trong khi ở Trung Quốc là 45 và ở Brazil là 59. Mặt khác, 30-40% GDP của Ấn Độ tăng trưởng là do tăng sản lượng chứ không phải do tăng vốn đầu tư hay tăng nhân lực lao động trong các lĩnh vực đó. Đây chính là một dấu hiệu thật sự của một nền kinh tế khỏe mạnh và tiến bộ”.
CIA World Fact Book nhấn mạnh đến chi tiết độc đáo sau: “Ấn Độ tập trung vốn liếng cho một đội ngũ đông đảo người có học cao, lại có khả năng Anh ngữ, để trở thành một nước xuất khẩu dịch vụ phần mềm và kỹ thuật viên phần mềm lớn”.
Song đáng kể hơn cả, theo Foreign Affairs, chính là “thay vì tăng trưởng nhờ sự giúp đỡ của Nhà nước, thì ở Ấn Độ sự tăng trưởng này nhiều khi không cần đến Nhà nước giúp đỡ. Nhà doanh nghiệp Ấn chính là tâm điểm của câu chuyện thành công của đất nước này.
Ấn Độ ngày nay đầy dẫy những công ty tư nhân rất cạnh tranh, một thị trường chứng khoán đang bùng nổ, một lĩnh vực ngân hàng hiện đại và có kỷ luật. Nhà nước Ấn từ năm 1991 đã từng bước bước ra khỏi “sân”, đã hạ thấp hàng rào quan thuế, đã phá bỏ những độc quyền quốc doanh, đã cởi trói công nghiệp, đã khuyến khích cạnh tranh và mở cửa đất nước với thế giới còn lại”.
Thách thức còn rình rập
Gurcharan Das của Foreign Affairs kết luận: “Thế nhưng, bước đi vẫn còn chậm. Còn cần những cải cách khác được thêm vào. Ấn Độ nay đang ở vào thời điểm lịch sử. Tăng trưởng nhanh sẽ tiếp tục, thậm chí còn nhanh hơn. Song Ấn Độ không thể xem như là đã hoàn tất. Công nợ vẫn còn cao làm giảm đi những đầu tư cho hạ tầng cơ sở. Luật lao động quá khắt khe, trong khi chỉ bảo hộ được có 10% dân số lao động, làm nản lòng các chủ nhân muốn thêm lao động.
Lĩnh vực công, tuy nhỏ hơn ở Trung Quốc nhiều, song vẫn còn quá lớn và kém hiệu quả. Cho dù Ấn Độ có thành công trong việc tạo ra một đội ngũ lao động cao cấp, một công nghiệp có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao, song vẫn thất bại trong việc tạo ra một cuộc cách mạng công nghiệp có nền tảng đại chúng hơn. Nói cách khác, số công ăn việc làm tạo ra chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng. Dân số nông thôn vẫn còn chịu sự chỉ đạo của Nhà nước trong sản xuất, hệ thống phân phối vẫn còn tùy tiện khiến họ chỉ được hưởng từ 20-30% giá trị nông sản bán lẻ”.
Tác giả khuyến cáo: “Ấn Độ cần tận dụng cơ hội hiện tại để tháo gỡ các trở ngại còn lại vốn đã không cho phép tăng hết công suất. Bằng không, Ấn Độ sẽ rơi vào tự mãn, cả tin rằng rồi thì cũng sẽ tiến bộ song sẽ trễ mất 20 năm! Các cải cách khó khăn nhất vẫn chưa được đưa ra và thực hiện, thế mà đã có những dấu hiệu tự mãn rồi”.
Cũng may là đương kim Thủ tướng Manmohan Singh chính là “kiến trúc sư' của các cải cách này khi ông còn là bộ trưởng tài chính từ những năm 1990 dưới trào Thủ tướng P.V.Narasimha Rao.
Trên đây là đôi nét về “mô hình Ấn Độ”. “Mô hình” trong ý nghĩa một cái gì để quan sát chứ không để sao chép. Nếu có cần sao chép, thì cũng ở những điểm như tăng cường chất lượng giáo dục để tạo thành một lực lượng lao động có trình độ cao, kỷ luật cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận